08/01/2006 03:09 GMT+7

Bạn trẻ và văn hoá làm đẹp

Theo Tạp chí Văn hóa Phật Giáo
Theo Tạp chí Văn hóa Phật Giáo

Câu hỏi mang tính “thương mại” mà các nhà thiết kế thời trang và mỹ phẩm thường đặt ra là “bạn trẻ thân mến, bạn đã bao giờ làm đẹp cho mình chưa?”. Câu hỏi có sức lôi cuốn đối với các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ đang độ tuổi mới lớn …

l8vm016p.jpgPhóng to

Ảnh: Minh Phúc

Câu hỏi mang tính “thương mại” mà các nhà thiết kế thời trang và mỹ phẩm thường đặt ra là “bạn trẻ thân mến, bạn đã bao giờ làm đẹp cho mình chưa?”. Câu hỏi có sức lôi cuốn đối với các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ đang độ tuổi mới lớn …

Làm đẹp là một nhu cầu không thể thiếu của mọi người trong xã hội hiện đại, nên nó không giới hạn ở tuổi tác, giới tính, trình độ … Nhiều bậc cha mẹ cũng đã ý thức “làm đẹp” cho con cái của mình từ rất sớm.

Nhu cầu làm đẹp cùng với tiền bạc và thời gian dành riêng cho nó cũng ngày một tăng cao. Từ đó, công nghệ quảng cáo thời trang, mỹ phẩm, công nghệ làm đẹp mọc lên khắp mọi nơi. Tuy nhiên, nghệ thuật làm đẹp và văn hoá làm đẹp vẫn chưa tỷ lệ thuận với những nhu cầu làm đẹp của mọi người.

Thường thì làm đẹp là nghệ thuật “che dấu” những khiếm khuyết tự nhiên, mang lại tâm lý và cảm giác tự tin, cũng như làm nổi bật phong cách, cá tính, hình thể nào đó cho bạn. Nhưng trong nghệ thuật trang điểm, cũng có những tỷ lệ vàng và nguyên tắc hài hoà của nó: hài hòa với chính bạn và hài hoà với môi trường văn hoá chung quanh. Chỉ khi có được sự hài hoà ấy thì nghệ thuật làm đẹp mới thực sự trở thành văn hoá làm đẹp.

Cách ăn mặc quá “bốc”, quá “so-le”, quá “nổi bật” của một số bạn trẻ, đó là khoảnh khắc bạn trẻ ấy bị quyến rũ bởi mô-típ quen thuộc nào đó, qua phim ảnh, qua các show thời trang …mà không nhận ra sự khác biệt của hoàn cảnh và môi trường mình đang sống và làm việc. Quần áo hở hang, cũn cỡn, tóc đủ màu, phấn son loè loẹt, nước hoa sặc mùi …đã làm cho những bí ẩn, quyến rủ trong chính bạn mất đi.

Không những thế, sự “bộc lộ” thái quá của bạn đang tạo nên một hàng rào chắn giữa bạn và mọi người chung quanh, ngay cả với những người thân yêu của bạn. Bộc lộ là một nghệ thuật và thể hiện tầm văn hoá đẹp của chính bạn. “Cái nết đánh chết cái đẹp” là một đúc kết của người xưa. Nếu bạn là người có hình thức đẹp, bạn sẽ đẹp hơn rất nhiều khi bạn có chiều sâu bí ẩn của văn hoá đẹp.

Sự vui tươi, ấm áp, rạng rỡ, hồn nhiên biểu lộ trên khuôn mặt bạn, ánh mắt bạn có thể tác động mạnh đến người mà bạn tiếp xúc. Không phải ngẫu nhiên mà các cụ đúc kết: “Người đẹp, duyên lẩn vào trong. Bao nhiêu người xấu duyên bong ra ngoài”. Bạn có thể là một người đẹp, nhưng chưa chắc bạn đã là người có duyên. Duyên ấy tuỳ thuộc vào sự sinh động và những quyến rũ bí ẩn trong chính bạn.

Bạn có thể khoác lên mình một bộ cánh thật đẹp của loài công nhưng bạn không thể có cái duyên dáng của loài công, nghệ thuật biểu lộ của loài công. Thế nên, những bắt chước vụng về càng làm cho bạn mất đi những năng lực bí ẩn của mình.

Trang điểm có thể lúc nào đó tạo cho bạn cảm giác tự tin khi giao tiếp. Nhưng bạn không nên quá lệ thuộc vào nó. Bởi bạn không thể suốt ngày rượt đuổi với thời gian để “đấu tranh” với nếp nhăn trên khuôn mặt và tuổi tác của bạn.

Bạn hãy nhìn mình thật kỹ trong khoảnh khắc tâm hồn bạn bình yên, lắng dịu thật sự khi không trang điểm và khi bạn buồn bã, nóng giận, gây gổ khi bạn trang điểm rất đẹp, bạn sẽ thấy, không cái gì đẹp và có ý nghĩa bằng cái đẹp tự nhiên của bạn.

Khi bạn lệ thuộc vào thời trang, mỹ phẩm, bạn không phải là người hạnh phúc, điều đó chỉ nói lên một điều bạn đang không chấp nhận chính mình. Bạn không thể tự nhiên khi sự quyến rũ của những lời quảng cáo đang xâm chiếm cuộc sống của bạn.

Có những bạn trẻ khi đi du lịch, cứ một đoạn đường là phải giở gương ra soi xem phấn kem có bong ra không, son có mất đi không, và bạn ấy không muốn đụng vào bất cứ công việc gì có thể gây “tổn thương “ cho mỹ phẩm, rõ ràng bạn trẻ ấy không tự tin với những sản phẩm mà bạn cảm thấy nó có thể “tuyệt đối” làm cho bạn đẹp.

Đành rằng ai cũng có nhu cầu làm đẹp, nhưng giữa “siêu thị” mỹ phẩm mà giá thành và chất lượng còn tuỳ hứng vào túi tiền của người mua như hiện nay thì xem ra nhu cầu làm đẹp đã gây nên những cơn sốt ảo cho thời trang và mỹ phẩm.

Liên tục những sản phẩm bị “lỗi thời” do không chinh phục được cảm giác của người muốn đẹp. Cái đẹp trở thành cái “tiên phong”, cái “khác lạ”, cái “độc đáo” mà người khác chưa biết đến. Thế là người ta chạy đua với cái đẹp.

Nhiều bạn, mệt đứt hơi mà vẫn không tìm được một cái đẹp thoả mãn với nhu cầu của mình. Và khi bạn mất nhiều thời gian để sống với hình thức của bạn thì các nội dung khác của bạn nhất định sẽ nghèo đi. Bởi nội dung của bạn là tiền đề quyết định văn hoá làm đẹp của bạn. Bạn có thể có “kiến thức” trong nghệ thuật làm đẹp, nhưng cách gây chú ý không đúng lúc, đúng hoàn cảnh của bạn cũng sẽ gây tác dụng ngược lại, nhiều khi phản cảm.

Sự ủ rủ, kém tươi của bạn xuất hiện trong một buổi sáng nào đó khiến bạn nghĩ rằng mỹ phẩm là cứu tinh cho đôi mắt quầng thâm, cho đôi môi nhợt nhạt của bạn, thì có thể bạn đã lầm. Trong lòng bạn buồn phiền, trong tâm bạn có bệnh, bạn phải giải quyết nguyên nhân ấy từ bên trong thì những cân bằng trong cuộc sống mới đem lại cho bạn niềm vui, sự tin yêu, và cái đẹp lúc đó mới trở nên có ý nghĩa thực sự. Nên nhớ tâm bạn là một với thân của bạn.

Nghệ thuật làm đẹp cần đến mỹ phẩm, nhưng văn hoá làm đẹp có thể không cần đến mỹ phẩm. Có bạn nghĩ rằng mình phải lấp đi những “nhợt nhạt” khi tiếp khách. Có thể bạn là người “quá cẩn thận”, nhưng không sao, một nụ cười thật tươi sẽ làm cho khuôn mặt bạn hồng lên, một lời nói dịu dàng, nhiệt tình, chu đáo sẽ mang đến sự yên tâm, hài lòng cho khách hàng. Khách hàng vui, mọi người vui, và không có lý do gì để bạn không vui. Lúc đó bạn sẽ thấy cái đẹp không nhất thiết đến từ bộ dạng “phấn son” của bạn, và sự tôn trọng người khác càng không nằm ở sự “màu mè, loè loẹt” của bạn.

Da trăng, da đen, da vàng …không phải là khuyết điểm của bạn, để bạn ra sức khỏa lấp chúng đi. Mỗi làn da đều có nét đẹp riêng của nó, điều quan trọng là bạn chọn lựa cho mình thời trang có màu sắc thích hợp, đừng quá tương phản. Kết quả sẽ ra sao khi bạn có nước da ngâm nhưng chỉ bôi kem cho trắng khuôn mặt của mình, còn cổ, vai và cánh tay thì không?...

Nhu cầu làm đẹp cần phải hài hoà với cơ chế tâm lý, cảm xúc, trang phục và mỹ phẩm. Chỉ có hiểu nó bạn mới không trở nên xa lạ với môi trường chung quanh. Các cụ ta nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Câu nói đó chưa lỗi thời đâu các bạn ạ!

Thử nhìn mọi người sẽ đánh giá sao khi một cô gái thế hệ 8x ăn mặc “model” tông xe vào người lớn tuổi, không những không đỡ người ta đứng dậy mà còn dùng lời thô tháo mắng nhiếc; một nữ sinh mặc áo dài trắng rất đẹp thản nhiên bước qua khi gặp một bà cụ bị ngã; một thanh niên ăn mặc lịch sự lại chen chân để trả tiền trước một ngươi phụ nữ có thai, một sinh viên đại diện cho những trí thức trẻ lại thản nhiên ngồi trên xe buýt để một ông lão đứng…

Làm sao có thể nói đó là văn hoá đẹp khi rõ ràng nghệ thuật làm đẹp đang tăng cấp số nhân trong giới trẻ hiện nay. Như vậy chuyện làm đẹp không còn là chuyện riêng của thời trang, mỹ phẩm mà còn là một câu chuyện dài về nhân cách, tâm hồn và lối ứng xử của mỗi con người.

Theo Tạp chí Văn hóa Phật Giáo
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên