Ông Liên cho biết bản dự thảo mới nhất vừa được tổ biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề xuất đã quy định về Hội đồng hiến pháp là một cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội.
Quyền con người phải được bảo hộ
“Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân là yếu tố mà bất cứ hiến pháp nào cũng lấy làm nguyên tắc xuyên suốt, cơ bản” - ông Liên khẳng định. Tuy vậy, điều 6 Hiến pháp năm 1992 chỉ thể hiện cơ chế đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thông qua Quốc hội và HĐND do nhân dân bầu ra. Qua tổng kết thì thấy rằng như thế là chưa đủ cơ chế, hình thức để người dân thực hiện quyền lực nhà nước. Do vậy, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này quy định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trực tiếp, thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan nhà nước khác. “Có ý kiến nêu tại sao Hiến pháp năm 1946 không đặt vấn đề “quyền lực Nhà nước” mà đặt “tất cả quyền bính” thuộc về nhân dân. Như vậy, ngoài quyền lực Nhà nước ra còn có quyền lực chính trị, các quyền lực khác mà nhân dân cũng là chủ thể” - ông Liên phân tích.
Nhận xét về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, TS Đặng Minh Tuấn, Khoa luật ĐHQG Hà Nội, cho rằng: “Quyền phúc quyết, trưng cầu ý dân là quyền rất quan trọng nhưng chưa được thể hiện rõ ràng, vẫn quy định trao việc này cho Quốc hội quyết định chứ không coi đây là quyền hiển nhiên của người dân được hiến định”. Ông Tuấn cũng cho rằng việc quy định quyền con người ngay tại chương 2 của dự thảo là một bước tiến, tuy nhiên trong dự thảo lại đang thiếu cơ chế để bảo vệ, đặc biệt là thiếu quy định về cơ quan chuyên trách để bảo vệ các quyền đó. “Đã đến lúc phải làm rõ quyền con người trong hiến pháp” - bà Nguyễn Thị Kim Thoa, vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, đề nghị. Theo bà Thoa, đối với các quyền cơ bản của người dân, tức những “quyền tạo hóa ban cho họ” thì Nhà nước phải có trách nhiệm bảo hộ.
Bảo hiến độc lập hay thuộc Quốc hội?
“Lâu nay, chúng ta thực hiện nguyên tắc quyền lực Nhà nước là tập trung, có sự phân công, phối hợp giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhưng tổng kết qua mấy chục năm nay thì thấy rằng quyền lực Nhà nước cần được kiểm soát. Kiểm soát quyền lực là yêu cầu bắt nguồn từ nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Bản chất của nguyên tắc nhà nước pháp quyền là bảo đảm dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không cho phép bất cứ một sự lạm quyền và tha hóa quyền lực nào” - ông Liên nói.
Theo ông Liên, để kiểm soát quyền lực, một là kiểm soát lẫn nhau từ nội bộ, hai là kiểm soát từ nhân dân thông qua dân chủ trực tiếp và thông qua các tổ chức xã hội, ba là thông qua thiết chế độc lập chuyên nghiệp để kiểm soát. Trong điều kiện VN hiện nay, việc thiết lập cơ chế bảo hiến là cần thiết bởi cơ chế hiện hành chưa thực hiện được trọn vẹn chức năng đó. Nhưng một nguyên tắc đặt ra trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nên bên cạnh đó lại có cơ quan bảo hiến độc lập có quyền phán xét quyết định của Quốc hội thì có gì đó không ổn. Dự thảo mới nhất do tổ biên tập đề xuất với mô hình Hội đồng hiến pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, giúp Quốc hội trong vấn đề bảo hiến.
Không đồng tình với mô hình trên, TS Đặng Minh Tuấn kiến nghị thành lập cơ quan bảo hiến độc lập, bởi lập ra một cơ quan chỉ để tham mưu cho Quốc hội thì cơ quan này không thể phán xét các quyết định của Quốc hội có nội dung vi hiến. Đồng tình với quan điểm của ông Tuấn, bà Kim Thoa cho rằng nếu mô hình cơ quan bảo hiến không được thiết kế rõ ràng, không có vị thế độc lập thì nó chỉ mang tính hình thức, như một “trang trí” cho nhà nước pháp quyền mà cơ quan này rất khó hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận