03/06/2010 08:08 GMT+7

Bài giải các môn thi tốt nghiệp THPT 2010 - Môn ngữ văn

GV TRẦN THỊ THANH THỦY (tổ trưởng tổ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
GV TRẦN THỊ THANH THỦY (tổ trưởng tổ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)

TT - Đề thiI/ Phần chung cho tất cả thí sinh (5 điểm)Câu 1 (2 điểm):Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sôlôkhốp.

FAZpWkW3.jpgPhóng to

Nhiều thí sinh lo lắng trước khi bước vào thi môn văn tại hội đồng thi tốt nghiệp THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM sáng 2-6 - Ảnh: MINH ĐỨC

Câu 2 (3 điểm):

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.

II/ Phần riêng - phần tự chọn (5 điểm):

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3a hoặc câu 3b).

Câu 3a: Theo chương trình chuẩn (5 điểm)

Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (phần trích trong ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo Dục - 2008).

Câu 3b: Theo chương trình nâng cao (5 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

(ngữ văn 12 nâng cao, tập một, tr 122-123, NXB Giáo dục - 2008)

BÀI GIẢI GỢI Ý

I/ Phần chung cho tất cả thí sinh (5 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

1. Yêu cầu về kỹ năng:

- Học sinh cần trình bày ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ và chính xác.

- Diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả.

2. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cần phải nêu được những ý cơ bản sau đây:

- M.Sôlôkhốp (1905-1984) sinh tại thị trấn Viôsenxcaia thuộc tỉnh Rôxtốp trên vùng thảo nguyên sông Đông.

- Là nhà văn Nga - Xô viết lỗi lạc, tham gia cách mạng khá sớm.

- Từng làm nhiều nghề để kiếm sống, luôn tự học và đọc sách văn học.

- Ông được vinh dự nhận giải thưởng Nobel về văn học năm 1965.

- Tác phẩm tiêu biểu:

+ Sông Đông êm đềm

+ Số phận con người

+ Đất vỡ hoang...

Câu 2 (3 điểm):

1. Yêu cầu về kỹ năng:

- Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội.

- Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lý lẽ xác đáng, dẫn chứng phù hợp.

- Diễn đạt lưu loát, mạch lạc, trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được những ý chính sau:

- Nêu vấn đề cần nghị luận: Lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.

- Lòng yêu thương con người là sự đồng cảm, sẻ chia, đùm bọc... giữa người với người trong cuộc sống.

- Tình yêu thương con người là lẽ sống, tình cảm cao đẹp, chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội.

- Yêu thương là một giá trị văn hóa truyền thống thể hiện lối sống của dân tộc:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

- Yêu thương chính là động lực để giúp mọi người vươn lên trong cuộc sống.

- Tuổi trẻ hiện nay được sống trong tình yêu thương của gia đình và xã hội, được giáo dục lối sống của dân tộc, đã và đang phát huy, làm đẹp hơn truyền thống ấy bằng những hành động cụ thể như: quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bà mẹ Việt Nam anh hùng...

- Tuy vậy, cũng còn một số bạn chỉ nghĩ đến mình, chưa quan tâm đến những người xung quanh, thờ ơ với nỗi đau của người khác...

- Phê phán những kẻ sống ích kỷ, vô cảm...

- Lòng yêu thương con người là đạo lý của dân tộc, của con người, của tuổi trẻ ngày nay.

II/ Phần riêng - phần tự chọn (5 điểm):

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3a hoặc câu 3b).

Câu 3a (5 điểm): Theo chương trình chuẩn

1. Yêu cầu về kỹ năng:

- Biết cách làm bài nghị luận văn học.

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức:

Trên cơ sở hiểu biết về Nguyễn Thi và truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, học sinh biết cách chọn, phân tích những chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật tính cách nhân vật. Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần phải nêu được những ý cơ bản sau:

- Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.

- Việt là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Đó là một chiến sĩ giải phóng quân trẻ tuổi nhưng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng yêu, tiêu biểu cho thanh niên miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ.

+ Việt xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, chịu nhiều mất mát đau thương. Anh là một thanh niên mới lớn, rất hồn nhiên.

+ Việt là đứa con giàu tình thương yêu gia đình.

+ Việt có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, khao khát được chiến đấu giết giặc.

+ Việt là một chiến sĩ gan góc, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

- Khái quát, đánh giá được vấn đề đã phân tích.

Câu 3b (5 điểm): Theo chương trình nâng cao

1. Yêu cầu về kỹ năng:

- Biết cách làm bài nghị luận văn học.

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức:

Trên cơ sở hiểu biết về Xuân Quỳnh và đoạn thơ trong bài Sóng, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần phải nêu được những ý cơ bản sau:

- Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.

- Hình tượng sóng:

+ Sóng - một hình ảnh đẹp của thiên nhiên, được diễn tả chân thật, sinh động.

+ Sóng là biểu tượng cho tâm hồn người con gái đang yêu.

+ Sóng là hình ảnh ẩn dụ của em, là hóa thân của em.

- Những nét tương đồng của sóng và em:

+ Miêu tả sóng với hai trạng thái đối nghịch, phức tạp: dữ dội < dịu êm, ồn ào < lặng lẽ.

+ Trạng thái cảm xúc kỳ diệu của tình yêu: tình yêu của người con gái có nhiều cung bậc khác nhau: vừa dịu dàng sâu lắng, vừa thiết tha mãnh liệt.

- Khát vọng tình yêu vươn xa, thoát khỏi những gì nhỏ hẹp, chật chội, tầm thường:

+ Hành trình của sóng tìm tới biển khơi: Sóng từ sông ra bể. Vượt nhỏ hẹp, chật chội đến cái rộng lớn bao la, vô tận.

+ Hành trình của tình yêu hướng về cái vô biên, tuyệt đích, như tâm hồn người phụ nữ không chịu chấp nhận sự chật hẹp, tù túng để khám phá thế giới, khám phá chính mình.

- Thiên nhiên trường tồn, bất tận:

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế.

- Tình yêu cũng như sóng vĩnh hằng với thời gian:

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.

- Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

- Khái quát, đánh giá.

Nhận định đề thi

1Oa3Lzjr.jpgPhóng to
Giám thị kiểm tra giấy báo thi của thí sinh trước khi thi môn văn tại hội đồng thi Trường THCS Tân Bình, TP.HCM sáng 2-6 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngữ văn: quay về kiểu cũ

Cô Trần Thị Thanh Thủy - tổ trưởng tổ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - cho rằng: “Đề rõ ràng và vừa sức học sinh. Ở câu 1, chỉ cần học thuộc bài là có thể hưởng trọn vẹn điểm. Câu 2 cũng vừa sức, chủ đề về lòng yêu thương con người phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ở câu nghị luận văn học, không như đề năm ngoái cả hai đề tự chọn đều ra về truyện, đề năm nay có cả truyện và thơ, mở rộng cho học sinh có thể chọn đề truyện hoặc thơ phù hợp với sở trường của mình”.

Không có nhiều ý kiến, nhiều cảm xúc với đề thi văn năm nay vì nhìn chung kiểu đề cũ, có lợi cho những học sinh chịu khó học lý thuyết. Ý kiến chung của nhiều thầy cô dạy văn cho rằng đề này phù hợp với yêu cầu kiểm tra kiến thức ở kỳ thi phổ thông, bảo đảm cho học sinh trung bình cũng dễ có điểm 5.

Một giáo viên dạy văn (đề nghị không nêu tên) có ý kiến tiếc nuối chúng ta đã có hai năm cải tiến đề văn theo hướng gợi mở sáng tạo, năm nay lại quay về lối cũ. Giáo viên Cao Thanh Loan - Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4, TP.HCM - cho rằng: “Tôi hơi bất ngờ với cách ra đề này, trở về lối cũ, đơn giản quá! Chẳng hạn ở câu 1, dù không khó với học sinh nhưng kiểu đề nêu lý thuyết tiểu sử nhà văn trước đây hay ra, những năm gần đây đã có cải tiến hay hơn giờ lại ra kiểu cũ”.

Một giảng viên đại học nhận định nhìn chung đề thi tốt nghiệp môn văn năm 2010 không có gì khó. Có khả năng năm nay điểm thi môn văn sẽ cao hơn năm trước.

Môn hóa: không có câu rắc rối

Toàn bộ nội dung của đề thi đều nằm trong sách giáo khoa. Đề thi sát với cấu trúc đề bộ đã công bố. Các câu hỏi yêu cầu kiến thức cơ bản rải đều các phần trọng tâm. Không có câu hỏi nào rắc rối, gài bẫy đánh đố học sinh. Do vậy, học sinh trung bình cũng có thể đạt điểm cao với đề thi này.

Đề thi ngữ văn hệ GDTX: hợp đối tượng

Đề thi tốt nghiệp phổ thông dành cho đối tượng học ở các lớp bổ túc có điểm đặc thù. Ngoài hai câu kiểm tra kiến thức văn học thông thường, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày ý kiến của mình về vai trò của nhà trường trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh. Nội dung câu hỏi đã bao hàm một khẳng định: đến trường học tập, tiếp thu kiến thức là vô cùng cần thiết đối với mỗi người. Kiến thức trong nhà trường là hệ thống kiến thức có tính chất kinh điển, định hướng.

Hệ thống kiến thức đó không chỉ giúp con người mở mang hiểu biết mà còn nâng tầm văn hóa nói chung. Nhờ vào câu hỏi này mà đề thi có những hấp dẫn và thú vị riêng, phù hợp với đối tượng là học sinh hệ giáo dục thường xuyên.

GV TRẦN THỊ THANH THỦY (tổ trưởng tổ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên