Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Theo dự thảo luật, có hai loại hình BHYT gồm BHYT bắt buộc và BHYT tự nguyện, mức đóng hằng tháng được qui định tối đa bằng 6% mức tiền lương, tiền công tháng của người lao động.
6% có hợp lý?
Với mức đóng qui định như trên, đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cho rằng đã tăng gấp đôi so với qui định hiện hành nên đề nghị nghiên cứu lại vì thu nhập của người lao động, cán bộ, viên chức hiện còn rất nhiều khó khăn. Bà Sáng đồng ý với quan điểm của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là mức đóng của đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo bằng 3% mức lương tối thiểu chung, các đối tượng còn lại bằng 5% mức tiền lương, tiền công và chủ sử dụng lao động đóng 3%, người lao động đóng 2%.
Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đề xuất: "Theo tôi, luật cần qui định mức đóng theo các gói, trong đó có gói cơ bản là sàn qui định cho mọi đối tượng tham gia BHYT và gói dịch vụ cho các đối tượng có nhu cầu cao hơn, với mức đóng cao tương ứng. Như vậy theo hình thức này, mọi người khi tham gia bảo hiểm đều nhận được sự chăm sóc như nhau nên dù với mức đóng thấp nhất thì người tham gia bảo hiểm vẫn được bảo đảm quyền lợi theo gói cơ bản.
Tất nhiên với những mức đóng bổ trợ cao hơn sẽ có những loại dịch vụ tương ứng kèm theo". Theo bà Hải, qui định như vậy hoàn toàn phù hợp với thực tế bởi xã hội bên cạnh người có thu nhập thấp, vẫn còn có người thu nhập cao và rất nhiều người có nguyện vọng muốn được điều trị theo yêu cầu khi có bệnh.
Trong khi đó đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng luật nên qui định theo mức thu nâng dần để có thể tạm cân đối ngân quĩ hoặc giảm bội chi chứ không nên nâng gấp đôi mức thu, hoặc có thể đặt ra lộ trình nâng mức thu gắn với nâng dần quyền lợi của người đóng bảo hiểm.
Đẩy khó khăn cho người bệnh
Báo cáo của Chính phủ cho biết trong 15 năm thực hiện chính sách BHYT (1992 - 2007), số người tham gia BHYT tính đến năm 2006 là 36,7 triệu người (bắt buộc: 10,5 triệu người, tự nguyện: 11,1 triệu người, người nghèo: 15,1 triệu), đạt tỉ lệ bao phủ 42% dân số cả nước. |
Bức xúc trước thực trạng người có thẻ BHYT thường bị "hành" khi đi khám chữa bệnh, đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng dự thảo luật chưa có những giải pháp để khắc phục mà lại đẩy những khó khăn, bất lợi cho người mua BHYT và giành thuận lợi cho cơ quan quản lý.
Cụ thể, theo ông Việt, luật qui định đối với người tham gia BHYT tự nguyện đóng BHYT lần đầu và đóng không liên tục thì thẻ BHYT có thời điểm sử dụng sau 180 ngày đối với quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao là "tính toán quá khắt khe, mang tính kinh doanh vì người có thu nhập trung bình trở lên rất sợ BHYT, chỉ những người thu nhập bình quân thấp họ mới cần BHYT". Ông Việt đề nghị thời gian này chỉ cần qui định sau 30 ngày.
Đại biểu Võ Đình Tuyến (Bình Phước) đề nghị không nên qui định người tham gia BHYT phải đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm. Ông Tuyến nói: "Qui định này gây phiền hà về khám, thanh toán chi phí... Trường hợp đi công tác ở địa phương khác lỡ bị bệnh chẳng lẽ lại bắt người ta phải quay về địa phương nơi đăng ký ban đầu để khám, điều trị?". Ông đề nghị cần qui định người có thẻ BHYT được khám, điều trị ở cơ sở phù hợp nhất.
Đồng tình với quan điểm của ông Tuyến, đại biểu Trần Hồng Việt tiếp tục "mổ xẻ” những qui định "đẩy khó khăn" cho người bệnh trong dự thảo luật: "Tại sao cơ quan quản lý không nghiên cứu cải tiến công tác quản lý, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT? Theo tôi, người có thẻ BHYT được quyền khám chữa bệnh ở tất cả các bệnh viện trong phạm vi cả nước, miễn là những bệnh viện này có hợp đồng với BHYT. Tại sao thẻ ATM dùng được trên cả nước mà thẻ BHYT thì không?".
Chưa đáp ứng được kỳ vọng
Nhiều đại biểu cũng đề cập vấn đề khá bức xúc hiện nay là chất lượng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Bà Rcom Sa Duyên (đại biểu Gia Lai) nêu: "Chất lượng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT còn hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân. Đòi hỏi của người tham gia BHYT phải bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh là hoàn toàn chính đáng. Nếu các cơ sở y tế không nâng cao chất lượng khám thì việc thực hiện mục tiêu BHYT trong toàn dân những năm tới là khó khả thi".
"Dịch vụ, kỹ thuật ở trạm y tế một xã vùng sâu, vùng xa có thể nói khác một trời một vực so với nơi khám chữa bệnh ban đầu của thành thị, từ đây dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh" - đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) kêu. Ông nói: "Tôi được biết có những tỉnh khó khăn đã thừa tiền khám chữa bệnh cho người nghèo nhưng không có nghĩa người nghèo được chăm sóc sức khỏe tốt mà chuyện thừa tiền ở đây là do người nghèo không được tiếp cận và rất khó có điều kiện tiếp cận với dịch vụ, kỹ thuật tốt".
Để giải quyết được thực trạng này, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) kiến nghị: "Nhà nước cần có biện pháp quản lý chất lượng của các loại hình BHYT sao cho chính sách BHYT được phát triển bền vững, đảm bảo cho các đối tượng tham gia BHYT, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng sự chăm sóc y tế khi cần đến, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả của chính sách y tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra".
Trong buổi sáng 26-5, Quốc hội đã tiến hành phiên họp riêng thảo luận về dự án Luật quốc tịch (sửa đổi). Hôm nay Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự án Luật BHYT; nghe tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội và thảo luận về dự án Luật công nghệ cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận