04/11/2013 09:00 GMT+7

Bão lũ ở một xã miền núi

 PHẠM TUẤN VŨ (Bình Định)
 PHẠM TUẤN VŨ (Bình Định)

AT - Những ngày cuối cùng của tháng chín năm nay, cơn bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình, cả miền Trung đứng ngồi thấp thỏm.

Lại sắp một mùa bão lũ nữa rồi, mảnh đất đòn gánh hai vai đất nước này vốn đã khó nghèo, nay lại sắp phải đối mặt với thiệt hại nặng nề mà không ai lường trước được và cũng chẳng ai dám nghĩ tới. “Miền Trung quê tôi đất cằn sỏi đá, miền Trung quê tôi bốn mùa hối hả, miền Trung quê tôi vất vả quanh năm”.

Đã bao đời như thế, mảnh đất gầy dọc theo dãy Trường Sơn này phải đối mặt với bao nhiêu trận bão lũ hằng năm, đã thấm thía những nỗi cơ cực nhọc nhằn mưa bão. Người miền Trung đã từ lâu vốn xem thường thiên tai, dù ít nơi nào trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta thiên tai lại khắc nghiệt như mảnh đất này.

Thế nhưng những năm trở lại đây, thiên nhiên ngày càng giận dữ, thiên tai càng khốc liệt hơn nhiều, và người miền Trung lại phải chịu thêm những xót xa, mất mát; cuộc sống lại thêm nặng gánh oằn vai, vốn đã khó nghèo, nay càng thêm chật vật.

Quê tôi là một xã miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi từng được ví là trung tâm bão của cả nước. Có những năm, quê tôi đón hàng chục cơn bão lớn và ngay sau đó là những trận lụt kinh hoàng. Tôi còn nhớ như in cơn đại hồng thủy của năm cuối cùng thế kỷ trước.

Trận lụt lịch sử năm 1999 ấy đã quét sạch làng tôi, những hàng tre kiên cố nhất đều bị nước lũ cuốn phăng, không một ngôi nhà tranh hay nhà gỗ nào trụ lại được sau lụt, ruộng vườn của bà con làng tôi và các làng lân cận hầu như đều bị sạt lở và cát bồi trắng xóa. Bão tan, nước lũ rút đi rồi, ngôi làng bé nhỏ miền sơn cước của tôi năm ấy tiêu điều xơ xác hầu như bị nước lũ xóa sạch hoàn toàn.

Hơn hai tháng từ sau trận lụt khủng khiếp, mãi cho đến tết năm ấy, làng tôi vẫn chưa khắc phục được hậu quả do bão lũ gây ra. Và cái tết đầu tiên của thiên niên kỷ mới, tết năm 2000, dân làng tôi tất cả đều thiếu lương thực, nhiều hộ gia đình vẫn còn sống trong nhà tạm. Đó là cái tết thiếu thốn, ngậm ngùi đáng nhớ nhất của làng tôi.

Tôi đã đi qua những mùa đông của tuổi thơ không phải bằng ngôi nhà vững chãi kiên cố, bằng những lò sưởi ấm áp hay những tô súp nóng hổi thơm lừng mà mẹ chuẩn bị sẵn cho. Ngay cả chiếc chăn bông dày, chiếc giường thật êm và một giấc ngủ ấm áp, tôi và người quê tôi ngày ấy thường mơ ước nhưng ít khi nào có được.

Quê tôi mùa bão lũ là những đêm nơm nớp lo sợ gió to quật ngã cây đè mái nhà, là những đêm nằm trong nhà mà cứ thấp thỏm không biết đêm nay gió bão về có làm tốc mái sập tường, là những đêm nhà giọt nước mưa khắp nơi, cả chăn chiếu nhiều khi cũng bị ướt, giấc ngủ co ro lạnh cóng thỉnh thoảng lại chập chờn. Quê tôi mùa bão lụt là đêm thức trắng ngồi canh nước lên, những rạng sáng cả làng căng thẳng vật lộn với từng đợt lũ quét nơi thượng nguồn dồn về đột ngột, là những nỗi lo âu, phấp phỏng; là nỗi buồn xót xa, tuyệt vọng khi bão lũ về làm xáo trộn cuộc sống nơi rừng núi vốn yên bình.

Cho đến bây giờ, mùa mưa lũ vẫn là điều bà con xóm miền núi nghèo quê tôi sợ nhất. Nhớ có những ngày mưa lớn triền miên, mưa chỉ độ hai tiếng đồng hồ là nước sông đã mấp mé bên hiên nhà, lợn gà nhiều khi phải cho vào phòng khách ở cùng với chủ. Có năm nước lên cao quá, mọi đồ đạc trong nhà cùng các con vật nuôi bà con trong xóm phải mang lên gò đất cao, dựng bạt làm lều tạm mà giữ cho khỏi bị nước trôi mất. Còn ruộng lúa hoa màu thì đành phó mặt ông trời.

Nhớ những năm nước lên dữ quá, nước lũ ở miền núi lên rất nhanh và chảy rất xiết, nước đến đâu cuốn trôi theo nó mọi thứ đến đó. Làng tôi dường như bị lũ quét chẳng còn gì, từ cây rơm đầu đường, hàng rào các thửa ruộng, luống rau bên mương cho đến những vật dụng hằng ngày để quên ngoài trời không cất giữ như chổi, cuốc, chai lọ… Mùa bão lũ năm nào cây cầu ván bắc qua sông nối xóm tôi với xóm chợ cũng bị nước cuốn trôi cả. Nhớ những ngày mưa dầm, nước sông cứ lên, gần nửa tháng trời nước vẫn chưa hạ xuống, làng tôi bị cách biệt mọi liên hệ với bên ngoài.

Những ngày ấy thường điện bị cắt (hầu hết đều bị sét đánh hỏng hoặc do cây đổ làm đứt dây), không đi chợ mua lương thực, dầu thắp được, làng tôi như bị bỏ rơi vì nằm cô lập, bởi phía sau là những cánh rừng già, trước là dòng sông nước cứ lên cao. Vậy mà bà con làng tôi vẫn khắc phục được khó khăn bởi sự cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau. Trong những hoàn cảnh khốn khó nhất, người dân làng tôi lại đoàn kết yêu thương nhau nhất. Có lẽ bởi vậy mà bao đời nay, mưa lũ dù khốc liệt đến mấy, người dân quê tôi vẫn chiến thắng.

Chiều nay nghe đài dự báo thời tiết, diễn biến cơn bão số 10 đang xấu dần đi, miền Trung và quê tôi phải chống trả với sự tàn phá của thiên tai. Lại một mùa bão lũ. “Miền Trung lũ lụt, suốt đêm không ngủ”, lòng những người xa quê như tôi lại từng giờ thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Không biết giờ này bão ở quê đã tan chưa, gia đình và làng mình có bị thiệt hại gì không nữa. Dẫu biết rằng đã bao đời nay, mảnh đất nghèo miền Trung phải hứng chịu những trận bão khủng khiếp, cuộc sống qua nhiều thế hệ vẫn còn vất vả gian lao, nên chỉ biết gửi tấm lòng phương xa về quê nghèo và thầm cầu mong cho bão sớm tan, cho mùa mưa năm nay bão ít vào.

RK7jiBSI.jpgPhóng to

Áo Trắng số 20 ra ngày 1/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 PHẠM TUẤN VŨ (Bình Định)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên