15/02/2010 20:58 GMT+7

Bảo Lan: Thiên thần hát khúc "độc huyền cầm"

THU HÀ
THU HÀ

TTXuân - Một tài năng thiên phú trong vẻ đẹp thiên thần - lời ca tụng ấy trong cảnh thị trường âm nhạc hỗn loạn các giá trị như bây giờ rất dễ bị coi là “quảng cáo”. Nhưng nó đã được thốt ra từ cách đây 10 năm, bởi một tên tuổi mà danh tiếng và sự thẩm định hoàn toàn đáng tin cậy: nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo.

Nhận xét ấy là về Bảo Lan. Khi ấy cô mới 18 tuổi, đang là sinh viên, bắt đầu đi hát trong ban nhạc Năm Dòng Kẻ và vẫn ôm đàn bầu đến lớp hằng ngày.

8LIc7OmN.jpgPhóng to

Ảnh: Gia Tiến

Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”, nghe đàn bầu thôi đã không ổn, Bảo Lan còn học đàn bầu, chơi đàn bầu, sáng tác trên cây đàn bầu và hát cùng đàn bầu, chắc chắn là bởi “duyên nghiệp”

Bảo Lan mê học dương cầm, nhưng cây đàn phương Tây quá xa xỉ với hoàn cảnh kinh tế gia đình, nên cha mẹ đành cho con gái học với cây đàn dân tộc một dây. “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”, nghe đàn bầu thôi đã không ổn, Bảo Lan còn học đàn bầu, chơi đàn bầu, sáng tác trên cây đàn bầu và hát cùng đàn bầu, chắc chắn là bởi “duyên nghiệp”.

16 năm dùi mài kinh sử với đàn bầu, dân trong nghề biết Bảo Lan xinh đẹp và chơi đàn hay. Tuy nhiên chỉ đến khi nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo mời Bảo Lan tham gia giao hưởng Sóng nhất nguyên (2003) và Sóng Trương Chi (2004) với tư cách là một biểu tượng cho âm nhạc dân tộc VN trong dàn giao hưởng phương Tây thì giới nhạc “bác học” mới biết đến một Bảo Lan độc đáo và quyến rũ được nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo dựng cho riêng một cái “chòi” trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội để hòa tiếng đàn bầu réo rắt vào những dòng chảy hùng tráng của Sóng nhất nguyên.

Đứng trong ban nhạc Năm Dòng Kẻ cả 5-6 năm, Bảo Lan lúc nào cũng giữ một vẻ xinh xắn khiêm nhường khi hát bè. Có thể cô sẽ giữ “tinh thần đồng đội” như thế mãi, nếu như Giáng Son không rời ban nhạc để trở lại Hà Nội làm giảng viên, không còn người viết bài hát riêng cho Năm Dòng Kẻ. Khi ấy, Bảo Lan nhớ lại mình đã có bài hát đầu tay Mẹ yêu dấu được biểu diễn trên tivi từ năm 12 tuổi, và cô bắt đầu viết ca khúc trở lại: Cánh hồng, Một thoáng mùa đông, Chàng hát rong, Trái tim nhân hậu, Lời ru, Trong mưa dông chiều… Những bài hát đã cùng Năm Dòng Kẻ “chinh chiến” trên sân khấu ca nhạc vốn chuộng những bài hát âm hưởng Hoa, Hàn và những giọng ca của “sao thị trường”, những bài hát đậm chất dân gian đã giúp bốn cô gái Hà Nội mảnh mai trụ lại ở Sài Gòn nhiều cạnh tranh và cám dỗ.

bs6JdMdx.jpgPhóng to

Ảnh: T.T.D

Nhưng đỉnh cao trong những sáng tác của Bảo Lan chính là bài hát về cây đàn cô gắn bó: Độc huyền cầm. Bài hát đã đoạt giải “Bài hát của tháng” và “Bài hát của năm” trong chương trình “Bài hát Việt” năm 2007. Bảo Lan chơi đàn bầu và hát cùng Năm Dòng Kẻ.

Khán phòng lặng đi và cả khán giả ngồi trước màn hình cũng lặng đi khi mười ngón tay Bảo Lan vuốt trên dây tơ và bốn cô gái cất tiếng - tiếng lòng của Bảo Lan:

Một dây đàn thả cung đơn mộc.Không gian tĩnh lặng.Tiếng đàn luẩn quẩn, len lỏi giữa những khoảng trống vô hình.Trầm một tiếng nặng lòng ai.Ai đợi chờ ai đêm dài không ngủ.Thắp đèn dầu tìm bóng ai trên vách, chỉ có ta với độc huyền cầm...

Độc huyền cầm thì buồn, vậy người viết nó có vui không? Bảo Lan chỉ cười: “Lan còn chơi cả đàn tứ, t’rưng, trống dân tộc… Lúc chơi cả dàn trống thì sẽ vui chứ!”. Gương mặt thiên thần sáng lên trong nụ cười. Ừ, thì cứ độc huyền cầm đi, nhưng không cô đơn nhé!

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên