05/04/2015 05:23 GMT+7

Bàn chuyện xây sân vận động mới

D.NGỌC HÀ ghi
D.NGỌC HÀ ghi

TT - Để đăng cai SEA Games 2021, TP.HCM cần xây sân vận động mới có sức chứa 50.000-60.000 chỗ, làng VĐV... Và xây sân vận động ở đâu là phù hợp nhất để đạt được những mục tiêu chung về kinh tế, xã hội, văn hóa...?

Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến các chuyên gia về quy hoạch:

* TS.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:

Cần nhìn xa hơn SEA Games

Muốn xây dựng một khu liên hợp thể dục thể thao phải có tầm nhìn xa để có hướng mở tới tương lai. Với một TP có tầm vóc như TP.HCM, phải tính đến những bước phát triển xa hơn, một trung tâm thể dục thể thao hoặc làng thế vận hội trước mắt phục vụ SEA Games, sau đó có thể phục vụ cho cả Đại hội thể thao châu Á (Asiad)... Vì vậy, Nhà nước không nên đầu tư theo kiểu “đến đâu xây đến đó” được. Trước mắt, có thể thấy sân vận động Thống Nhất không đạt yêu cầu.

Để xây dựng công trình đáp ứng tham vọng trên phải có một khu đất đủ rộng để có thể phát triển mở rộng dần và có thể liên kết với các khu thể dục thể thao khác trong vùng. Vị trí sân này phải gần với mạng lưới đường cao tốc, đường nối với các tỉnh, TP khác. Trên địa bàn TP.HCM trước năm 1975 có dự án làng VĐV trên trục xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội), khu vực gần Đại học Quốc gia TP.HCM bây giờ. Theo tôi, khu vực này có nhiều lợi thế hơn những nơi khác.

Về giao thông, có thể tận dụng được tuyến xa lộ Hà Nội đi Biên Hòa. Bên cạnh đó, vị trí này tiếp cận với tuyến metro số 1, rất thuận tiện cho việc di chuyển của người dân, VĐV... từ trung tâm TP đến (cũng là cơ hội để khai thác tuyến metro số 1 đạt hiệu quả cao nhất). Vị trí này thuận tiện di chuyển đến các TP khác trong vùng như Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... để liên kết, sử dụng các sân vận động nhỏ ở những nơi này (nếu cần), phục vụ những đại hội thể thao lớn.

Về kinh tế, xây dựng cụm công trình để phục vụ các đại hội rất tốn kém. Vì vậy phải tính toán đến việc công trình trung tâm thể dục thể thao hoặc làng VĐV và sự kiện diễn ra phải là một cú hích để phát triển kinh tế của khu vực lân cận. Bên cạnh đó, cũng có thể chuyển đổi một phần làng VĐV thành khu đô thị sau các kỳ đại hội. Nếu quanh khu Đại học Quốc gia TP.HCM có khu thể dục thể thao, khu đô thị đông đúc phát triển thì các trường đại học trong TP sẽ chuyển về đây dễ dàng hơn.

Khu vực Thủ Thiêm tuy cũng có thể đặt sân vận động nhưng không phù hợp với làng VĐV và những dịch vụ kèm theo bởi giá trị đất ở Thủ Thiêm cao. Nếu như xây dựng ở Thủ Thiêm thì hiệu quả sử dụng đất kém, hiệu quả kinh tế không cao bằng sử dụng đất cho những mục đích kinh tế khác.

* KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG (Hội Kiến trúc sư TP.HCM):

Khu đô thị đại học có nhiều lợi thế

Ngoài khu thể dục thể thao Rạch Chiếc (Q.2), theo quy hoạch của TP.HCM, tôi đề xuất đặt sân vận động tại khu vực Đại học Quốc gia TP.HCM. Hiện tại, trong khu đô thị Đại học Quốc gia TP có quy hoạch 30ha cho trung tâm thể dục thể thao. Theo tôi, đặt sân vận động tại đây có nhiều ưu thế như đường sá ở khu vực này rất thuận tiện và hiện đã có đất sạch. Sau khi tổ chức các đại hội thì có thể phục vụ sinh viên Đại học Quốc gia, các trường đại học lân cận và chuyên gia, chuyên viên, nhân viên của Khu công nghệ cao (Q.9). Bên cạnh đó, khu vực này đặt trung tâm thể dục thể thao cũng khá phù hợp với những tiêu chí về quy hoạch như dân số, tầng cao, mật độ xây dựng... Người dân ở các tỉnh khác muốn đến đây cũng thuận tiện, không phải đi vào trung tâm TP, gây ảnh hưởng đến giao thông chung.

Trong các kỳ đại hội thể thao lớn, các VĐV, khán giả... từ nhiều tỉnh, thành về thì không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của khu trung tâm TP.HCM. Đặt sân vận động ở đây giúp khu vực này sinh động lên, giúp sinh viên có một nơi vừa học vừa vui chơi giải trí, rèn luyện thân thể. Nơi đây có thể tổ chức đại hội sinh viên... tạo tiền đề để phát triển khu đô thị đại học này xứng tầm như quy hoạch.

Để tránh lặp lại việc không phát huy hiệu quả các làng VĐV, khách sạn sau kỳ đại hội, Nhà nước có thể chuyển giao các căn hộ của VĐV cho Đại học Quốc gia để làm nơi ở cho sinh viên và giảng viên. Nếu sân vận động ở vị trí này, sau sự kiện SEA Games hoặc thời gian giữa những lần diễn ra sự kiện thì làng VĐV có thể được chuyển đổi công năng thành nơi ở của sinh viên và các giảng viên, sân vận động là nơi tập thể dục thể thao cho sinh viên và người dân tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP. 

Nếu xây dựng một trung tâm thể dục thể thao ở Rạch Chiếc, tôi e nơi đây sẽ trở thành một Mỹ Đình thứ hai khi chỉ là nơi diễn ra các sự kiện thể dục thể thao mà không phục vụ đại chúng. Vị trí của trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc cũng như Mỹ Đình quá độc lập, không gắn kết với một đô thị nào ở khu vực này. Sau các sự kiện thể dục thể thao, không có người dân đến sử dụng, tập luyện, vui chơi nên có thể sẽ nhanh chóng xuống cấp.

Quy hoạch sân vận động ở 2 nơi

Theo quy hoạch chung, TP.HCM hiện có Trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc với diện tích khoảng 150ha đã có đất sạch. Khu vực Thủ Thiêm cũng có quy hoạch một sân vận động khoảng 40.000 chỗ. Ở các hướng khác như phía tây (khu Nam TP, H.Bình Chánh), hoặc tây bắc (H.Hóc Môn, H.Củ Chi) hiện đều đã hết đất.

Theo một lãnh đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, khu đất Rạch Chiếc dư sức xây dựng sân vận động quy mô 50.000-60.000 chỗ ngồi và các dịch vụ kèm theo. Hiện dự án này đang chờ nhà đầu tư và vốn.

D.NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên