23/04/2012 07:30 GMT+7

Bác sĩ tuyến trên về quận, huyện

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Nhiều bạn đọc cho rằng họ đi khám bệnh vượt tuyến là do bệnh viện quận, huyện thiếu bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, gần đây tại TP.HCM đã có thay đổi.

PSX3qNqE.jpgPhóng to

Bác sĩ Lý Kiều Diễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khám bệnh cho bệnh nhi tại Bệnh viện Q.Bình Tân

Trong phòng khám số 7 ở Bệnh viện Q.Bình Tân ngày 13-4 có hai bác sĩ nữ ngồi khám bệnh, nhưng có một điểm đặc biệt là trên chiếc bàn khám bệnh gần cửa ra vào có một bảng hiệu ghi bác sĩ Lý Kiều Diễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Không đi xa nữa

Bồng con gái mới được 7 tháng tuổi bước ra khỏi phòng khám, chị L.T.T.L. (30 tuổi, ở đường số 10, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) kể đúng một tuần trước con chị bị tiêu chảy. Chị đưa con đến Bệnh viện Q.Bình Tân thì được bác sĩ Diễm khám và cho nhập viện điều trị. Lần này, chị đưa con đến tái khám.

Chị L. kể trước đây mỗi khi con bị bệnh, chị thường đưa con lên tận Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám. Những lần đi khám như vậy rất vất vả vì đường xa, phải ngồi đợi khám rất lâu trong khung cảnh ngột ngạt do rất đông bệnh nhi. Giờ biết ở Bệnh viện Q.Bình Tân cũng có bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám nên từ giờ trở đi con bệnh là chị đưa thẳng đến ngay đây khám cho nhanh, gần, được khám theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) mà vẫn yên tâm.

Chị N.T.L. (25 tuổi, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) cùng chồng không giấu nổi niềm vui khi tình cờ con anh chị được bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám mà không phải mất công đi xa. Những lần trước đó thấy con bệnh, lập tức hai vợ chồng chị chở con lên tận Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám. Mấy hôm nay trời nắng nóng quá, hai vợ chồng quyết định đến Bệnh viện Q.Bình Tân khám cho con, không ngờ gặp ngay bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 xuống khám. “Chúng tôi yên tâm lắm! Lần sau con có bệnh lại đến đây khám cho nhanh, không cần đi đâu hết” - chị L. nói.

Bác sĩ Lý Kiều Diễm chỉ là một trong 59 bác sĩ TP được biệt phái xuống quận, huyện để nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến dưới với nhiều chuyên khoa như ung bướu, chấn thương chỉnh hình, niệu, sản khoa, tai mũi họng, mắt, hồi sức....

Bác sĩ Diễm kể khi biết Bệnh viện Nhi Đồng 1 cần một bác sĩ xuống Bệnh viện Q.Bình Tân một năm để khám chữa bệnh, chuyển giao kinh nghiệm khám, điều trị bệnh cho các bác sĩ tuyến dưới, bác sĩ Diễm đã xung phong xin đi. Không chỉ khám cho bệnh nhi, mỗi tuần bác sĩ Diễm có hai bài giảng bệnh cho năm bác sĩ nhi của Bệnh viện Q.Bình Tân, hội chẩn với các bác sĩ trong khoa nhi, gặp những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị sẽ chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mười, giám đốc Bệnh viện Q.Bình Tân, cho rằng chủ trương đưa bác sĩ TP xuống bệnh viện quận, huyện với Bệnh viện Q.Bình Tân như “nắng hạn gặp mưa”. Lực lượng nhân sự ở Bệnh viện Q.Bình Tân mỏng, chuyên khoa ít, chuyên môn còn hạn chế nên việc được các bác sĩ chuyên khoa cắm xuống các bệnh viện quận, huyện hội chẩn tại chỗ, chuyển giao kỹ thuật... sẽ giúp các bác sĩ Bệnh viện Q.Bình Tân nâng cao được năng lực khám chữa bệnh. Bác sĩ Mười tin chỉ 1-2 năm nữa Bệnh viện Q.Bình Tân sẽ “đi được” bằng đôi chân của mình.

Bệnh viện chuyên khoa thu nhỏ

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh viện này đã đưa ba bác sĩ xuống khám bệnh tại các bệnh viện Q.2, Q.9, Q.12. Hai tuần đầu hầu như không có bệnh nhân đến khám, còn nay số người dân đến khám đã tăng lên 4-5 bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân đến khám bệnh ung bướu ngoài việc khám bệnh lâm sàng có thể cần đến các xét nghiệm để hỗ trợ trong việc chẩn đoán như sinh thiết, chụp hình... nên các bác sĩ xuống bệnh viện quận, huyện khám chủ yếu vẫn giải quyết những bệnh nhẹ. Còn gặp những bệnh nặng, cần sinh thiết, chụp hình vẫn phải chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ Tuấn cho rằng đây là một chủ chương rất hay của TP để bệnh viện tuyến trên nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến dưới. Đây chỉ là bước đầu, hiện bệnh viện đang có kế hoạch lập một khoa ung bướu vệ tinh tại Bệnh viện Q.2. Khoa vệ tinh này sẽ giống như một bệnh viện ung bướu thu nhỏ ở Q.2 với các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu, trang thiết bị, có giường bệnh nội trú và người bệnh được thanh toán BHYT y như khi lên Bệnh viện Ung bướu điều trị.

Bác sĩ Lê Bích Liên, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng việc UBND TP và Sở Y tế đưa các bác sĩ TP xuống bệnh viện tuyến quận, huyện không thể nói sẽ giúp các bệnh viện tuyến trên giảm tải ngay được vì số lượng bác sĩ xuống tuyến dưới còn khá hạn chế. Nhưng đây là cách để bệnh viện tuyến trên chuyển giao kinh nghiệm điều trị cho tuyến dưới, để khi bác sĩ bệnh viện tuyến trên rút về, các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới phải đủ năng lực để giữ bệnh nhân lại.

Triển khai từ đầu năm nay, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, phó phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính đến ngày 19-4 có khoảng 90% trong số 59 bác sĩ tuyến TP đã xuống các bệnh viện quận, huyện khám, điều trị bệnh và chuyển giao kỹ thuật cho 12 bệnh viện tuyến quận, huyện.

Ngoài việc thành lập các phòng khám vệ tinh này, Sở Y tế đã chỉ đạo bốn bệnh viện quá tải nhất trong TP hiện nay là Bệnh viện Ung bướu, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Chấn thương chỉnh hình thành lập khoa vệ tinh tại các bệnh viện quận, huyện. Cụ thể, Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ thành lập một khoa vệ tinh 100 giường bệnh tại Bệnh viện Q.Bình Tân. Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ thành lập khoa vệ tinh 100 giường tại Bệnh viện Q.2. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sẽ có khoa vệ tinh 100 giường bệnh tại Q.Tân Phú và 100 giường bệnh tại Bệnh viện An Bình. Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ thành lập khoa vệ tinh tại Bệnh viện Q.2 với 200 giường.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên