07/03/2015 12:05 GMT+7

Băn khoăn về pháp lý việc tịch thu ôtô khi tài xế xỉn nặng

Q.KHẢI - ĐỨC THANH ghi
Q.KHẢI - ĐỨC THANH ghi

TT - Đề xuất tịch thu ôtô khi tài xế say xỉn nặng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Hiểm họa từ những tài xế ôtô say xỉn (ảnh cắt từ clip của truyền hình Tuổi Trẻ)

 Chúng tôi giới thiệu thêm các ý kiến về vấn đề này.

* TS Trần Hữu Minh (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Cụ thể hóa bằng các quy định

Cá nhân tôi đồng tình với đề xuất của ủy ban an toàn giao thông quốc gia về việc tịch thu ôtô nếu tài xế say xỉn nặng bởi người tài xế say xỉn không chỉ gây mất an toàn giao thông cho chính mình và cả cộng đồng. Những giải pháp mạnh nhằm giải quyết vấn đề này là cần thiết. Rất nhiều nước trên thế giới quy định tịch thu xe đối với tài xế say xỉn, thậm chí tài xế say xỉn lái xe còn bị phạt tù.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này còn rất nhiều việc phải triển khai nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa các quy định pháp luật. Cụ thể xác định tài xế say xỉn lái xe dựa vào kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở (vượt quá 0,4mg/ml) và trong máu (vượt 80mg/100ml).

Vì vậy xác định được hành vi say xỉn nặng là như thế nào, quy định rõ trách nhiệm của người sở hữu phương tiện cũng như tài xế, người mượn xe...

Vấn đề này các bộ ngành như tư pháp, công an, giao thông... phải ngồi bàn thảo kỹ khi ra những quy định chặt chẽ, hợp lý và phù hợp thì mới đạt hiệu quả cao.

* TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Không khả thi và không đúng luật

Trước hết, chúng tôi cho rằng việc “đề xuất tịch thu phương tiện khi tài xế say rượu” là một đề xuất không khả thi và không đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ:

Phần đông còn băn khoăn

Tính đến chiều 6-3, đã có 340 ý kiến bạn đọc phản hồi liên quan đến đề xuất tịch thu xe ôtô các “ma men” cầm lái. Trong đó, có khoảng 25% ý kiến đồng tình và hoan nghênh đề xuất này.

Phần đông ý kiến còn băn khoăn: Đề xuất này có tính răn đe nhưng chưa phù hợp với tình hình hiện nay; Chiếc xe không có lỗi, nên giam người lái xe, phạt tiền thật nặng, tịch thu bằng lái thay vì tịch thu xe; Nếu tài xế lái xe công, xe thuê mượn khi vi phạm có tịch thu xe được không, tịch thu xong rồi để đâu, làm gì với các xe đó; Đề xuất này nếu được áp dụng sẽ phát sinh tiêu cực (nộp tiền cho người xử lý thay vì bị tịch thu xe)...

Tính đến 16g ngày 6-3, có 1.081 bạn đọc tham gia thăm dò về việc này trên TTO. Có 558 bạn đọc đồng tình việc tịch thu xe (52,9%), 457 bạn đọc không đồng tình (41,1%) và 66 bạn đọc có ý kiến khác (5,9%).

P.Đ.

Chúng ta cần phải xác định rằng chúng ta xử phạt là phạt hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông, còn xe (nói chung) chỉ là phương tiện.

Tôi cho rằng nếu chúng ta vận dụng điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính để làm “cơ sở” pháp lý đề xuất tịch thu phương tiện khi tài xế say xỉn là chưa đúng. Vì khi đó sẽ dẫn đến xung đột pháp lý và dẫn đến nhiều hệ quả phức tạp.

Quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Theo như dự thảo trình Chính phủ thì khả năng áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm về hành chính trong lĩnh vực giao thông chỉ áp dụng được cho trường hợp là chính chủ đứng tên tài sản, còn các trường hợp khác như cho thuê, cho mượn, ủy quyền sử dụng hợp pháp thì không thể tịch thu được.

Quyền sở hữu tài sản hợp pháp là quyền hiến định, vì vậy các cơ quan chức năng không thể áp dụng “cứ ai điều khiển phương tiện mà vi phạm các lỗi như đề xuất là bị tịch thu phương tiện”.

Chúng ta cũng không thể cho rằng đề xuất tịch thu xe khi tài xế say xỉn là để nhằm chống lại “các đại gia lắm tiền nhiều của”, vì pháp luật là phải công bằng và pháp luật không làm ra để nhằm xử lý một hay một nhóm đối tượng nào đó.

Và cũng không ai muốn “cố tình” vi phạm pháp luật rồi để bị xử lý cả. Có rất nhiều hình thức chế tài như mức phạt, tịch thu bằng lái vĩnh viễn... để nhằm hạn chế tình hình tai nạn giao thông.

* Một lãnh đạo đội cảnh sát giao thông thuộc Công an TP.HCM:

Chủ xe sẽ tìm cách “gỡ”

Hiện nay mức xử phạt tiền lẫn chế tài về vi phạm nồng độ cồn được quy định trong Luật giao thông đường bộ đã khá nặng.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều tài xế ôtô, xe máy sau khi bị xử phạt tiền, bị tạm giữ giấy phép lái xe dài hạn... họ tiếp tục uống rượu, bia và tái vi phạm lỗi nồng độ cồn cao trong hơi thở khi lái xe tham gia giao thông. Điều này cho thấy các biện pháp phạt, chế tài về lỗi nồng độ cồn hiện nay tuy có nặng tay nhưng đối với một số tài xế chưa thật sự răn đe được họ.

Quan điểm của tôi trong việc đề xuất tịch thu ôtô đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn cao là sẽ rất khó thực hiện. Vừa qua, cũng đã có nhiều chuyên gia phân tích, đánh giá về đề xuất này, theo họ là khó thực hiện và họ cũng đã có ý kiến đề nghị cần phải xem xét lại đề xuất này theo nhiều góc độ.

Chắc chắn sẽ phát sinh việc người vi phạm tìm cách đối phó. Họ sẽ không dễ dàng chấp hành việc tịch thu ôtô của họ bởi nhiều ôtô có giá trị lên đến hàng tỉ đồng. Khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn vì người vi phạm sẽ cố sức cự cãi, tìm cách này cách khác để “gỡ”, tránh bị lập biên bản tịch thu xe.

Phải dựa trên yếu tố lỗi

Trong thực tiễn, có rất nhiều trường hợp người này dùng tài sản, phương tiện của người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Vì vậy, việc xử lý tang vật và phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nói chung phải có sự thận trọng và phải dựa trên yếu tố lỗi.

Quan điểm này đã được thể hiện rõ trong chính sách về hình sự, chẳng hạn như tại khoản 3 của điều 41 Bộ luật hình sự (BLHS) đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước”.

Trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không có lỗi thì: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp” (khoản 2, điều 41 BLHS).

Theo quan điểm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì việc tịch thu xe được áp dụng trực tiếp đối với người điều khiển xe vi phạm, còn việc mượn xe là giao dịch dân sự, lực lượng chức năng tịch thu xe không có trách nhiệm giải quyết.

Cá nhân người mượn xe (tài xế) là người chịu trách nhiệm dân sự với người cho mượn xe (người sở hữu).

Nếu xe bị tịch thu vì hành vi vi phạm thì chủ xe bảo vệ tài sản đó bằng thỏa thuận với người mượn. Điều này là không có cơ sở khoa học pháp lý vì không dựa trên yếu tố lỗi của người cho mượn hoặc cho thuê mướn xe.

Để điều chỉnh xã hội cần phải có nhiều ngành luật khác nhau nhưng những ngành luật này phải có sự thống nhất, tạo thành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, không thể để xảy ra tình trạng xung đột giữa các ngành luật.

Thạc sĩ NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND tỉnh Kiên Giang)

[poll width="400px" height="174px"]125[/poll]

Q.KHẢI - ĐỨC THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục