Bác sĩ phòng khám gia đình đang khám bệnh cho người dân - Ảnh: Hữu Khoa |
Thực tế, phòng mạch tư có đáp ứng được kỳ vọng của ngành y tế về việc nhân rộng phòng khám BSGĐ hay không? Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ cho thấy nhiều bác sĩ đã và đang làm phòng mạch tư không mặn mà.
Ba cản trở
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, để vận động các bác sĩ đang làm phòng mạch tư tham gia mạng lưới BSGĐ không dễ vì có ba vướng mắc lớn.
Một là bác sĩ phòng mạch tư hoạt động mang tính độc lập, nếu tham gia làm BSGĐ thì phải theo quy định, giống như bị kiểm soát nên ít khi nào bác sĩ đồng ý tham gia làm phòng khám BSGĐ.
Thứ hai là vấn đề thu nhập vì bác sĩ phòng mạch không muốn người khác biết mình thu nhập bao nhiêu.
Ba là phòng mạch hiện nay ngoài chuyện khám bệnh còn bán thuốc để tăng thêm thu nhập. Đây là điều bác sĩ phòng mạch tư cũng không muốn chia sẻ cho người khác biết.
Với những phòng mạch có khách thì bác sĩ không cần tham gia BSGĐ họ vẫn có khách, và họ sợ tham gia sẽ bị lỗ thu nhập. Với phòng mạch không có khách thì có làm thêm BSGĐ cũng chưa chắc đã có khách thêm vì người dân chỉ đến khám phòng mạch của những bác sĩ uy tín.
Bác sĩ Khanh chia sẻ bước đầu việc nhân rộng mô hình BSGĐ chỉ nên chọn những phòng mạch nào, bác sĩ nào làm việc bài bản, muốn và tích cực tham gia BSGĐ thì huấn luyện cho họ trước rồi mới nhân rộng ra.
Nếu không mở rộng được BSGĐ ở phòng mạch tư thì sở y tế hay từng địa phương phải tạo mô hình BSGĐ riêng ở khu vực nào đó để thu hút người dân đến theo dõi sức khỏe và khám chữa bệnh thông thường.
Khi mô hình đó thật sự có hiệu quả thì mới nhân rộng. Còn nếu dùng quy định hay ép bác sĩ phòng mạch tư tham gia BSGĐ, bác sĩ sẽ không hợp tác.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Đại Biên - nguyên trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhân Dân 115 - nói nếu tổ chức được mạng lưới BSGĐ rộng khắp sẽ vừa thuận lợi, vừa tiết kiệm cho người dân rất nhiều. Khi đó người dân sẽ về đăng ký khám bệnh, theo dõi sức khỏe tại các phòng khám BSGĐ.
Tuy nhiên, đồng quan điểm với bác sĩ Khanh, bác sĩ Biên cũng cho rằng hầu hết phòng mạch tư đều có bán thuốc để lấy tiền lời từ bán thuốc. Hành nghề tư có thể thu nhập cao hơn khi tham gia BSGĐ, độc lập hơn vì không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ về tài chính - nhất là khi có BHYT tham gia vào.
Chưa kể, khi bệnh nhân BHYT đến khám ở phòng khám BSGĐ thì còn phải quản lý chặt chẽ về thuốc vì dễ có tiêu cực. Nếu bác sĩ ăn gian thuốc BHYT thì dễ lắm.
“Nhưng nói vậy không có nghĩa là thôi không làm mà đương nhiên phải có cơ chế giám sát của BHYT. Để bác sĩ tham gia BSGĐ, BHYT phải thanh toán giá cao hơn một chút so với bệnh viện vì tiền công bác sĩ khám nhanh hơn, tư vấn chu đáo hơn. Phải có cơ chế rõ ràng mới khuyến khích bác sĩ tham gia làm BSGĐ được” - bác sĩ Biên nói.
Cần đơn giản hóa thủ tục bảo hiểm y tế
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho rằng những bác sĩ đã có một lượng bệnh nhân tin tưởng nhất định đến phòng mạch sẽ không có nhu cầu đăng ký tham gia theo mô hình BSGĐ.
Dù Bộ Y tế có khuyến khích các phòng mạch tham gia BSGĐ, hoặc có quy định đem lại những quyền lợi như cho phép các phòng mạch tham gia mô hình BSGĐ ký hợp đồng với BHYT, được quyền chuyển bệnh nhân đến bất cứ cơ sở y tế nào... thì bác sĩ vẫn rất ngại ký hợp đồng với BHYT do các thủ tục thanh toán, chi trả của BHYT rất rườm rà và mất nhiều thời gian.
Bác sĩ Khanh cũng cho biết để người dân đăng ký khám BHYT ở phòng mạch cũng rất rắc rối và thật sự bác sĩ không muốn làm vì để được BHYT thanh toán lại, bác sĩ phải làm đủ thứ giấy tờ, trong khi hầu như chưa có phòng mạch nào quản lý bằng hệ thống vi tính nên bác sĩ và bệnh nhân đều phải ký nhiều giấy tờ liên quan đến khám, nhận thuốc BHYT. Để làm được công việc này lại phải thêm nhân viên hành chính giúp việc làm giấy tờ BHYT.
“Tôi thấy ý tưởng nhân rộng BSGĐ là tốt nhưng chưa chắc thực hiện được. Phải có nhiều tháo gỡ về chính sách, quy định mới có thể làm được. Ngoài ra, phải đơn giản hóa thủ tục BHYT. Nếu không sẽ không làm nổi vì thủ tục BHYT phức tạp lắm” - bác sĩ Khanh nói.
Không muốn ràng buộc
TS.BS Lê Thanh Toàn - bộ môn y học gia đình, Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết khoảng ba tháng nay ông mới mở một phòng mạch BSGĐ do bác sĩ có giấy phép hành nghề là BSGĐ chứ không phải là phòng mạch phát triển theo mô hình BSGĐ.
TS Toàn cho rằng phòng mạch là sự hoạt động độc lập của bác sĩ. Những gì liên quan đến phòng mạch đều do bác sĩ tự quyết định như tự thuê nhà, giá khám bệnh... Đang hoạt động độc lập như vậy nhưng nếu phòng mạch tham gia mô hình BSGĐ sẽ phải tham gia BHYT.
Những người nào từng làm việc với BHYT mới thấy sự khó khăn, cản trở của BHYT với bác sĩ như thế nào nên không ai đang được tự do lại muốn bị ràng buộc nếu không thấy được lợi ích gì.
Chưa kể, một phòng khám BSGĐ chuẩn bắt buộc phải có mặt bằng rộng hơn. Ngoài việc điều trị bệnh, BSGĐ còn dành thời gian cho người bệnh nhiều hơn như tư vấn tâm lý và hỏi cả những yếu tố liên quan đến xã hội như người bệnh làm nghề gì, sống ở đâu? Gia đình bao nhiêu người, sinh hoạt như thế nào? Từ đó mới đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất, toa thuốc phù hợp nhất.
TS Toàn cho rằng để triển khai mô hình BSGĐ tại các phòng mạch, đầu tiên các bác sĩ này phải được học bài bản về BSGĐ. Đây phải là những bác sĩ giỏi, chứ không phải người nào dở nhất đi học BSGĐ.
Muốn có BHYT tham gia cùng phòng mạch phải có những chính sách rõ ràng. Bác sĩ tham gia mô hình này sẽ được lợi ích gì? Bệnh án điện tử phải như thế nào để các bác sĩ đều sử dụng, thuận tiện cho người xem? Bệnh nhân được lĩnh thuốc ở đâu, xét nghiệm ở đâu là những điều Bộ Y tế cần phải tính đến.
Ở nước ngoài phòng mạch luôn có BHYT, bác sĩ chỉ cần kê toa, bệnh nhân cầm toa thuốc ra bất kỳ nhà thuốc nào gần phòng mạch đều được nhận thuốc miễn phí.
Gỡ nút thắt tài chính và chuyển tuyến, dịch vụ bác sĩ gia đình sẽ phát triển Đó là nhận định của TS Trần Quý Tường, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Theo ông Tường, có hai vấn đề đang là vướng mắc khiến dịch vụ bác sĩ gia đình phát triển chưa được như mong muốn. Đó là chưa xây dựng được giá dịch vụ khám, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, quản lý sức khỏe thực hiện bởi bác sĩ gia đình. Chưa có giá nghĩa là làm nhiều nhưng lương vẫn thế, các bác sĩ không nhiệt tình. Một vấn đề nữa là cơ chế chuyển tuyến, với các bác sĩ gia đình, trước mắt có thể thí điểm cho họ chuyển bệnh nhân lên tuyến phù hợp với tình trạng bệnh, chưa áp dụng rộng rãi bởi có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống tuyến bệnh viện, nhưng lâu dài các bệnh viện phải nỗ lực cạnh tranh về chất lượng. Khi các bệnh viện cạnh tranh được, nên để bệnh nhân tự lựa chọn cơ sở y tế họ muốn, bác sĩ gia đình chỉ giới thiệu bệnh viện. Với cơ chế tài chính, tới đây có thể khoán kinh phí chăm sóc sức khỏe trên số lượng dân cư toàn khu vực, hoặc tính phí trên từng dịch vụ bác sĩ gia đình mà người dân sử dụng... Ít nhất thu nhập bác sĩ gia đình phải tương đương bác sĩ bệnh viện huyện thì mới hấp dẫn được bác sĩ tham gia dịch vụ bác sĩ gia đình. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 mỗi năm sẽ có thêm 6-12 tỉnh thành tham gia dự án bác sĩ gia đình, riêng năm 2016 thì tại 6 tỉnh thành có dịch vụ bác sĩ gia đình đầu tiên sẽ mở rộng mạng lưới ra tất cả các xã phường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận