* Việc phòng chống bão số 10 cần hoàn tất trước 10g sáng mai 30-9
Phóng to |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp BCĐ PCLBTƯ đối phó với bão số 10 Ảnh: T.Phùng |
Trước khi đổ bộ bão mạnh trên cấp 13, giật cấp 16-17.
“Đây là con bão mạnh không thua gì bão Xangsane đổ bộ vào miền Trung ngày 1-10-2006. Đây là cơn bão mạnh nhất vào miền Trung trong 6 năm qua và thời điểm xuất hiện, đổ bộ cũng tương tự bão Xangsane. Trọng tâm bão đổ bộ có nhiều khả năng là Quảng Bình, Quảng Trị nhưng Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế cũng phải hết sức đề phòng”- ông Tăng cho biết.
Trước diễn biến của bão mạnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định trực tiếp dẫn đầu một đoàn công tác đi vào Thừa Thiên - Huế để chỉ đạo phòng chống bão. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trưởng BCĐ PCLB TƯ Cao Đức Phát dẫn một đoàn đi vào Vinh. Hai đoàn công tác này sẽ từ Huế và Vinh đi vào khu vực tâm bão đổ bộ.
Theo ông Tăng trong ngày và đêm 28-9 bão di chuyển rất chậm và thay đổi hướng nhiều lần nhưng chủ yếu vẫn đi theo hướng Tây. Từ rạng sáng 29-9 bão di chuyển nhanh hơn và chủ yếu đi theo hướng Tây. Dự báo sáng 30-9, tâm bão cách bờ biển Quảng Trị - Thừa Thiên Huế khoảng 100km với sức gió mạnh trên cấp 13, giật cấp 16-17. Lúc này bão có xu hướng đi nhích lên phía Bắc 1 chút khi sát bờ biển và bắt đầu gây ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền ven bờ.
“Dự báo bão sẽ đổ bộ đất liền trong ngày 30-9, sớm thì từ 15-16 giờ, muộn thì 22-23 giờ đêm. Khi bão áp sát bờ sẽ có gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15. Khi vào bờ bão suy giảm 1-2 cấp nhưng vẫn còn rất mạnh.Vì vậy việc phòng chống phải hoàn thành trước 10 giờ sáng 30-9” - ông Tăng nhận định.
Với cường độ của bão, ông Tăng dự báo cấp gió mạnh nhất có thể xảy ra ở các tỉnh phía Bắc và Nam cơn bão như Thanh Hoá, Quãng Nam có gió mạnh nhất là cấp 6, cấp 7; Nghệ An và Đà Nẵng gió cấp 7,cấp 8 giật cấp 10,11; Thừa Thiên Huế gió cấp 8, cấp 9 giật cấp 12, có thể giật tới cấp 13; ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ảnh hưởng trực tiếp của tâm bão gió mạnh từ cấp 10 đến 12, giật cấp 14, cấp 15.
“Đây là cấp gió mạnh nhất có thể xảy ra trên thực tế. Do bão mạnh và địa hình miền Trung hẹp nên các huyện miền núi sát biên giới với Lào vẫn có gió bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11 nên cần phải đề phòng” - ông Tăng cho biết.
Do ảnh hưởng của bão nên từ đêm 29-9 từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên Huế có mưa, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị mưa xuất hiện nhiều từ gần sáng 30-9. Mưa lớn sẽ tập trung trong ngày và đêm 30-9 sau đó ngớt dần từ Đà Nẵng trở vào. Nhưng từ Huế đến Thanh Hoá mưa có thể kéo dài đến 2-10.
Theo ông Tăng từ Đà Nẵng đến Nghệ An mưa phổ biến 200-300mm, có điểm mưa 400-500mm, đồng bằng Bắc Bộ có mưa 50mmm. Do bão vào trong thời điểm triều cường nên từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng cần đề phòng nước dâng kết hợp sóng biển cao 2-4m.
Ngoài ra do ảnh hưởng của cao áp lạnh, khu vực Vịnh Bắc bộ cũng có gió mạnh cấp 6 nên ông Tăng đề nghị lưu ý tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển này.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN Bộ đội Biên phòng đến trưa 29-9 Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 phương tiện/254.660 người biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó có 14 tàu cá /97 người của tỉnh Quảng Ngãi đang di chuyển ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa (4 tàu/28 người chạy lên phía Bắc an toàn, 10 tàu/69 người đang chạy xuống phía Nam tránh bão)
Trước tình hình hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện ở khu vực miền Trung phần lớn đã đầy nước và nhiều hồ thủy lợi có nguy cơ mất an toàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các địa phương kiểm tra, giám sát và điều tiết hồ chứa hợp lý, hạn chế xả lũ trên các sông có lũ lớn, trước khi xả lũ phải thông báo trước cho cơ quan chức năng và người dân.
Sơ tán dân, cho HS nghỉ học
Ông Phát kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các địa phương trong vùng ảnh hưởng sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm trước 10g ngày 30-9; cho học sinh nghỉ học trong ngày 30-9; các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi kêu gọi tàu thuyền vào bờ, neo đậu đảm bảo, những nơi trọng tâm ảnh hưởng của bão không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi thuỷ sản.
Chỉ đạo tại cuộc họp Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi cảnh giác với hoạt động của tàu thuyền trên biển do vừa ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lẫn gió bão, có lệnh cấm biển tùy theo tình hình thực tế.
Còn các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cấm biển từ 10g sáng 30-9. Đồng thời các địa phương rà soát, sơ tán dân trong khu vực nguy hiểm trước 10g sáng 30-9; tổ chức chằng chống nhà cửa, cảnh giác với gió mạnh, lũ quét, sạt lở ở khu vực miền núi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Với hồ chứa, Phó Thủ tướng yêu cầu giám sát liên tục, có phương án khắc phục các sự cố trước khi lũ về. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, các địa phương lưu ý hướng dẫn giao thông tại những nơi ngập lụt, cấm phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm không để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm như xe bị cuốn trôi ở Nghệ An; Bộ GTVT tập trung phương tiện nhân lực ở những nơi xung yếu để khắc phục giao thông ở những nơi bị chia cắt…
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bão số 10 đang tiến vào miền TrungBão số 10: Một ngày mạnh lên 4 cấpBão số 10 sắp tràn qua Hoàng Sa hướng vào miền TrungPhòng chống bão số 10: từ Quảng Bình đến Cà MauBão số 10 áp sát Hoàng Sa, gió giật đến cấp 13
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận