21/11/2007 21:19 GMT+7

Bangladesh trả giá đắt vì báo động giả

ĐỨC TRƯỜNG (Theo Reuters, AP, AFP)
ĐỨC TRƯỜNG (Theo Reuters, AP, AFP)

TTO - Sơ tán chậm trễ đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng trong cơn bão Sidr. Hiện tại, chính quyền Bangladesh đang dồn tổng lực cho công tác cứu hộ.

MjtpX1oy.jpgPhóng to
Một ngôi nhà ở làng Chalabangha tan hoang sau cơn bão Sidr

Theo những người sống sót và các quan chức Bangladesh, hàng ngàn người tử vong trong cơn bão Sidr lẽ ra thoát nạn nếu người dân sơ tán đến nơi an toàn theo cảnh báo của chính quyền.

Trước khi bão Sidr tràn đến, chính quyền đã kịp phát lệnh báo động và sơ tán được 1,5 triệu người, nhưng số tử vong vẫn quá cao.

Ông Abed Master, giáo viên ở Golshakhali, một trong những ngôi làng ở ven biển phía nam Bangladesh và là một trong những nơi có số thương vong cao nhất, cho biết dân địa phương thờ ơ trước lệnh báo động cấp độ 10 vì chính quyền thường xuyên phát những lệnh báo động dạng này.

Ngày 13-9 vừa qua, sau khi xảy ra một trận động đất ở ngoài khơi Sumatra, Indonesia phát đi báo động giả về sóng thần. Và sau đó, dù lệnh báo động được nhanh chóng dỡ bỏ nhưng chính quyền Bangladesh vẫn cho sơ tán một triệu người đến các khu tạm cư phòng tránh thiên tai.

Nhiều giờ trước khi Sidr đổ bộ, người dân đã vội vã đến những tòa nhà dùng chống bão, nhưng bão lại chưa đến. Anwar Hossain Khan, một cựu trưởng làng cho biết chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân sơ tán tránh bão trên các loa phát thanh đặt tại nhà thờ nhưng gần như không ai chịu lắng nghe nữa.

Gần một tuần lễ sau cơn bão Sidr kinh hoàng, lực lượng cứu hộ mới đến được những nơi bị bão tàn phá nặng nề để tái lập đường sá, cầu cống và các đường dây liên lạc. Theo ghi nhận của giới báo chí, thi thể người và gia súc tiếp tục được vớt lên từ sông suối vùng châu thổ Gange. Tối 20-11, chính quyền Bangladesh phát lời kêu gọi toàn thể người dân Bangladesh tham gia các công tác cứu hộ cho các nạn nhân trong cơn bão Sidr.

Tuy lượng hàng cứu trợ của cộng đồng quốc tế tăng lên từng ngày nhưng vẫn không đủ phân phát cho toàn bộ các vùng bị nạn thiên tai. Trong khi đó, đã có các ca tử vong vì tiêu chảy được ghi nhận.

Chính quyền Bangladesh lo ngại những thiệt hại khổng lồ về mặt kinh tế sẽ khiến nước này, một trong những nước nghèo nhất thế giới với 40% dân số có thu nhập chưa đến một USD/ngày, càng nghèo hơn.

ĐỨC TRƯỜNG (Theo Reuters, AP, AFP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên