19/08/2005 07:02 GMT+7

Bài học về sức dân và lòng dân

TƯƠNG LAI
TƯƠNG LAI

TT - Kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám, chúng ta có dịp suy ngẫm về sức mạnh vô bờ của lòng dân và sức dân. Đây không là chuyện mới. “Đẩy thuyền cũng là dân và lật đổ thuyền cũng là dân” thì ngay từ thời chuyên chế phong kiến xưa kia, các bậc thức giả thời ấy đã răn dạy.

Ngày nay, “quần chúng làm nên lịch sử” là bài học vỡ lòng của người cách mạng. Chuyện cũ và bài mới học ấy dễ nhớ, dễ lay động lòng người bằng một thể nghiệm thật độc đáo, có một không hai: Cách mạng Tháng Tám. Từ “quân lệnh số 1” của Ủy ban khởi nghĩa do Tổng bộ Việt Minh thành lập công bố đêm 13-8-1945, đúng sáu ngày sau, 19-8 Hà Nội khởi nghĩa, mười ngày sau, 23-8 Huế, mười hai ngày sau 25-8 Sài Gòn, muộn nhất là Hà Tiên, 28-8.

Với 5.000 đảng viên rải ra khắp Bắc, Trung, Nam, nếu lòng dân không thuận theo ngọn cờ của Đảng, nếu sức dân không như nước vỡ bờ thì làm sao có thể có kết quả kỳ diệu đến thế! Mà có sức dân như vậy vì lòng dân đã qui về một mối, quyết bẻ gãy gông xiềng thực dân, quyết rửa cái nhục nô lệ, quyết giành lại độc lập cho đất nước, tự do và hạnh phúc về cho bản thân mình.

Khát vọng lớn lao ấp ủ đã bao lâu nay, được đàng hoàng minh bạch ghi rõ dưới tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nước cộng hòa đầu tiên phất cao lá cờ giải phóng dân tộc, đánh đòn đầu tiên làm rúng động hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ để rồi hệ thống ấy sụp đổ hẳn với thắng lợi của cuộc kháng chiến chín năm tiếp theo, kết thúc bằng Điện Biên Phủ, rồi lại cuộc kháng chiến 20 năm sau đó, đánh sập chủ nghĩa thực dân mới với ngày 30-4-1975 lịch sử. Hiểu sâu sắc khát vọng đó, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Vì thế, bài học của Cách mạng Tháng Tám trước hết là bài học của sức dân, là bài học về lòng dân. Khởi động và qui tụ được lòng dân thì mới phát huy được sức dân, khiến nó như triều dâng thác lũ không gì ngăn được.

Bài học của Cách mạng Tháng Tám cũng là bài học lớn của truyền thống Việt Nam mà ông cha ta bao đời truyền dạy, biết “khoan thư sức dân, lấy kế sâu rễ bền gốc” (Trần Hưng Đạo), là “việc nhân nghĩa cốt ở an dân” (Nguyễn Trãi). Bởi vậy, Bác Hồ luôn nhắc nhở “mọi việc thành bại đều ở nơi dân”.

Soi kỹ bài học ấy vào thực tiễn của đất nước trước bao thách thức và vận hội, để càng hiểu sâu rằng có dân, được lòng dân thì có tất cả, không khởi động và phát huy được sức dân vì để mất lòng dân thì mất tất cả!

TƯƠNG LAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên