19/09/2015 00:10 GMT+7

​Bài toán rác thải y tế: lời giải trong tay các bệnh viện

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Theo thống kê từ Bộ Y tế, nước ta có khoảng 14.000 cơ sở y tế với tổng lượng rác thải lên đến 350 tấn/ngày. Đây thực sự là mối quan tâm, lo lắng không chỉ với ngành y tế mà còn cả với người dân sống gần các cơ sở y tế.

Mối nguy hại cho môi trường và con người

Theo thống kê, mức tăng chất thải y tế hiện nay là 7,6%/năm, dự kiến đến năm 2020, tổng lượng rác thải là 800 tấn/ngày. Nếu không được quản lý tốt, lượng rác thải y tế này sẽ gây ra những mối nguy hiểm không hề nhỏ cho môi trường và sức khỏe con người.

Chất thải y tế thuộc nhóm những loại chất thải được coi là độc hại nhất. Thực tế, môi trường ô nhiễm cộng với sự tiếp tay của chất thải y tế, đang tăng nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo cho con người. 

Rác thải y tế có thể gây sát thương cho người bởi vật sắc nhọn như kim tiêm, dao cắt, ống thủy tinh đựng thuốc hay nước cất. Vật sắc nhọn không chỉ gây ra vết thương trên da mà còn gây nhiễm trùng vết thương nếu chúng bị nhiễm bẩn.

Nguy hiểm hơn, rác thải y tế mang nguồn lây nhiễm từ các loại bệnh phẩm trong quá trình khám, chữa bệnh như máu, đờm, phân, chất tiết, bệnh phẩm sinh thiết, các tổ chức cắt bỏ... 

Hầu hết sự lây lan dịch bệnh (tả, lị...) từ các bệnh viện cũng từ rác thải y tế mà ra. Rác thải chôn lấp, các chất độc hại ngấm xuống nước ngầm, gián tiếp gây hại cho người dân sống lân cận. Không chỉ vậy, các rác thải y tế nguy hại (đặc biệt là những loại kháng sinh) không được xử lý đúng cách sẽ lan ra môi trường, gây nên tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng.

Không chỉ với con người, rác thải y tế còn là nguồn gây độc cho môi trường đất, nước bởi các chất độc dùng trong y học, các hóa chất dùng trong các phòng xét nghiệm, các chất thải chứa kim loại nặng...

hinh-5-1442633183.jpg

Lời giải trong tay các bệnh viện

Là một trong những chất thải nguy hại vào bậc nhất, việc xử lý rác thải y tế rất phức tạp và gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế cập nhật, tuyên truyền, tăng cường thanh kiểm tra và xử phạt các đơn vị vi phạm nhưng dường như kết quả chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Một số bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn đã chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải và chất thải riêng. Việc quan tâm, đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế đã giúp cho các đơn vị tự chủ được vấn đề này, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín cho bệnh viện. Một số phương pháp xử lý chất thải y tế khác như xử lý khô, xử lý ướt hay xúc tác oxy hóa… cũng đang được áp dụng ở một số nơi và mang lại những tín hiệu tích cực.

Một số bệnh viện và cơ sở y tế đã ký hợp đồng vận chuyển và tiêu hủy chất thải với công ty môi trường. Điển hình là tại Hà Nội và TP.HCM, hiện nay rác thải y tế đều được công ty môi trường đô thị thu gom để đốt tập trung trong lò chuyên dụng. Quá trình giao rác có sự chứng kiến của bảo vệ và các tổ giám sát của bệnh viện cũng thường xuyên kiểm tra. Tuy còn một số hạn chế nhưng nếu các bệnh viện kiểm soát chặt và giao cho các công ty lớn, có chuyên môn thì việc xử lý rác thải sẽ chuyên nghiệp hơn và mang lại hiệu quả tốt.

Bên cạnh các biện pháp trên, hiện nhiều bệnh viện đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao và hạn chế tối đa số rác thải ra ngoài.

Tuy nhiên, kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế là con số không nhỏ đối với các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến dưới, vậy nên mới chỉ có một số ít bệnh viện và cơ sở y tế làm được điều này.

Nguy hại từ rác thải y tế là dễ thấy nhưng việc quản lý và xử lý tốt lại là vấn đề mang tính lâu dài và rất cần sự chung tay của các cấp, bộ, ngành liên quan. Nhưng trước hết, lời giải cho bài toán này đang nằm trong tay các bệnh viện và cơ sở y tế. Nếu các đơn vị này kiên quyết thắt chặt quản lý, đầu tư những công nghệ hiện đại, hạn chế rác thải, thân thiện với môi trường… thì việc xử lý tốt rác thải y tế là việc không quá khó và hoàn toàn có thể làm được.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên