09/10/2013 07:00 GMT+7

Bàn phím văn học

F.A.Q. (lamdienpv@yahoo.com)
F.A.Q. (lamdienpv@yahoo.com)

AT - Chúng tôi đang cần tìm các bài thơ tuyệt mệnh của một số nhà yêu nước, BPVH có thể cho biết Nguyễn Tiểu La có bài thơ nào làm trước lúc mất không? Nếu được, xin cho biết một vài thông tin về hành trạng Nguyễn Tiểu La trước lúc mất. Xin cảm ơn! (Hoàng Văn - TP.HCM)

- Nguyễn Tiểu La tên thật là Nguyễn Triết Phu, theo Huỳnh Thúc Kháng thì ông là “người đảng Cần vương mà cũng là nhân vật trọng yếu trong khoảng tân thời”. Về hành trạng của Nguyễn Tiểu La khi đi đày ở Côn Đảo, có thể đọc lại tư liệu của cụ Huỳnh Thúc Kháng (Thi tù tùng thoại) như sau: “Tiểu La ra đảo, sau mấy tháng mà được tin phu nhân mất, năm sau lại được tin người con gái mất. Kế đó lại được tin Chánh phủ Nhật trục xuất phái Đông học, đa số thiếu niên ta ở Phù Tang bị giải tán. Kế hoạch kinh dinh sắp đặt trên mười năm, một mai tan tác, cái khí phẫn uất không ngăn được. Chứng bệnh phế uất cũ lại phát sanh, có lúc thổ huyết cả bát. Sau vào nhà thương điều trị không khỏi, tiên sanh có gởi bức thơ quyết biệt đồng bối, trong có câu: “Thời cuộc xoay vần, cơ hội tốt sẽ đến, giông mây Đông Á, sau này còn nhiều cuộc biến đổi, anh em gắng lên!”. Sau lại có bài thi (nguyên tác chữ Hán, Huỳnh Thúc Kháng dịch):

Một việc chưa thành tóc nhuốm màuNon song gảnh lại thẹn mày râuVá trời thiếu sức bàn nghe dễCứu thế không tài tránh ở đâuCuộc biến ngại gì mây đổi sắcTình người e nỗi sóng thêm sâuMở toang hai mắt xem trời đấtSau nữa mười năm vẫn thế ru?

* Chúng tôi nghe nhiều tranh luận về sự ra đời của tạp chí Nam Phong. Xin cho hỏi có quan điểm nào được xem là đáng tin cậy để nói về sự kiện này không?

(trungthanh_tran@...)

- Chúng tôi từng biết một quan điểm của TS Huỳnh Văn Tòng, được xem là khảo cứu khách quan và có giá trị dẫn dụng trong học thuật, như sau (trích):

“Ở Pháp, trong những năm tìm kiếm tư liệu cho dự án tiến sĩ về Lịch sử báo chí Việt Nam, tác giả (tức Huỳnh Văn Tòng - BPVH) may mắn tìm được vài tài liệu của Pháp nói đến tờ Nam Phong. Căn cứ vào những tài liệu này, ta có thể hiểu được lý do tại sao tạp chí này ra đời, do ai chủ xướng và với mục đích gì. Tất cả tài liệu này đều là tài liệu mật, trên có ghi “Secret et Confidentiel”, những bản báo cáo và tường trình của viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương gởi tổng trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ở Paris. Đó là những tài liệu chắc chắn và đáng tin cậy.

Căn cứ vào những tài liệu trên thì người chủ xướng ra tờ Nam Phong là viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương lúc ấy là ông Albert Sarraut và người điều khiển trực tiếp tờ báo là Louis Marty, trưởng phòng chánh trị và an ninh của Chính phủ Đông Pháp.

“Một tờ báo! Một cây viết! Quả là một sức mạnh phi thường”. Đó là lời nói của Albert Sarraut trong một bài diễn văn khai mạc buổi họp của Nghiệp đoàn Báo chí thuộc địa tại Sài Gòn ngày 8-9-1917. Là một người rất thông minh, quỷ quyệt và có tài mỵ dân, A.Sarraut (trước khi bước vào con đường chính trị, ông ta đã là một nhà báo) từng là biên tập viên thường trực cho tờ La Dépêche du Midi ở tỉnh Toulouse. Do đó, biết lợi dụng báo chí cho mục tiêu chính trị quả không còn ai hơn viên toàn quyền này. Có lẽ trong những viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương, ông này là một nhà chính trị khôn khéo nhất và có tài mỵ dân giỏi đến nỗi một số trí thức Việt Nam lúc bấy giờ đã tin tưởng một cách thành thật về cái “sứ mạng cao cả của đại Pháp ở Đông Dương”. Ở đây, tác giả không muốn nói nhiều về Albert Sarraut mà chỉ muốn trả lời câu hỏi tại sao Albert Sarraut cho ra đời tạp chí Nam Phong. Chính điều này mới quan trọng vì cho biết dụng ý của người Pháp trong việc xuất bản tờ tạp chí lớn nhất và quan trọng nhất ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.

Có hai nguyên nhân khiến Albert Sarraut cho ra đời tạp chí Nam Phong:

- Nguyên nhân gần: đánh bại ảnh hưởng của Đức ở Đông Dương

- Nguyên nhân xa: tách rời các giới sĩ phu Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Tàu và “Pháp hóa” giới trí thức này để dễ bề thống trị lâu dài”.

IjIY0peu.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 ra ngày 1/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

F.A.Q. (lamdienpv@yahoo.com)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bàn phím văn học