30/07/2013 05:15 GMT+7

"Bàn tay vô hình" trong nhà

TRẦN THỊ PHƯỢNG (BCK36B, ĐHKH Huế)
TRẦN THỊ PHƯỢNG (BCK36B, ĐHKH Huế)

AT - Xuất phát từ ý tưởng điều khiển các thiết bị điện từ xa, một nhóm sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (Phan Văn Tuấn, Phan Văn Linh, Nguyễn Văn Dũng, Lê Xuân Thọ và Trần Thiện Hùng) đã sáng tạo ra hệ thống điều khiển thiết bị điện bằng tin nhắn SMS. Sản phẩm được trưng bày tại Triển lãm sản phẩm sáng tạo của sinh viên và cán bộ trẻ 2013, Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế.

8dWOtPF9.jpgPhóng to
Hai thành viên nhóm thực hiện “Bàn tay vô hình”

Từ ý tưởng...

Hệ thống điều khiển thiết bị điện bằng tin nhắn SMS là ý tưởng của Phan Văn Tuấn (lớp 10CDDV02, khoa ĐT-VT, Trường CĐCN Huế). Trong một lần dạo qua các trang mạng, Tuấn bắt gặp sáng chế về điều khiển thiết bị điện từ xa có sự hỗ trợ của máy vi tính. Thích thú với sáng chế này, Tuấn và các bạn lên kế hoạch thực hiện một hệ thống tương tự nhưng tiện dụng hơn bởi không cần máy tính hỗ trợ. “Lúc đầu mình lo không thực hiện được nhưng nhờ sự động viên của thầy nên nhóm mình đã cố gắng hết sức” - Tuấn tâm sự. Người thầy mà Tuấn nhắc tới là giảng viên Hoàng Lê Vinh Hưng (khoa ĐT-VT, CĐCN Huế). Thầy đã giúp đỡ nhóm rất nhiều trong quá trình biến ý tưởng thành hiện thực.

... đến hiện thực

Thiết bị để thực hiện hệ thống này bao gồm: module thu phát SMS, module xử lý SMS, module điều khiển, module công suất điều khiển và hệ thống thiết bị điện trong gia đình.

Đầu tiên, module thu phát SMS nhận tin nhắn từ điện thoại của người quản lý hệ thống. Module xử lý SMS phân tích tin nhắn vừa nhận được để cung cấp cho module điều khiển. Module điều khiển làm nhiệm vụ bật, tắt các thiết bị điện. Module công suất điều khiển đảm nhận vai trò chuyển đổi điện áp.

Lắp đặt hệ thống này trong gia đình đem lại rất nhiều lợi ích. Chỉ cần có điện thoại di động trong tay, bạn có thể bật, tắt các thiết bị điện trong nhà dù đang ở rất xa. Mỗi thiết bị đều được đánh số thứ tự. Bạn soạn tin nhắn theo cú pháp dx on hoặc dx off gửi đến số điện thoại 0915965564 (x là số thứ tự) để mở hoặc tắt thiết bị điện. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp giám sát đèn, máy lạnh, lò sưởi, bình nước nóng... Giả sử thiết bị điện trong nhà gặp sự cố, hệ thống lập tức gửi tin nhắn đến để thông báo.

Khi được hỏi về chi phí cho việc lắp đặt hệ thống này trong gia đình, Tuấn cho biết: “Modem gsm và thiết bị điện bạn có thể mua bên ngoài. Bên mình cung cấp mã lập trình và mạch xử lý điều khiển thiết bị. Tùy theo nhà đó sử dụng bao nhiêu thiết bị và mức độ phức tạp như thế nào, mình mới nói cụ thể về giá cả được”.

Khó khăn lớn nhất của nhóm khi “hiện thực hóa” ý tưởng là việc lên mã lập trình. Phần này các bạn phải nhờ đến sự giúp đỡ của thầy Hưng. Ngoài ra, việc sắp xếp thời gian cho hợp lý để không ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng là một khó khăn. “Tụi mình cố gắng tiếp thu bài vở ở trên lớp, về nhà tranh thủ họp nhau lại để làm việc” - một thành viên của nhóm cho hay.

Sau năm tháng miệt mài lắp ráp và thử nghiệm, hệ thống điều khiển thiết bị điện bằng tin nhắn SMS ra đời. Đây là một trong số những sản phẩm của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tham gia Triển lãm sản phẩm sáng tạo của sinh viên và cán bộ trẻ năm 2013, do Đại học Huế, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) tổ chức.

Vẫn còn có những thiếu sót nhưng tin rằng với niềm đam mê và lòng ham học hỏi, các bạn sẽ hoàn thiện hơn sản phẩm của mình, để “Bàn tay vô hình” là hệ thống điều khiển thiết bị điện bằng tin nhắn SMS sẽ phổ biến trong các gia đình.

iQmwQbkR.jpgPhóng to

Áo Trắng số 13 ra ngày 15/07/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN THỊ PHƯỢNG (BCK36B, ĐHKH Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên