08/06/2019 06:12 GMT+7

Báo động chất lượng đại học - Kỳ 1: Giảng viên cơ hữu 'ảo'

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Một người đứng tên giảng viên cơ hữu ở 2 trường khác nhau. Điều này tạo ra lượng giảng viên cơ hữu 'ảo' khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh và các điều kiện đảm bảo chất lượng không đúng thực tế.

Báo động chất lượng đại học - Kỳ 1: Giảng viên cơ hữu ảo - Ảnh 1.

Trường ĐH Tây Đô (ảnh) và Trường ĐH công nghệ Miền Đông có rất nhiều giảng viên cơ hữu được thống kê giống nhau - Ảnh: C.QUỐC

Từ danh sách giảng viên cơ hữu trùng tên ở nhiều trường do PV Tuổi Trẻ cung cấp, ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho biết đã yêu cầu các trường rà soát, điều chỉnh thông tin giảng viên cơ hữu, rút đề án tuyển sinh khỏi trang tuyển sinh của bộ để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp năng lực. 

Bộ cũng tiến hành rà soát danh sách giảng viên cơ hữu các trường trong toàn quốc, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định hiện hành.

Bỗng dưng thành giảng viên cơ hữu

Trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM (Huflit), phần danh sách giảng viên cơ hữu có TS Đ.Đ.H. ở ngành quản trị kinh doanh, TS N.G.T.A. và ThS M.C.T. ở ngành CNTT. 

Nhưng khi chúng tôi liên hệ với TS H., ông cho biết hoàn toàn không ký kết hợp đồng cơ hữu với Huflit vì hiện là trưởng phòng giáo dục một quận tại TP.HCM. 

"Thỉnh thoảng tôi có dạy thỉnh giảng tiếng Anh chuyên ngành tại Huflit vào thứ bảy và chủ nhật. Chuyên ngành tiến sĩ của tôi là ngôn ngữ Anh, không hiểu sao họ lại đưa vào ngành quản trị kinh doanh. Tôi rất bức xúc chuyện này" - ông H. cho biết.

Tương tự, TS A. là giảng viên cơ hữu của Trường ĐH CNTT (ĐH Quốc gia TP.HCM) cả chục năm nay. Ông A. cho biết từng dạy thỉnh giảng cho Huflit khoảng 10 năm nhưng đã ngưng khoảng 7 năm nay, không còn giảng dạy bất kỳ môn nào ở trường.

Đáng nói nhất là trường hợp ThS T., đang là giảng viên cơ hữu Trường CĐ Lý Tự Trọng. "Năm 2012 tôi có nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí giảng viên của trường nhưng không được gọi phỏng vấn. 

Từ đó đến nay tôi hoàn toàn không có mối liên hệ, giảng dạy gì với trường" - ông T. nói thêm. Ông Phạm Hữu Lộc, hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, xác nhận ông T. là giảng viên cơ hữu của trường từ năm 2015 đến nay.

Một trường hợp khác cũng bỗng dưng có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu, đó là bác sĩ chuyên khoa II T.V.D., có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu ngành dược Trường ĐH Tây Đô và ngành y khoa Trường ĐH Y dược Cần Thơ. 

Ông D. hiện đang là giám đốc một bệnh viện công lập tại TP Cần Thơ. Đại diện Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết theo nghị định 111 của Chính phủ về đào tạo thực hành nhóm ngành sức khỏe, cơ sở giáo dục được kê khai người giảng dạy thực hành là cơ hữu nếu họ được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp bộ môn trở lên. 

Do đó ông D. tuy đang là giám đốc bệnh viện nhưng cũng là phó bộ môn nhi của trường nên việc kê giảng viên cơ hữu là đúng quy định.

Trao đổi với chúng tôi, ông D. cho biết ông hoàn toàn không giảng dạy bất kỳ môn học nào tại Trường ĐH Tây Đô, hơn nữa chuyên môn của ông là y khoa chứ không phải dược. 

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Tây Đô cho rằng trường có đưa sinh viên ngành điều dưỡng sang bệnh viện thực hành và TS D. là người hướng dẫn nên trường... đưa vào danh sách giảng viên cơ hữu.

Đủ kiểu... nhầm lẫn

Đại diện Huflit cho biết tháng 1-2019 những lùm xùm liên quan đến hiệu trưởng cũ của trường kết thúc, trường có phó hiệu trưởng phụ trách mới. Trong khi đó đề án tuyển sinh của trường đã nộp vào ngày 31-12-2018. 

Bộ phận tuyển sinh có thể đã sơ suất lấy đề án tuyển sinh cũ gửi cho bộ mà không rà soát lại danh sách giảng viên cơ hữu nên có sai sót. Có người đã nghỉ, có người là thỉnh giảng nhưng được đưa vào cơ hữu. Trường đang rà soát lại các điều kiện đảm bảo chất lượng cũng như tuyển mới giảng viên để bổ sung đội ngũ.

Việc rất nhiều giảng viên có trong danh sách cơ hữu ở hai trường khác nhau cũng được giải thích do... nhầm lẫn. 

Chẳng hạn ở ngành dược Trường ĐH Tây Đô, chúng tôi nhận thấy có nhiều người trong số này cũng là giảng viên cơ hữu ngành dược của Trường ĐH công nghệ Miền Đông như tiến sĩ N.V.T., giáo sư N.K.H., tiến sĩ P.T.Đ., tiến sĩ L.H.Q., phó giáo sư Đ.V.H., ThS H.N.T....

Ông Nguyễn Tiến Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô - khẳng định đây là giảng viên cơ hữu của trường. Theo ông Dũng, có thể những người này đã ngưng hợp đồng với trường khác nhưng các thủ tục giấy tờ chưa hoàn tất dẫn đến việc kê khai bị trùng, chấm dứt hợp đồng khi đã nộp đề án tuyển sinh. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Quý Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH công nghệ Miền Đông - cho biết: "Bộ phận làm đề án đã có sự nhầm lẫn, đây là những giảng viên thỉnh giảng, trường sẽ điều chỉnh trong đề án tuyển sinh của trường".

Một người nổi tiếng khác là GS.TS V.V.S. cũng có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu của cả hai đơn vị: Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Cửu Long. TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV - khẳng định GS S. vẫn đang là giảng viên cơ hữu, là giám đốc một trung tâm nghiên cứu của trường. 

Trong khi đó, GS S. cũng cho biết ông chỉ là giảng viên thỉnh giảng của Trường ĐH Cửu Long. Tại Trường ĐH Cửu Long, chúng tôi nhận thấy tiến sĩ N.N.A. cũng có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Nam Cần Thơ.

Tương tự, giáo sư B.D.T. đồng thời nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu ngành y khoa của Trường ĐH Võ Trường Toản và Trường ĐH Phan Châu Trinh. Giáo sư T. cho biết ông là giảng viên cơ hữu, trưởng khoa y Trường ĐH Phan Châu Trinh, là một thành viên trong hội đồng khoa học của Trường ĐH Võ Trường Toản, không phải cơ hữu.

 Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp danh sách giảng viên cơ hữu ngành y của trường có tên giáo sư T., đại diện Trường ĐH Võ Trường Toản cho rằng đó là sự nhầm lẫn của trường và xác nhận ông T. không còn là giảng viên cơ hữu của trường. Hiện trường đã loại giáo sư B.D.T. khỏi danh sách giảng viên cơ hữu của mình.

Phần mềm không cảnh báo

Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho biết những năm trước, nếu danh sách giảng viên các trường trùng nhau, phần mềm của bộ sẽ cảnh báo và các trường không thể đưa đề án tuyển sinh lên trang tuyển sinh của bộ.

Tuy nhiên, không biết năm nay phần mềm của bộ có thay đổi gì mà không có bất kỳ cảnh báo nào, đề án vẫn được đăng tải dù có sự trùng giảng viên.

Chỉ được cơ hữu ở một trường

Theo thông tư xác định chỉ tiêu năm 2019 của Bộ GD-ĐT, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục công lập là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức.

Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do cơ sở giáo dục trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.

Chất lượng đào tạo đại học: Cứ để xã hội "thẩm định" Chất lượng đào tạo đại học: Cứ để xã hội 'thẩm định'

TTO - Sau 20 năm, một trường nghiệp vụ dạy nghề đã phát triển thành một trường đại học với quy mô đào tạo hơn 20.000 sinh viên. Sự phát triển ấy của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành liệu có gắn với chất lượng đào tạo hay chỉ là bề nổi?

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên