Tại buổi tọa đàm, nhiều KTS, chuyên gia cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất cho người dân miền Trung trong việc xây dựng một ngôi nhà có thể đứng vững trong những mùa bão lũ.
Xây nhà ứng phó với bão lũ Không nên chỉ là chòi chống lũ
Ông Nguyễn Xuân Quang, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, phát biểu khai mạc buổi tọa đàm - Ảnh: Q. Nam |
Điều hành buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Quang, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, nói trong vài năm qua đã có vài mô hình nhà chống bão lũ được triển khai, nhưng qua thời gian sử dụng những mô hình đó vẫn bộc lộ khá nhiều vấn đề. Buổi tọa đàm này là dịp để những người có chuyên môn có thể đóng góp ý kiến, đúc rút kinh nghiệm hoàn thiện mô hình nhà vừa đáp ứng phong tục tập quán của người dân trong vùng, vừa phòng chống được bão lũ, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.
Đơn giản, hiệu quả
Đó là hai yếu tố mà các KTS và chuyên gia tham dự buổi tọa đàm hướng đến. Từ hai yếu tố này, các KTS đã mang đến buổi tọa đàm nhiều mô hình nhà chống bão, lũ để tham khảo. Một số mô hình đã được thực hiện thí điểm và mang lại hiệu quả tốt tại các vùng thường xuyên bão lũ của miền Trung.
KTS Lê Toàn Thắng, đại diện Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế giới thiệu mô hình nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu trong xu thế đô thị hóa. Theo mô hình này, bên cạnh dạng nhà ngang truyền thống thì dạng nhà ống cũng được thiết kế phần mái chống gió với các góc được nẹp kín. Bên cạnh đó, ở giữa nhà sẽ thiết kế một không gian vừa trú bão, vừa tránh lũ, gọi là phần lõi cứng. Phần này được xây bằng bêtông cốt thép kiên cố và có nấc cao để có thể leo lên khi có lũ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mô hình này vẫn có hạn chế là giá thành quá cao, khoảng 200 triệu đồng.
KTS Bùi Đức Huy, chủ nhiệm CLB KTS trẻ Quảng Trị, mang đến buổi tọa đàm một mô hình nhà ít chi phí hơn. Mô hình này theo KTS Bùi Đức Huy cho biết đã xây dựng thí điểm một căn nhà tại vùng trũng thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Giá thành của mô hình này khoảng 70 triệu. Mô hình này cũng cải tiến từ mô hình nhà ba gian truyền thống. Một “chòi” hai tầng sẽ nối vào nhà ba gian. Mỗi tầng có diện tích khoảng 25m2, có hệ thống cầu thang ngoài. Bếp, khu vệ sinh nối tiếp ra sau là khu vực chuồng trại. Sàn tầng hai cao hơn đỉnh lũ bình thường khoảng 1m. Trên tầng hai có bể chứa nước để dự phòng khi lũ. Có ống nối dẫn khí từ bể bioga lên để phục vụ sinh hoạt. Khu chuồng trại phía sau có mái che, đường lên dốc cho gia súc lên phía sau tầng hai trú khi có lũ. Cấu tạo mái cũng có giằng để chống bão. “Tuy nhiên, ngôi nhà này chỉ hiệu quả chứ không đẹp lắm”, KTS Huy cho biết.
Bà Ngô Thị Hồng Phượng, đại diện Công ty Troy, Canada mang đến buổi tọa đàm một vật liệu mới đó là gạch đất nén không nung. Gạch này được sản xuất từ chính đất có tại công trường, được pha chất kết dính sau đó dùng công nghệ nén thành gạch. Máy nén gạch được mang tới tại công trường để đúc gạch. Giữa viên gạch có thiết kế sẵn các rãnh để lắp ráp các viên gạch với nhau thành tường. Nhà 50m2 chỉ cần thi công 3 ngày là xong. Theo bà Phượng, đây là cách để các ngôi nhà có thể chống được bão lũ.
Phóng to |
KTS Bùi Đức Huy, chủ tịch CLB KTS trẻ Quảng Trị, giới thiệu mô hình nhà chống bão lũ đã được triển khai thí điểm có hiệu quả tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị - Ảnh: Q.Nam |
KTS Nguyễn Ngọc Dũng, giám đốc Công ty tư vấn - xây dựng Việt kiến trúc, nói đối với vùng bão lũ, khi bão lũ vào thì yêu cầu đầu tiên là phải dự trữ được nước sử dụng cho vài ngày nên mẫu thiết nào cũng phải chú ý đến yếu tố này. Theo ông Dũng, mô hình xây một nhà cộng đồng trong khu dân cư sẽ phát huy hiệu quả khi bão lũ. Với mô hình này, người dân sẽ có một chỗ kiên cố, có đủ không gian sinh hoạt khi bão lũ vào.
KTS Hoàng Văn Tròn, phó chủ tịch Hội KTS Quảng Bình, nói đối với dân vùng bão lũ thì mong ước chỉ cần một chỗ trú khi bão lũ về. “Người dân chỉ cần bốn cây cột kiên cố có gờ lồi, sau đó sẽ tự kiếm ván gỗ lắp lên để có chỗ trú là được. Theo tôi, 15 triệu cũng có thể làm một chòi tránh lũ theo cách đó” - ông Tròn lập luận.
Thiếu vốn hỗ trợ
Đối với những người dân tại các vùng thường xuyên bị bão lũ của Quảng Bình, câu chuyện nhà chống bão lũ là chuyện được quan tâm hơn cả. Ông Trần Đình Sửu, phó chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, cho biết chính vì những lợi ích thiết thực từ buổi tọa đàm này nên ông phải gác lại mọi việc, vượt cả 60km về TP Đồng Hới dự buổi tọa đàm.
Cùng đi với ông Sửu là ông Nguyễn Văn Lân, một người dân trong xã. Ông Lân cùng một người nông dân khác là ông Lê Văn Thảo (ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) là hai vị khách mời đặc biệt của chương trình tọa đàm. Ông Lân ở vùng tâm bão, còn ông Thảo ở vùng rốn lũ. “Chúng tôi quá khổ vì bão lũ rồi, nên nghe có chương trình tọa đàm này là đi ngay. Việc chi cũng không bằng có một mô hình nhà chống bão lũ để sống chung với bão lũ”, ông Lân nói.
Cả ông Lân và ông Thảo đều mơ ước một ngôi nhà chống bão lũ kiên cố và phù hợp.
Năm 2012, Bộ xây dựng đã triển khai thí điểm mô hình chòi tránh lũ tại hai xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh và Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Qua hai mùa bão 100 ngôi nhà trong dự án này đã phát huy những hiệu quả rõ rệt khi đảm bảo được an toàn cho người và tài sản qua cơn bão lũ. Tuy nhiên vẫn còn không ít những hạn chế. Trong đó hạn chế lớn nhất vẫn liên quan đến kinh phí.
Theo dự án, mỗi hộ dân được chọn sẽ được hỗ trợ tổng cộng 27 triệu đồng. Trong khi một ngôi nhà như thế có giá trên 50 triệu đồng. Ông Phan Văn Tới, một trong những hộ dân được hỗ trợ xây chòi chống lũ ở xã Tân Ninh, nói: “Nhiều hộ nghèo ở địa phương coi đây là rào cản lớn nhất khi nghĩ đến việc xây nhà chống bão lũ. Nhà nước cần tháo gỡ nút thắt này cho dân”.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Xuân Thiện, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng, cho biết tiêu chuẩn của Bộ xây dựng là Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, người dân phải tự đóng góp để xây dựng ngôi nhà của mình.
Tuy nhiên, dự thảo vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ đã đề xuất mức hỗ trợ làm nhà chống bão lũ cho dân vùng bão lũ cao hơn. Cụ thể là mức hỗ trợ cho mỗi hộ cư trú ở vùng khó khăn chỉ có lũ lụt là 10 triệu. Khu vực đặc biệt khó khăn là 12 triệu. Ngoài ra cho vay 15 triệu, lãi suất 3%. Với khu vực vừa có bão vừa có lũ thì mức hỗ trợ 14 triệu, khu vực đặc biệt khó khăn là 16 triệu, ngoài ra cho vay 15 triệu. Ông Thiện nói trước mắt là lo no ấm đã rồi mới nghĩ đến việc làm no-ngon-ấm-đẹp.
Theo ông Đặng Minh Nam, viện trưởng Viện Quy hoạch Thừa Thiên Huế, vấn đề bão lũ trong thời gian gần đây gia tăng cả về mật độ và cường độ có liên quan đến việc quy hoạch. Ông Nam lập luận: bêtông hóa, nhiệt độ tăng, cây xanh giảm thì dẫn đến bão lũ nhiều. Vì vậy, giải pháp phi công trình cũng là một cách tránh bão lũ. Khoanh vùng bão, vùng này ngập sâu bao nhiêu, lịch sử hiểm họa, vị trí nơi trú ẩn. Người dân được biết những thông tin này thì sẽ giảm nhẹ hậu quả. Ông Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cũng cho rằng vấn đề quy hoạch phải được thực hiện song song với việc xây dựng các nhà chống bão lũ, bởi đây là giải pháp lâu dài. Nếu chọn được một điểm tái định cư tốt, thích hợp, ở đó sẽ áp dụng các mô hình nhà chống bão lũ thì chắc chắn hiệu quả phòng tránh bão lũ sẽ cao hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận