17/08/2013 01:14 GMT+7

Bàn phím văn học

F.A.Q. (lamdienpv@yahoo.com)
F.A.Q. (lamdienpv@yahoo.com)

AT - Chúng tôi muốn tìm bài thơ Quốc biến năm ất Dậu của Phạm Như Xương, nhờ BPVH chép nguyên văn giùm, và cho biết một ít thông tin về tác giả Phạm Như Xương, cũng như năm Ất Dậu đề cập trong thơ là năm nào, có sự kiện gì ở đất nước ta?(hoapham_ngo@...)

- Tác giả Phạm Như Xương sinh năm 1844 tại Quảng Nam, hiện chưa rõ năm mất (có tài liệu cho rằng ông mất năm 1919). Năm 25 tuổi đỗ cử nhân, đến năm 32 tuổi (Ất Hợi 1875) ông đỗ tiến sĩ (Đình nguyên Hoàng giáp), là người đỗ cao nhất trong lịch sử khoa bảng tỉnh Quảng Nam). Ông làm quan ở bộ, viện, nội các, làm bố chánh ở Phú Yên rồi cáo quan về hưu. Ông chính là người làm quan chủ khảo trong cuộc thi có Phan Bội Châu dự thi và ông đã đánh giá rất cao về tài năng của Phan Bội Châu. Về sau Phạm Như Xương chiêu tập nghĩa quân chống Pháp ở Bình Thuận, Phú Yên. Nghĩa quân tan rã, ông và gia quyến bị bắt giải về kinh sư. Nhưng sau ông được ân xá, được trở lại làm quan ở Thanh-Nghệ-Tĩnh. Một thời gian sau ông cáo quan về hưu.

Các con của ông có những người tham gia vào các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp vào đầu thế kỷ 20 như Phạm Như Giáp, Phạm Như Đỉnh, Phạm Như Chương... Bản thân ông cũng là cố vấn của tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội do Phan Bội Châu lãnh đạo. Phạm Như Xương được khắc tên ở bia tiến sĩ tại Văn Miếu (Huế) nhưng vì tham gia chống Pháp ông bị đục tên khỏi bia tiến sĩ. Hiện nay, ở Quảng Nam có một ngôi trường tiểu học mang tên ông và ở Đà Nẵng cũng có một con đường mang tên ông. Ông là tác giả của nhiều bài văn thơ nhưng nay đã thất lạc vì năm 1916 con trai ông tham gia khởi nghĩa Duy Tân nên sách vở bị tịch thu.

Bài Quốc biến năm Ất Dậu chép trong Văn đàn bảo giám như sau:

Võng lọng nghênh ngang giữa cõi trầnBiết ai là chúa biết ai thầnNgu thiều tấu hết không nghe phụngLỗ xã tu rồi chẳng phải lânMỏi mắt Hi Di trời ngũ quíNhọc lòng Gia Cát đất tam phânThôi thôi đã thế thì hay thếNhờ lượng cao dày cứu lấy dân.

Bài này có lẽ làm vào năm 1885 (Ất Dậu). Năm này có sự kiện quân Pháp đánh với quân nhà Thanh ở Lạng Sơn - Việt Nam. Kết quả dẫn đến việc ký kết hiệp ước giữa Pháp và nhà Thanh ở Thiên Tân (9-6-1885), nhà Thanh thừa nhận quyền đô hộ của Pháp ở Việt Nam.

* Vừa rồi chúng tôi nghe một giáo viên giảng bài có nhắc đến hai chữ “tranh giành” và “tranh chấp”, thực tình là chưa rõ nghĩa và cách dùng hai từ này, nhờ BPVH phân tích giúp hai từ ấy khác nhau ra sao? Xét hai cụm từ “tranh giành tín đồ” và “tranh chấp tín đồ” thì có cụm từ nào không ổn không? (K.L. - TP.HCM)

- Về từ “tranh giành” và “tranh chấp”, bản thân từ tranh đã có nghĩa là giành, cho nên, tranh giành nghĩa là giành nhau cái gì đó khi cái đó chưa có chủ sở hữu. Còn chấp có nghĩa là cầm giữ, cho nên tranh chấp là giành nhau quyền giữ cái gì đó trong tình trạng cái đó đang có người khác sở hữu.

Điều này dễ thấy khi xét nghĩa chữ tranh chấp trong “tranh chấp chủ quyền nhà đất”, trong trường hợp này không dùng từ tranh giành được, vì thực thể khu nhà đất đó đang có chủ sở hữu, và các bên tranh nhau giữ cái quyền chủ sở hữu của họ ở đó. Trong khi cũng với ý nghĩa sở hữu, thì khi các đế quốc tranh nhau thuộc địa, chúng ta có cụm từ “các đế quốc tranh giành thuộc địa”, vì thuộc địa nào trong tình trạng tranh giành tức là các quốc gia thừa nhận thuộc địa ấy chưa thuộc quyền sở hữu của ai. Đại khái, tranh giành là chiếm hữu thực thể tài sản trong tình trạng chưa có chủ, còn tranh chấp là cùng giành nhau quyền làm chủ thực thể tài sản nhưng chưa ngã ngũ.

Cứ như thế, thì cụm từ “tranh giành tín đồ” dễ hiểu hơn, vì tín đồ là những người tin theo một tôn giáo nào đó. Tín đồ là những đối tượng tự do, và các bên tham gia “tranh giành tín đồ” có thể hiểu là: giành phần lôi kéo họ tin theo tôn giáo của mình. Cách nói “tranh chấp tín đồ” khó hiểu và có vẻ không ổn, vì nếu dùng chữ tranh chấp, tất phải xét xem tín đồ đó liệu có thuộc quyền sở hữu của “chủ” nào không? Tình trạng này chúng tôi thấy rất xa lạ cho nên chưa xem xét được.

F9FE2d7E.jpgPhóng to

Áo Trắng số 13 ra ngày 01/08/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

F.A.Q. (lamdienpv@yahoo.com)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bàn phím văn học