14/05/2005 05:05 GMT+7

Bao giờ mở cửa... cây xăng?

NHƯ HẰNG
NHƯ HẰNG

TT - Chủ một trạm xăng ở quận 3, TP.HCM cho biết ông đã ký hợp đồng hợp tác kéo dài mười năm với Tập đoàn dầu khí BP (Anh). BP sẽ nâng cấp hạ tầng ban đầu cho cửa hàng (tương đương 500 triệu đồng), thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng ba tháng một lần.

qYqsTqk3.jpgPhóng to
Một trạm xăng với biển hiệu... Caltex

Bù lại, cửa hàng phải treo biển hiệu quảng cáo BP và chỉ bán loại dầu nhớt của hãng này. “Tôi cũng nhận được lời mời chào của Caltex, Shell, Castrol... nhưng cuối cùng chọn BP” - ông chủ này nói.

Thiếu vốn và... thụ động!

Theo các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, họ cũng đã nhận ra những động thái “chờ thời” của các công ty nước ngoài nhưng không đủ nguồn lực để đối phó. “Chúng tôi không đủ vốn để trực tiếp đầu tư vào các trạm xăng nên chọn biện pháp mua lại cổ phần trong một số đại lý. Nhưng khổ nỗi tỉ lệ nắm giữ của chúng tôi quá thấp nên không thể ngăn họ treo thêm biển hiệu của các DN nước ngoài” - ông Đặng Vinh Sang, giám đốc Saigon Petro, chia sẻ.

bMzjVDR2.jpgPhóng to

Ông Anatorn Smitayodhin, trưởng đại diện của Công ty dầu khí PTT (Thái Lan) tại VN (trước đây là Ủy ban Dầu khí quốc gia Thái Lan - Petroleum Authority of Thailand)

Chính phủ Thái đã quyết định thả giá xăng theo giá thị trường vì nhận thức rằng không đủ sức để "bao" mãi việc này, và rằng khoản ngân sách dành cho trợ cấp giá xăng có thể được dùng vào các dự án khác đem lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng. Dĩ nhiên giá sinh hoạt tiêu dùng có tăng sau đó nhưng chính phủ đã cố gắng kiểm soát một cách tốt nhất.

Ngành kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Thái Lan hiện đã có mặt đầy đủ các tập đoàn dầu khí hàng đầu trên thế giới nhưng điều đó không có nghĩa là các công ty địa phương đều bị loại khỏi cuộc chơi. Vấn đề là phải có sự chuẩn bị từ trước. Cho đến nay PTT vẫn dẫn đầu thị trường, kế đến là Shell, Esso, Caltex...

Ở Thái Lan, PTT cũng tham gia lĩnh vực khai thác dầu khí và nắm cổ phần trong các nhà máy lọc dầu, chính vì vậy chúng tôi luôn chủ động trong kinh doanh. Cái khó tại VN là hình như hai mảng này bị cắt khúc, PetroVietnam phụ trách khai thác dầu khí, còn Petrolimex nắm mạng lưới kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Tôi cho rằng cần phải thúc đẩy cổ phần hóa các công ty trong ngành xăng dầu càng nhanh càng tốt để họ sớm thay đổi công nghệ quản lý, đầu tư thiết bị và mở rộng hoạt động.

Kinh nghiệm PTT tại Thái Lan cho thấy PTT đã phát triển rất nhanh sau khi tiến hành cổ phần hóa từ tháng 11-2001 (Chính phủ Thái còn nắm 51%). Hiện chúng tôi đã mở rộng sang Lào, Campuchia, Trung Quốc, VN và Philippines.

Không có quĩ dành cho đầu tư phát triển và hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng là một trong những khó khăn lớn nhất bó buộc các DN đầu mối hiện nay. “Muốn phát triển được phải có lợi nhuận tích lũy, mà cơ chế bù lỗ giá dầu hiện nay chỉ cho phép đưa hiệu quả kinh doanh của chúng tôi về zero (hòa vốn), nhận bù lỗ từ Bộ Tài chính cũng rất chậm, làm sao tính chuyện mở rộng mạng lưới với đầu tư thương hiệu” - lãnh đạo một đầu mối than.

Theo giới kinh doanh xăng dầu, cơ chế quản lý giá thông thoáng theo quyết định 187 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực từ tháng 1-2004) lẽ ra đã là một bước đột phá giúp các DN “lớn lên” nhưng cho đến nay vẫn chưa được áp dụng trên thực tế.

Theo quyết định này, DN được tự quyết định giá bán xăng dầu trên cơ sở giá định hướng của Nhà nước với biên độ 10% đối với các mặt hàng xăng và 5% đối với các mặt hàng dầu, cộng với chính sách thuế có tính ổn định tương đối trong năm. Thế nhưng, theo các cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù xăng chủ yếu dùng cho tiêu dùng hằng ngày nhưng việc thả giá xăng vẫn chưa thể làm trong thời điểm hiện nay vì sợ người tiêu dùng bị sốc, nhất là việc tăng giá xăng có thể gây tác động tâm lý tăng giá dây chuyền lên các mặt hàng khác.

Không "ăn gian"... làm sao sống?

Một đại lý xăng dầu cấp 2 cho biết với mỗi lít xăng dầu mua vào ông được đầu mối cho hưởng hoa hồng 260 đồng, trừ chi phí vận chuyển, hao hụt và các chi phí vận hành khác thì mức hoa hồng này còn lại 110 đồng/lít. “Tính trên lượng bán ra tôi lãi khoảng 45 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng đó là do chúng tôi chỉ phải trả tiền thuê đất với giá ưu đãi là 10 triệu đồng/tháng, còn sắp tới đây khi công ty chúng tôi cổ phần hóa và phải thuê lại theo giá thị trường thì giá thuê lên đến... 52 triệu đồng” - ông than thở.

Cũng theo ông, hầu hết các cây xăng tư nhân là đại lý cấp 3, nghĩa là hoa hồng sau khi trừ chi phí chỉ còn độ 50 đồng/lít, tính luôn tiền thuê đất thì chỉ có... lỗ. “Họ chỉ có cách trộn hàng cao cấp với hàng thấp cấp và đong thiếu mới có thể tồn tại vì khách hàng đâu thể kiểm tra. Những ai muốn “sống khỏe” hơn thì tỉ lệ gian lận cao hơn.

Các đầu mối là công ty của Nhà nước ì ạch mấy năm không xây nổi một cây xăng, anh bạn của tôi xây dựng một cây xăng tư nhân, chưa bao lâu sau đã phát triển thành... ba cây” - ông nói. Đó là chưa kể Nhà nước còn thất thu thuế vì các cây xăng này ngoài việc nhận hàng theo đăng ký từ các đầu mối còn mua hàng trôi nổi ngoài thị trường, khi bán ra không khai báo lượng hàng “ngoài luồng” này.

Theo các đầu mối, qui định 187 yêu cầu họ phải kiểm soát các đại lý bán lẻ thuộc hệ thống phân phối bán đúng chất lượng xăng và kiểm nghiệm các dụng cụ đo lường định kỳ nhưng việc này hầu như nằm ngoài khả năng của họ. Trong hệ thống trạm xăng do Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) tự đầu tư đa số đều có lắp thiết bị báo số lượng còn tồn dưới bể, tức các chủ cửa hàng không thể tự ý đổ thêm vào.

“Tuy nhiên, đối với các đại lý tư nhân chúng tôi chỉ thường xuyên khuyến cáo họ và kiểm soát chút ít, chứ làm sao ràng buộc được họ như chính cửa hàng do mình đầu tư” - ông Bùi Ngọc Bảo, phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết.

Theo các chuyên gia xăng dầu, sự xuất hiện của các công ty nước ngoài có thể sẽ làm thay đổi phần nào cung cách hoạt động của thị trường xăng dầu hiện nay. "Họ có uy tín thương hiệu và tiềm lực về vốn, chắc chắn sẽ có những thiết bị hiện đại để kiểm soát đại lý. Khi đó các DN của ta buộc lòng phải củng cố lại hệ thống và loại những đại lý gian dối để bảo vệ uy tín của mình" - một đầu mối nhận định.

Thế nhưng, các hãng dầu khí nước ngoài cho biết đến nay họ chưa hề thấy lộ trình mở cửa của ngành xăng dầu VN. "Tôi còn nghe nói phải đợi đến năm 2010 nữa kia!" - đại diện một hãng cho biết.

NHƯ HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên