20/07/2005 20:13 GMT+7

Bãi đá cổ Sa Pa: Cần có phương án bảo tồn cấp thiết

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Mặc dù có tên trong danh sách dự kiến đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới, nhưng bãi đá cổ Sa Pa hiện vẫn đang đứng trước những sự xâm hại mạnh mẽ của thiên nhiên và con người.

6e6Scn7N.jpgPhóng to
Mặc dù có tên trong danh sách dự kiến đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới, nhưng bãi đá cổ Sa Pa hiện vẫn đang đứng trước những sự xâm hại mạnh mẽ của thiên nhiên và con người.

Dự kiến ngày 30-7 tới, tỉnh Lào Cai sẽ trình Bộ Văn hóa - Thông tin ba phương án bảo tồn bãi đá.

Gần đây đến thăm bãi đá cổ Sa Pa (Lào Cai) - một trong ba ứng cử viên di sản văn hóa vật thể thế giới của VN, nhiều du khách bày tỏ sự lo ngại trước những hàng rào bằng cọc xi-măng mọc lên ở đây. Theo họ, cách bảo vệ các tảng đá kiểu này chưa hiệu quả, và vô hình trung lại cản trở người ta tiếp cận với những hình khắc trên đó...

Tuy nhiên, vấn đề hoàn toàn không đơn giản như thế, sau gần 100 năm phát hiện, bãi đá đang đứng trước những sự xâm hại mạnh mẽ của thiên nhiên và con người. Dứt khoát phải quy hoạch lại toàn bộ bãi đá này, không loại trừ cả biện pháp mạnh là làm hàng rào và mái che, nếu không các hình và chữ - những tuyệt tác điêu khắc - trên những "trang sách trời" này sẽ bay hết... về trời!

TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Lào Cai cho biết về "chướng ngại" hàng rào ở bãi đá:

- Đúng là chúng tôi có dựng hàng rào, nhưng đã dựng ở sát với tảng đá cần bảo vệ. Tức là ở điểm cuối cùng mà du khách được phép tiếp cận, chứ chẳng lẽ lại muốn dẫm cả lên mặt đá để tham quan à?

* Đúng sau vài lần đến thăm bãi đá cổ, tôi hoàn toàn đồng ý với ông là bãi đá cổ cần phải bảo vệ (bia đá, rùa đá trong Văn Miếu còn cấm sĩ tử sờ tay vào cầu may nữa kia). Nhưng tại sao các ông lại không bảo vệ trên cả tổng thể, tức là làm tường rào quây cả bãi đá tại và cắt đặt bảo vệ?

- Có, chúng tôi có tính đến phương án đó cùng một số phương án khác nữa, đến ngày 30-7 tới đây, sẽ phải hoàn thành để trình Bộ Văn hóa - Thông tin. Ở đây phải thấy rằng, bãi đá cổ không chỉ có một vài điểm với vài tảng đá như du khách thường thấy, mà có tới 200 tảng, nằm rải rác trên 4 km2 thuộc hai xã Tả Van và Hầu Thào.

Trong phạm vi bãi đá có hàng trăm hộ gia đình cùng ruộng nương của họ. Xin nói rằng ruộng nương ở đây không hề rẻ, trước đây, chúng tôi chỉ làm Nhà trưng bày (gần bãi đá) mà cũng phải đền bù mất 70-80 triệu rồi. Lại phải di dời cả con đường trục chính chạy qua bãi đá nữa. Như thế không chỉ tốn kém mà khu di tích bãi đá quây lại sẽ hoang vu, biệt lập, không hấp dẫn khách tham quan ...

* Vậy theo ông phải làm gì để cứu bãi đá?

- Phương án tối ưu mà chúng tôi đề xuất là biến các làng bản trong phạm vi này thành làng văn hóa - du lịch, gắn liền với du lịch bãi đá cổ. Như vậy sẽ không phải di dời cả làng.

Theo tính toán của chúng tôi chỉ phải di dời khoảng 24 hộ dân, như vậy cảnh quan của khu vực bãi đá không thay đổi. Muốn vậy phải làm sao tuyên truyền giáo dục cho người dân bảo vệ bãi đá, nói thẳng ra là phải cho người ta thấy được cái lợi khi khách đến thăm, có như vậy họ mới thực sự coi bãi đá như gia sản, như nơi thờ tổ tiên của mình.

* Sự thực bãi đá cổ đang bị bào mòn không chỉ vì sự thiếu ý thức của du khách và người dân địa phương (vẽ bậy, trèo lên phơi phóng, thậm chí bổ củi trên di tích) mà còn bị phong hóa mạnh mẽ. Dù chọn phương án nào cũng phải có biện pháp hạn chế quá trình phong hóa?

- Đúng thế, đến nay khi xem lại những tảng đá được phát hiện và bới lên năm 1989 (thời điểm mở rộng đường xuyên qua bãi đá), chúng tôi thấy các hình khắc trên đó đã mờ sạch rồi. Hòn đá phát hiện năm 1992 cũng bị bào mòn đi rất nhiều.

Rõ ràng trước kia, bãi đá bị vùi lấp dưới đất, ít bị tác động bởi mưa nắng nên tốc độ bào mòn chậm, bây giờ vừa lộ ra mưa nắng, vừa bị con người tác động mới mờ nhanh như thế. Vì vậy cần phải mạnh dạn nghiên cứu làm mái che cho một số hòn đá có giá trị đặc biệt.

* Mái che sẽ được làm như thế nào?

- Nhiều ý tưởng xây dựng mô hình mái che có hình nấm, hình cây, hình tre... nhưng chúng tôi chưa quyết, và đang dời hội thảo để bàn luận với tinh thần chỉ làm một số tảng đá đặc biệt quan trọng. Làm mái che dĩ nhiên có tác động đến không gian di tích, nhưng không thể để những tảng đá đẹp nhất cứ mãi phơi ra giữa mưa nắng và mở đi từng ngày.

* Mặc dù Bãi đá cổ Sa Pa có tên trong danh sách dự kiến đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới từ những năm 1990, nhưng tại sao đến bây giờ mới đặt ra vấn đề bảo vệ?

- Lâu nay Bộ Văn hóa - Thông tin chưa chú trọng đến đầu tư cho di tích bãi đá. Mà muốn bảo vệ theo phương án trên phải cần 50 tỷ đồng, tỉnh làm sao làm được?

Chúng tôi lên tiếng nhiều lần thi Bộ cho làm báo cáo để tới đây xem xét. Nhưng trong chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ di tích với 30-40 di tích quan trọng, có tên bãi đá cổ đâu? Chúng tôi đề nghị được đưa vào chương trình mục tiêu 2006-2010.

* Thế bao giờ tỉnh sẽ lập hồ sơ đề cử Bãi đá là di sản văn hóa vật thể thế giới?

- Vẫn biết rằng bãi đá cổ có tên trong danh sách dự kiến đề cử, nhưng để làm hồ sơ phải đầu tư 300-500 triệu, mà đề cử chưa chắc đã được vì ở nhà "nhất mẹ, nhì con"... Vì thế việc đề cử cứ lui lại, bảo tồn là nhiệm vụ trước hết...

* Xin cảm ơn ông.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên