Chiều 28-7 (giờ VN), xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã thể hiện khá ấn tượng ở chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi cá nhân nữ. Cô chỉ vuột huy chương ở những phát bắn cuối cùng.
Vì sao bắn súng nhiều bất ngờ?
Từ khi Liên đoàn Bắn súng thế giới (ISSF) đổi luật thi đấu vào năm 2012, bắn súng trở thành một trong những môn thể thao khó lường nhất của các đại hội thể thao. ISSF bỏ việc cộng dồn điểm ở vòng loại vào chung kết và đưa ra thể thức loại dần sau các lượt bắn.
Thể thức thi đấu mới khiến mọi xạ thủ đều đối mặt rủi ro bị loại, và những phát bắn đầu tiên ở chung kết cực kỳ quan trọng. Một khi phạm sai lầm, sẽ rất khó có cơ hội sửa chữa. Cụ thể, xạ thủ Veronika Major (Hungary) - người đứng đầu giai đoạn vòng loại - trở thành VĐV đầu tiên bị loại ở chung kết.
Từ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016, Phạm Quang Huy ở Asiad Hàng Châu cho đến Trịnh Thu Vinh ở Olympic Paris năm nay, các xạ thủ Việt đều có màn trình diễn ấn tượng hơn so với thực lực. Trước thềm Olympic, Thu Vinh chỉ được ISSF xếp hạng 54 thế giới ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Vì vậy, việc cô trở thành 1 trong 8 VĐV giành vé vào chung kết đã là một kỳ tích.
Và ở chung kết, Thu Vinh lại xuất sắc vượt qua nhiều xạ thủ có thứ hạng hơn xa mình như Jiang Ranxin, Li Xue hay Major. Bên cạnh sự nỗ lực và điềm tĩnh của Thu Vinh, luật thi đấu hấp dẫn của bắn súng đã một phần tiếp thêm sức mạnh cho các xạ thủ Việt Nam.
Thành công kế thừa từ nhiều thế hệ
Sinh năm 2000, Thu Vinh vẫn còn nhiều thời gian để phát triển, đặc biệt khi dấu ấn kế thừa của môn bắn súng là rất lớn. Phạm Quang Huy, người đoạt HCV Asiad vốn là con trai của cựu xạ thủ lẫy lừng những năm thập niên 1990: ông Phạm Cao Sơn. Một ví dụ rõ rệt cho tính kế thừa của môn thể thao đầy tính kỷ luật này.
Trong khi đó Thu Vinh là một trường hợp khá đặc biệt, khi cô được cựu HLV Nguyễn Thị Nhung phát hiện tài năng. Cô từng làm việc với Hoàng Xuân Vinh, chuyên gia Park Chung Gun, và đặc biệt được dẫn dắt chính bởi cựu xạ thủ Trần Quốc Cường. 4 cái tên vừa kể có thể ví von như "bộ tứ siêu đẳng" của bắn súng Việt Nam. Cùng nhau, họ đã tạo nên một đội tuyển bắn súng hùng mạnh kéo dài hơn một thập niên.
"Trịnh Thu Vinh luôn tập trung cho công việc, có ý chí tiến thủ và nghiêm túc với những chỉ đạo từ các HLV, chuyên gia. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi em ấy càng ngày càng hoàn thiện kỹ thuật, cải thiện tâm lý thi đấu. Trước thềm Olympic 2024, tôi tin tưởng Vinh sẽ vào chung kết khi so sánh với mức điểm trong tập luyện.
Khi tôi huấn luyện, điều lưu ý cho Vinh là ở các quãng bắt đầu và tạm nghỉ giữa các loạt bắn. Vì mới đầu, Vinh bắn khá tự do, chưa duy trì được độ ổn định. Nói chung về chuyên môn, bắn súng có rất nhiều chi tiết nhỏ trong kỹ chiến thuật. Hiện tôi không đi cùng Vinh nên không thể nói rõ", HLV Trần Quốc Cường chia sẻ về cô học trò tâm đắc.
8 năm kể từ kỳ tích trên đất Brazil, bắn súng vẫn mang đến niềm vui, niềm hy vọng, những phút giây hồi hộp cho người hâm mộ Việt Nam khi bước ra đấu trường quốc tế.
Chia sẻ nghề HLV
Là người thầm lặng nhất trong "bộ tứ siêu đẳng" nói trên, mới đây, cựu xạ thủ Trần Quốc Cường đã có trải lòng sau ngày giải nghệ: "Sau thời gian thi đấu từ khu vực, châu lục và thế giới, tôi rút ra những bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho sự nghiệp huấn luyện. Sau những thất bại, tôi ngồi chiêm nghiệm, phân tích lại mọi thứ. Bên cạnh đó là việc học hỏi các chuyên gia quốc tế.
Bắn súng là môn có những chi tiết rất nhỏ, tập xong phải lập tức ghi chép ngay. Trạng thái tâm lý thường đến từ bản thân VĐV với những áp lực về thành tích, huy chương. Nếu biết buông bỏ những thứ ấy, VĐV mới tập trung hết mình vào những thứ cơ bản, chi tiết nhỏ nhất.
Chẳng hạn nếu lấy đường ngắm quá sớm, mắt của VĐV sẽ nhanh mỏi và không tập trung được ở giai đoạn cuối. Đến khi siết cò, ánh mắt lúc đó có thể ở chỗ khác chứ không phải trên bia hay theo sát được đường ngắm. Đây là điều phải tập luyện rất lâu VĐV mới phát hiện ra".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận