14/12/2015 11:00 GMT+7

Bão chấn thương và chuyện ếch muốn thành bò

HUY THỌ (huytho@tuoitre.com.vn)
HUY THỌ (huytho@tuoitre.com.vn)

TT - Rất nhiều chỉ trích đang trút xuống đầu ông Miura về cái gọi là “cơn bão chấn thương” đang hoành hành ở đội tuyển U-23 Việt Nam.

Tuấn Anh (thứ hai từ trái sang) ký hợp đồng với Yokohama trong lúc gặp chấn thương - Ảnh: N.K.
Tuấn Anh (thứ hai từ trái sang) ký hợp đồng với Yokohama trong lúc gặp chấn thương - Ảnh: N.K.

Nói về chuyện này, không đơn giản chỉ cắt một lát cắt mỏng trong bóng đá để phán xét, mà cần phải nhìn nhận một cách thật toàn diện.

Thứ nhất, tôi không tin các tuyển thủ U-23 khi họ một mực cho rằng các bài tập của ông Miura nhẹ hơn các bài tập ở CLB. Chẳng qua họ muốn “cứu” lấy ông thầy người Nhật khi bị dư luận chỉ trích quá nhiều mà thôi.

Lý do tôi không tin là bởi kết quả khảo sát V-League đã cho thấy cầu thủ Việt rất ít di chuyển (trung bình khoảng 5km/trận, chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với quốc tế). Chính vì vậy, xưa nay chúng ta thường thấy đội tuyển quốc gia, tuyển U-23 bị hụt hơi cuối trận hoặc cuối giải. Và cũng chính vì vậy, ông Miura mới phải nhồi các bài tập nặng mà chính các nhà báo khi quan sát cũng thấy rằng phần lớn cầu thủ Việt đều “bơi”!

Nhưng nhờ vậy mà chúng ta thấy được một sự cải thiện rõ nhất dưới thời Miura, đó chính là thể lực. Đừng nói chơi trong khu vực Đông Nam Á, ngay cả đấu trường châu Á như Asiad chẳng hạn, tuyển Olympic do Miura huấn luyện đã làm tất cả chúng ta kinh ngạc về vấn đề thể lực. (Nếu ai đó hay quên, xin mở lại xem những bài tường thuật, bình luận và cả clip về những trận đấu với Iran, Kyrgyzstan... tại Asiad 2014).

Nhưng tại vì ông Miura khoái lối chơi băm bổ, yêu cầu cầu thủ tập mà như chiến đấu nên nhiều cầu thủ đã bị chấn thương vì vào bóng quá nhiệt tình - đã có nhiều ý kiến chỉ trích như thế. Nhưng về điểm này thì xin nhớ lại câu “thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường bớt đổ máu”. Chúng ta không thể phê ông ấy về chuyện yêu cầu cầu thủ phải nhiệt tình ngay cả khi tập được.

Tuy nhiên, tất cả những điều ấy cũng chỉ là phần ngọn của “cơn bão chấn thương”. Điều quan trọng nhất là VFF đã để mặc cho Miura tự ý huấn luyện theo quan điểm phải hướng tới những đấu trường lớn hơn SEA Games, đó là châu Á, là World Cup! Dĩ nhiên, muốn hướng tới những châu Á, World Cup thì điều tiên quyết phải là thể lực, thể hình. Vì vậy chả trách sao Miura khoái cầu thủ vạm vỡ, chịu va chạm.

Quan điểm của Miura không sai, nhưng chưa đúng thời điểm. Người Nhật hướng tới World Cup khi mà họ đã là cường quốc về kinh tế, đã đạt kết quả tốt trong chiến lược cải thiện tầm vóc con người. Còn chúng ta hiện nay thì sao? Gen người Việt nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung thuộc vào loại yếu kém nhất thế giới. Dinh dưỡng thì phụ thuộc nhiều vào kinh tế, thói quen ẩm thực. Phần lớn cầu thủ hiện nay xuất thân từ nghèo khó, thiếu dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Những năm đầu đời thì chỉ mong ăn no đã là quý, nói gì đến chất lượng. Các em nhỏ ấy theo bóng đá là cũng vì muốn đổi đời. May trời thương cho cái vốn kỹ năng khéo léo trong việc điều khiển quả bóng, thế là thành cầu thủ.

Ở CLB thì tập tà tà để đủ chơi V-League. Vấn đề y học thể thao là một khoảng trắng mênh mông nên làm sao biết được tập thế nào là đủ, thế nào để không quá tải. Đùng một cái lên tuyển gặp ông thầy Nhật muốn đẩy ra đấu trường châu Á, thế giới nên phải tập như Tây. Thử hỏi gân khớp nào chịu nổi? Câu chuyện này nào chỉ có ở bóng đá, mà nhiều môn khác cũng thế, ví dụ như trường hợp lực sĩ Thạch Kim Tuấn ở cử tạ vậy.

Cũng xuất thân nghèo khổ, có năng khiếu theo thể thao, rồi thành tích cứ tiến dần lên và hướng đến mục tiêu Olympic, đấu với Tây. Muốn thế thì phải tập như Tây. Nhưng gân cốt của một người Việt thiếu dinh dưỡng từ bé làm sao kham nổi bài tập theo kiểu Tây, và thế là chấn thương cột sống, nứt xương bánh chè!

Vì vậy, các nhà quản lý thể thao làm ơn định hướng lại giùm. Món nào chủ yếu dựa vào sự khéo léo thì hãy mơ cao. Món nào cần sức mạnh thì nên nhắm mục tiêu Đông Nam Á, hoặc quá lắm là châu Á. Để khi nào đất nước thật sự giàu có, không còn trẻ em chỉ mong ăn lấy no, thể hình người Việt ngon lành như Nhật, Hàn; khi ấy hãy mơ mộng vươn cao trong thể thao. Còn không, sẽ chẳng khác nào chuyện con ếch muốn thành con bò, cứ ì ộp hít hơi vào mãi nên bị vỡ bụng!

HUY THỌ (huytho@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên