09/12/2006 17:13 GMT+7

Bãi "nhốt" xe - "sân sau" của CSGT ?

Theo Tiền Phong
Theo Tiền Phong

Trên thực tế trong nhiều năm qua, lợi dụng chính sách của thành phố, một số đơn vị, cá nhân vụ lợi để chia chác làm thất thoát nguồn thu ngân sách hàng chục tỷ đồng.

jbDBJn6Z.jpgPhóng to
Điểm trông xe số 106 Hoàng Quốc Việt trông giống như một bãi phế liệu là nơi gửi xe vi phạm của Đội CSGT số 7 và Thanh tra GTCC
Trên thực tế trong nhiều năm qua, lợi dụng chính sách của thành phố, một số đơn vị, cá nhân vụ lợi để chia chác làm thất thoát nguồn thu ngân sách hàng chục tỷ đồng.

Kỳ 1: Vì sao CSGT thích nhốt xe

Ngân sách thành phố thất thu cả chục tỷ đồng mỗi năm

Năm 2003, Hà Nội rầm rộ ra quân thực hiện mệnh lệnh, chỉ thị, nghị quyết của các cơ quan chức năng về đảm bảo trật tự giao thông đô thị. Khái niệm “nhốt” xe vi phạm cũng được người dân Thủ đô thuộc làu từ đó. Ngày cao điểm, lực lượng công an bắt gần ngàn xe máy và cả trăm ô tô vi phạm“nhốt” vào các bãi trông giữ xe.

Tháng 6-2003, căn cứ vào tờ trình của liên ngành CATP-GTCC-Tài chính- Cục Thuế, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 71. Kèm QĐ 71 là quy định về mức thu phí đối với phương tiện giao thông vi phạm luật giao thông bị tạm giữ. Cụ thể: Xe từ 6 chỗ ngồi trở xuống (xe từ 1 tấn trở xuống) giá trông xe là 60.000 đ/ngày, đêm. Xe từ 7 chỗ trở lên (xe trên 1 tấn), phí trông giữ xe là 84.000 đ/ngày, đêm. Xe máy: 3.000đ/ngày, đêm.

Có thể thấy trong bối cảnh TNGT và ùn tắc giao thông tại Hà Nội diễn biến phức tạp thì việc ban hành mức thu phí như vậy đã có tác dụng răn đe đối với người tham gia giao thông. Hơn thế, bên cạnh việc phạt tiền lỗi vi phạm, việc thu phí trông giữ xe vi phạm cao còn góp phần tăng thu ngân sách để tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông của Thủ đô.

Để đạt được mục tiêu này, UBND TP đã giao cho Cty Khai thác điểm đỗ (thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội khi đó) chịu trách nhiệm trông giữ, trả phương tiện và thu phí đối với các phương tiện vi phạm do CATP, CA các quận, huyện và thanh tra GTCC ra QĐ tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, chính sách này đã bị lợi dụng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lực lượng CSGT, CA các quận huyện và Thanh tra GTCC đều “lập”, hoặc liên kết với một số đơn vị, cá nhân hình thành những điểm trông xe vi phạm cho đơn vị mình.

Cụ thể, điểm đỗ xe Ngọc Linh (Cty TNHH Ngọc Linh) là nơi đội CSGT số 4 chuyên giữ xe vi phạm. Thực chất đây là garage ô tô Ngọc Linh, nhưng doanh nghiệp này dành một phần diện tích để trông xe vi phạm do đội CSGT số 4 đưa về.

Điểm đỗ xe HTX Long Biên (quận Long Biên) là nơi các đội CSGT số 5, số 1 gửi xe vi phạm. Hay số 106 Hoàng Quốc Việt là điểm để đội CSGT số 2 và Thanh tra GTCC Hà Nội gửi xe vi phạm. Các bãi đỗ xe khác trên các đường Đặng Thai Mai, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, bãi trông xe Sài Đồng...cũng đều là chỗ gửi quen thuộc của những đội CSGT. Dư luận cho rằng đây là những “sân sau” của các đội CSGT.

Theo điều tra của chúng tôi thì đến thời điểm hiện nay, Cty Khai thác điểm đỗ xe trung bình mỗi ngày chỉ được gửi trông 10 xe máy và thật hiếm hoi mới được nhận trông ô tô. Ví dụ như điểm giữ xe Dịch Vọng, trong tháng 11 chỉ được trông 21 xe máy và 8 ô tô vi phạm do đội CSGT số 2 chuyển đến. Từ đầu tháng 12 đến nay, điểm trông giữ này chỉ được giao trông 3 xe máy và 1 ô tô.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi ngày Hà Nội tạm giữ hàng trăm xe máy và hàng chục ô tô. Nếu chỉ tính trung bình mỗi phương tiện bị tạm giữ 10 ngày thì số tiền trông giữ phương tiện cũng lên đến 20-30 triệu đồng. Một năm số tiền này lên đến khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền này chui vào túi ai?

CSGT đang làm trái quy định của thành phố

ZFCJJEd2.jpgPhóng to
Trong lúc CSGT, Thanh tra GTCC đi “gửi” xe vi phạm tại các điểm trông giữ xe tư nhân thì điểm đỗ xe của Cty Khai thác điểm đỗ (Đơn vị được thành phố HN giao trông giữ xe vi phạm) vắng hoe
Một cán bộ của Cty Khai thác điểm đỗ than phiền: “Mặc dù được giao nhiệm vụ trông xe, thu tiền nhưng nếu CSGT không mang xe vào bãi của chúng tôi thì chúng tôi đành chịu!”. Sai phạm thứ nhất là CSGT và CA các quận, huyện, Thanh tra GTCC không đưa xe vào đúng nơi quy định. Thêm nữa, các điểm trông giữ xe vi phạm mà CSGT chuyển xe đến thường rất tạm bợ, có nơi chỉ là bãi đất trống san lấy lệ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy thiếu hoặc không có, có nơi điểm trông giữ xe nom như bãi tập kết phế liệu... trong khi, các điểm trông giữ xe vi phạm của Cty khai thác điểm đỗ lúc nào cũng thừa năng lực.

Việc thu tiền của các điểm trông giữ này rất tuỳ tiện, không có hóa đơn GTGT như quy định của thành phố. Nhiều người ví von với giá trông xe như vậy, những điểm trông giữ xe này kiếm lời hơn kinh doanh khách sạn.

Trong lúc Hà Nội đang nỗ lực nhằm chấn chỉnh tình hình giao thông đô thị thì việc lợi dụng chính sách chung để vụ lợi đã gây phẫn nộ trong dư luận. Lãnh đạo HĐND, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo làm rõ vụ việc đem lại sự công bằng cho xã hội và niềm tin đối với người tham gia giao thông.

Theo Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên