06/05/2012 10:33 GMT+7

"Bác sĩ" của voi

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Nhìn con voi cái H’Túk bị thương bỏ ăn uống, nằm liệt một chỗ mà Mí Loan buồn đến bỏ cơm. Biết chuyện, Đàng Năng Long lấy một nắm đất tổ mối trộn với lá thuốc rồi đắp lên vết thương cho chú voi.

Chỉ mấy ngày sau, H’Túk trở lại bình thường...

UjytCbd4.jpgPhóng to

Ông Đàng Năng Long bên chú voi H’Túk - Ảnh: B.D.

Đàng Năng Long ở buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nổi tiếng là “bác sĩ” của voi. Chẳng có bằng cấp nào cả, ông Long được biết đến như một người gắn suốt cuộc đời với những chú voi nhà và chữa được bệnh cho voi nên người dân tin yêu gọi là “bác sĩ” của voi. Xin rời chức vụ giám đốc khu du lịch sinh thái Hồ Lắk, ông Long là một trong số ít người dám dành hết của cải, thời gian, tâm huyết để bảo vệ, chăm sóc đàn voi nhà bằng cách của riêng mình.

Từ cái chết của Khăm Bun

Nghệ nhân Đàng Năng Long là đời con thứ ba trong gia đình huyền thoại về nghề voi. Cha ông là Đàng Nhảy - dũng sĩ săn voi nổi tiếng một thời của đất Tây nguyên và mẹ là Sao Thông Chăn - mỹ nhân buôn voi. Ông là người duy nhất trong gia đình nối nghiệp voi mà cha mẹ truyền lại. Câu chuyện trở thành “bác sĩ” của voi xuất phát từ cái chết của voi Khăm Bun nổi tiếng.

"Người ta không hiểu được rằng voi không giống với bất kỳ động vật nào khác nên không phải cứ thuốc thang vào là sẽ khỏi"

ĐÀNG NĂNG LONG

Ông Long kể: Vào thời điểm tháng 12-2006, một chú voi trẻ bị lạc đàn và dính bẫy, chân bị thương rất nặng được Ama Bích - một thợ săn voi rừng nổi tiếng ở Buôn Đôn - bắt về trong một lần lên rừng. Tuy nhiên, tại thời điểm này do Nhà nước đã có lệnh cấm bắt voi rừng nên Khăm Bun được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quyết định đưa về để trở thành “diễn viên tương lai” trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Do vết thương ở chân quá nặng nên sau khi ra Hà Nội, sức khỏe của Khăm Bun ngày càng yếu dần. Là người đã bên cạnh Khăm Bun từ ngày mới về buôn để điều trị vết thương và thuần dưỡng cho voi quen dần với cuộc sống bên con người, ngày nào ông cũng gọi điện hỏi thăm và hết sức đau lòng khi biết Khăm Bun đang yếu đi từng ngày. Không đành lòng, ông đã bắt xe ra tận Hà Nội. Thấy ông, Khăm Bun nhận ra ngay, nó phục người xuống, dùng chiếc vòi âu yếm người chủ cũ.

“Đó cũng là lần cuối cùng mà tôi gặp lại nó, nhìn cách người ta chữa trị cho Khăm Bun tôi đã lường trước được mọi chuyện. Người ta không hiểu được rằng voi không giống với bất kỳ động vật nào khác nên không phải cứ thuốc thang vào là sẽ khỏi”- ông tiếc nuối. Vài tháng sau, voi Khăm Bun chết.

Sau cái chết của Khăm Bun, ông quyết dành hết thời gian và tâm huyết để cố chăm sóc cho đàn voi còn sót lại tại các thôn buôn. Không kể voi của mình hay voi của ai, hễ có ai báo voi bị ốm là ông tức tốc tìm đến.

Ông tâm sự: “Phương thuốc bí truyền mà mình thường truyền lại cho các nài voi trẻ và trong mỗi lần đi thăm voi là hãy yêu thương voi như yêu bản thân mình. Lúc voi ốm đau, ngoài việc phải chữa chạy kịp thời thì người chủ cũng phải luôn ở bên động viên, vỗ về âu yếm để voi chóng lành bệnh”.

Còn nhớ tháng 6-2007, con voi cái H’Banh của nhà Ma Khôi (buôn Jun, huyện Lắk) trên đường đi kéo gỗ đã bị thân cây lớn đè lên chân. Voi ốm, Ma Khôi buồn ra mặt, ông tìm đủ mọi cách để chạy chữa nhưng đành bất lực. Sáng hôm đó, Ma Khôi chạy đến nhà ông Long cầu cứu. “Bác sĩ” Long liền tức tốc bỏ cả việc làm để đến chẩn bệnh cho H’Banh.

Biết vết thương nhẹ nhưng do chữa trị không kịp thời, ông Long đã phải ở cùng gia chủ nhiều ngày, vừa vỗ về chú voi ốm vừa kết hợp với các vị thuốc gia truyền được cha truyền lại. Hai tuần sau voi gượng dậy ăn được. Hóa ra vết thương của H’Banh rất nhẹ nhưng chính sự thiếu quan tâm của gia chủ đã khiến H’Banh “tâm bệnh”.

Nỗi lòng người yêu voi

Vào thời điểm những năm 2008 trở đi, trước sự cuồng tín của nhiều người cho rằng đeo nhẫn lông đuôi voi sẽ chữa được bách bệnh và đem lại may mắn, đàn voi nhà còn sót lại ở Đắk Lắk đứng trước áp lực bị dòm ngó và truy sát của giới trộm voi. Mặc dù giữ voi hết sức cẩn thận nhưng tháng 8-2008, chú voi H’Khun của ông cũng trở thành nạn nhân của một vụ chặt trộm đuôi hết sức đau lòng.

Rời ghế giám đốc để lo cho voi

Đàng Năng Long năm nay 43 tuổi. Cuối năm 2011, đang yên lành ngồi ghế giám đốc khu du lịch sinh thái Hồ Lắk, ông xin tạm nghỉ để về nhà lo việc... voi! Ông đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để dựng ngôi nhà truyền thống của người M’Nông nằm cạnh bên khuôn viên khu du lịch sinh thái Hồ Lắk.

Mục đích chính của ngôi nhà này là làm nơi trưng bày các vật dụng truyền thống của người đồng bào bản địa và là nơi tụ họp các nài voi, tổ chức các lễ cúng tâm linh liên quan đến voi hằng năm.

Ông kể sáng sớm hôm đó như thường lệ ông lên rừng thì bỗng thấy H’Khun gào rống và liên tục quay vòng tròn, máu chảy đỏ cả một vùng cỏ, chiếc đuôi phía sau đã bị chặt đứt một khúc dài bằng nửa cánh tay. Biết voi bị kẻ ác bức hại để trộm đuôi, ông liền chạy đi tìm vải băng bó vết thương và ngược lên rừng tìm lá thuốc.

Ròng rã gần bốn tháng trời sau đó, Đàng Năng Long phải bỏ cả việc để chạy chữa cho H’Khun khỏe lại. Tuy nhiên, H’Khun không phải là chú voi duy nhất của Đàng Năng Long bị kẻ trộm bức hại. Ông kể liên tiếp ngay sau đó, hai chú voi khác của mình là Pắk Lanh và H’Túc cũng bị trộm chặt đuôi. Một lần nữa ông lại phải mất ăn mất ngủ, bỏ công bỏ của để chạy chữa cho voi, cứu những con vật vô tội trước sự tàn nhẫn và lòng tham của con người.

Theo ông Long, hiện voi nhà Tây nguyên không chỉ đối diện với nguy cơ hạ sát, mà nguy cấp hơn đó là việc môi trường sống bị thu hẹp, tình trạng bóc lột sức lao động. Ông Long nói, người dân sở hữu voi vì cái nghèo mà phải bắt voi đi chở khách quá sức để đổi lấy tiền đã đành, nhiều chủ có của ăn của để nhưng cứ sống bám vào voi, coi voi như “cái máy hái ra tiền”, vắt kiệt sức voi, bắt làm mà bỏ bê chăm sóc, thiếu sự gần gũi và yêu thương con vật.

“Có lần tôi đi vào một khu du lịch nghỉ ngơi thì thấy voi bị buộc trên khu đất trống trơn, gầy rộc, ốm yếu, nhìn mà đau như chính mình bị giam cầm bỏ bê vậy. Lúc đó cổ họng tôi nghẹn đắng, không tài nào nuốt nổi một bát cơm, đành phải bỏ dở chuyến nghỉ ngơi để ra về sớm” - ông kể.

Ông Long nói hiện ông đang trăn trở hai điều: đó là làm sao để đàn voi của ông có thể sinh sản được và một khi ông qua đời thì đàn voi vẫn còn sống, chúng sẽ làm bạn với ai. Việc thứ nhất, ông đã tính đến việc đưa voi vào một khu rừng rộng để thả cho voi có không gian “yêu đương” để có voi con, nhưng đây là việc lâu dài và chưa thể nói trước được điều gì. Còn việc thứ hai, ông đã hướng đến việc giao lại đàn voi cho một người đủ tâm và đủ hiểu biết, người đó có thể không phải là máu mủ của gia đình ông.

“Tôi đã nhận rất nhiều thiếu niên trẻ về làm con nuôi và giao voi để làm bạn, có thể một ngày nào đó, một trong số họ sẽ tiếp quản đàn voi để tôi có thể an lòng”.

* Ông Huỳnh Trung Luân (giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk):

“Môi trường sống nhiều áp lực như bây giờ khiến chuyện voi ốm đau đã trở thành... chuyện bình thường, nhưng với Long, chỉ cần một bữa voi bỏ ăn cũng trở thành chuyện lớn khiến anh phải mất ăn mất ngủ. Mình và Long mới cộng tác với nhau chưa đầy một năm nhưng lần nào đi làm việc cùng nhau cũng trở thành kỷ niệm, bởi cả hai cùng có một tình yêu dành cho những con vật to lớn này. Hiện số nghệ nhân chuyên về voi trên Đắk Lắk còn khá nhiều nhưng những người vừa nắm tính nết voi vừa biết “bốc thuốc chữa bệnh” như nghệ nhân Đàng Năng Long thì chỉ còn lại vài ba người”.

* Ông Lê Văn Hà (giám đốc khu du lịch sinh thái Hồ Lắk):

“Tôi không bao giờ quên được câu chuyện Đàng Năng Long đóng giả làm “đầu nậu” cần tìm mua đuôi voi thật để truy tìm những kẻ chặt trộm đuôi voi. Ông lang thang lần dò hàng tháng trời khắp các khu du lịch, các cửa hàng quán xá và biết được thông tin về nhóm trộm này. Như mẻ lưới đã được giăng sẵn, một đêm giữa tháng 7-2010, khi cả nhóm trộm đang thực hiện một vụ trộm đuôi voi ở huyện Lắk thì bị ông cùng các cơ quan chức năng bắt quả tang. Nhóm này sau đó đã bị Tòa án nhân dân huyện Lắk xử tù về hành vi trộm cắp tài sản”.

* Ông Y Thanh Uông (nài voi ở khu du lịch Hồ Lắk):

“Long chữa bệnh cho voi hay lắm. Một lần tôi cùng Đàng Năng Long qua Đà Lạt chơi thì nhận được một cuộc điện thoại từ Ama Mứ ở buôn Niêng. Ama Mứ thảng thốt bảo rằng con voi nhà ốm nhiều ngày có nguy cơ không thể qua khỏi. Nghe xong, Long chỉ cười rồi nói rằng con voi này bị say nắng, chỉ cần về cho ăn nhiều cà rốt và cho nghỉ ngơi vài ngày là khỏi. Ama Mứ nghe thế về liền làm theo, không ngờ chỉ vài ngày sau voi khỏe lại. Hay cách đây không lâu chú voi Bun Nang của tôi đổ bệnh, một mắt bị sưng mủ, còn mắt kia thì bị “cận thị” khiến voi không thể lội sông được. Cả nhà chữa không được bèn tặng cho Long. Bun Nang về tay Long chỉ vài tháng đã khỏe lại. Ở đây nhiều người phục cái tài của Đàng Năng Long lắm”.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên