Có rất nhiều chuyến công tác tại Việt Nam vào dịp giáp tết, khi những người Việt ở khắp nơi trên thế giới sum vầy, quây quần chờ đợi thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới thì cũng là lúc máy bay cất cánh, đưa ông Ca về lại Hoa Kỳ, rời xa bầu trời xứ sở. Nhìn vào khối lượng công việc Trần Văn Ca đã làm, nhiều người đã ví ông như một cỗ máy làm việc không biết mệt mỏi. Phải. Ông là một cỗ máy, nhưng là cỗ máy chạy bằng năng lượng là lòng bác ái.
Giữa hai làn đạn
Phóng to |
Ông Trần Văn Ca (bìa phải) tại buổi đo khám đo chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình miễn phí do VNAH tài trợ hôm 19-2 tại Cần Thơ |
Năm 1989, ông Trần Văn Ca về thăm quê hương. Sau mười lăm năm im tiếng súng, đất nước vẫn còn ngổn ngang những khó khăn. Những cảnh đời bất hạnh khiến ông bị sốc. Ý nghĩ phải làm một điều gì đó cho đồng bào nhen lên như một đốm lửa, cháy âm ỉ trong lòng người con xa xứ.
Năm 1990, tổ chức Vietnam Assistance for the Handicapped (VNAH) ra đời, đặt trụ sở tại bang Virginia. Quyết định của ông đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính những người thân trong gia đình, bạn bè. Ai sẽ quán xuyến hệ thống năm nhà hàng mà ông gầy dựng từ hai bàn tay trắng? Sự an nguy của ông và gia đình? Thành lập một tổ chức hỗ trợ Việt Nam, dù cho đó là những người khuyết tật, trong một cộng đồng người Việt còn mang trên vai gánh nặng quá khứ, hai quốc gia chưa nối lại bang giao cũng giống như tự tròng vào cổ mình án tử hình. Để làm những điều tốt đẹp, phải sống còn trước đã.
Tuy nhiên, ông Ca lại bắt đầu từ điểm xuất phát khó nhất: Tìm cách tiếp cận và tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ và Hội Thương phế binh Hoa Kỳ (Disabled American Veterans - DAV). Trong tổng số khoảng một triệu hội viên của DAV thì có đến 400 ngàn người đã để lại một phần thân thể tại chiến trường Việt Nam. Lý do ông đưa ra là hỗ trợ những thương phế binh dưới chế độ cũ và những người dân bị thương tật do chiến tranh gây ra.
Song song với việc vận động chính phủ Hoa Kỳ, ông gõ cửa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam trình bày nguyện vọng. Sự kiên trì và nhiệt tâm trong sáng của ông cuối cùng cũng xóa tan những nghi ngại từ hai phía (đổi lại, hệ thống nhà hàng đang ăn nên làm ra lần lượt sang tên đổi chủ). Năm 1992, ông được phép đưa hai đoàn cựu chiến binh qua Việt Nam, thăm Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng tại Cần Thơ - một cơ sở sản xuất chân, tay giả dành cho người khuyết tật thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Chuyến đi thực tế đã đánh thức tình người giữa những con người từng đứng ở hai chiến tuyến.
Sau trên hai năm được Bộ LĐ-TB&XH cho phép hợp tác với Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng Cần Thơ để thực hiện chương trình làm chân tay giả tặng miễn phí cho người khuyết tật, Hội VNAH được tổ chức DAV tặng ba chục ngàn USD. Vào cuối năm 1993, Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Leahy (The Leahy War Victims Fund - LWVF) tài trợ cho VNAH 275.000 USD cho việc đào tạo và nâng cao tay nghề của đội ngũ nhân viên của Trung tâm Phẫu thuật và Chỉnh hình Cần Thơ.
Ông Ca nói: “Nhập chân tay giả từ nước ngoài rất đắt, VNAH không kham nổi. Việc trung tâm sản xuất được chân tay giả sẽ khiến giá thành hạ đáng kể, nhờ vậy mà giúp được nhiều người khuyết tật hơn”. Sau tháng 4-1975, một con số mà Bộ LĐ-TB&XH nhiều lần nhắc đến là tại Việt Nam có khoảng 250.000 người bị cụt chi. Nếu áp dụng các tiêu chuẩn mới về người khuyết tật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì hiện Việt Nam có khoảng 15 triệu người khuyết tật nói chung.
Nhìn rộng ra, tài trợ của LWVF là một bước đột phá, chứng tỏ nhân dân Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc đến vấn đề người khuyết tật tại Việt Nam. Leahy War Victim Fund là một “quỹ” từ thiện đặc biệt của Quốc hội Hoa Kỳ do thượng nghị sĩ Patrick Leahy (bang Vermont) thành lập từ năm 1989. Cho đến nay, LWVF đã tài trợ gần 200 triệu USD cho các dự án hỗ trợ nạn nhân chiến tranh tại 20 quốc gia đã có chiến tranh trên toàn thế giới.
LWVF thường tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) có dự án hỗ trợ nạn nhân chiến tranh và sự tài trợ được thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) giám sát chặt chẽ. Tại Việt Nam, LWVF đã tài trợ cho sáu tổ chức phi chính phủ, duy chỉ có VNAH duy trì được sự tín nhiệm và ủng hộ của quỹ này. Tháng 1/2009, LWVF đã tài trợ thêm cho VNAH 1,8 triệu USD, còn bản thân thượng nghị sĩ Leahy đã hai lần đến thăm một số hoạt động của VNAH tại Việt Nam.
Trong hai ngày 19 - 20-2-2009, VNAH đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang tổ chức tặng trên 300 xe lăn, xe lắc và làm chân giả cho trên 700 người khuyết tật. Ngày 5-3-2009, VNAH tiếp tục tổ chức trao tặng 50 xe lăn xe lắc và đo khám 100 bộ chân, tay giả cho người khuyết tật tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắc Nông.
Ông Trần Văn Ca cho biết: “VNAH giao cho Sở LĐ-TB&XH và các trung tâm chỉnh hình - phục hồi chức năng việc thông báo và lập danh sách người khuyết tật có nhu cầu và gửi cho hội. Chúng tôi chỉ yêu cầu việc thông báo phải sử dụng phương tiện rộng rãi như truyền hình, phát thanh, đăng báo và gửi thư mời trực tiếp để đảm bảo ai có nhu cầu cũng biết. Chúng tôi muốn địa phương giúp cho việc lập danh sách vì chính họ mới biết được ai cần giúp đỡ để tránh sự trùng lắp”.
Cũng trong năm 1993, ông Trần Văn Ca thành lập thêm tổ chức Thiện nguyện Y tế và Giáo dục (Health and Education Volunteers - HealthEd, thu hút các bạn trẻ, chủ yếu là Việt kiều, về nước tham gia các chương trình thiện nguyện như xây nhà tình nghĩa, khám bệnh miễn phí, dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo… Phần lớn những tình nguyện viên của HealthEd đều lớn lên trên nước Mỹ. Họ suy nghĩ độc lập, không bị day dứt bởi những định kiến chính trị.
HealthEd phối hợp với các hoạt động của VNAH, thực hiện các dự án chuyên về giáo dục và y tế như xây dựng trường tiểu học ở vùng sâu vùng xa, tổ chức đưa các đoàn bác sĩ, nha sĩ, sinh viên trong cộng đồng người Việt ở Mỹ về tham gia các hoạt động nhân đạo tại nhiều nơi trong nước. Chính phủ Mỹ khuyến khích phong trào tình nguyện xã hội (volunteer, community services). Chương trình tình nguyện phục vụ xã hội là một bộ môn bắt buộc trong hầu hết hệ thống giáo dục ở Mỹ từ tiểu học trở lên.
Ông Ca nói: “Ai chẳng có quê hương, chẳng yêu quê hương cho dù nơi đó xa xôi và còn rất nghèo. Tôi biết rất rõ, trong tiềm thức hầu hết người Việt ở hải ngoại đều yêu Việt Nam như tôi và lúc nào cũng canh cánh trong lòng những kỷ niệm về thời ấu thơ cho dù hiện đang có một cuộc sống khá sung túc”.
Sắp có bộ luật về người khuyết tật
Phóng to |
Từ trái qua: Nguyên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Tâm Chiến, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu, TNS Patrick Leahy và ông Trần Văn Ca |
Không chỉ dừng lại ở những hoạt động thiện nguyện, VNAH còn đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với người khuyết tật Việt Nam. Đây cũng là một vấn đề được Quốc hội Mỹ đặc biệt quan tâm. Cụ thể, từ năm 2006, Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân chiến tranh Leahy đã tài trợ cho VNAH một hoạt động trị giá trên 3 triệu USD nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình soạn thảo bộ luật dành cho người khuyết tật.
Để thực hiện chương trình này, VNAH đã và đang mời nhiều chuyên gia Mỹ có kinh nghiệm về xây dựng luật và chính sách cho người khuyết tật đến Việt Nam để góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm với ban soạn thảo luật về người khuyết tật do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì.
Hội hỗ trợ Người khuyết tật Việt Nam đang tích cực hỗ trợ ban soạn thảo luật tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của nhiều ban ngành, tổ chức và cộng đồng người khuyết tật để hoàn thiện bộ luật trên.
Theo kế hoạch, bộ luật sẽ được Quốc hội phê duyệt vào tháng 10-2009. Ông Ca cho biết: “Hầu hết lãnh đạo Quốc hội Mỹ có liên quan đến Việt Nam nói riêng và người dân Mỹ nói chung đều rất ủng hộ những dự án thuộc dạng này vì việc ban hành luật về người khuyết tật sẽ có những ảnh hưởng tích cực và trực tiếp đến hàng chục triệu người khuyết tật. Nỗ lực hợp tác chặt chẽ giữa VNAH và các ban ngành trung ương trong hoạt động này. Bộ luật này cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng người khuyết tật”.
Những năm tháng sung mãn nhất của cuộc đời Trần Văn Ca dành trọn cho công tác thiện nguyện. Hỏi Trần Văn Ca có cảm thấy mệt mỏi, ông trả lời: “Thực ra ban đầu tôi chỉ định làm nho nhỏ, tùy thuộc vào khả năng tài chính của mình. Nhưng rồi công việc cứ cuốn mình đi. Một phần vì các dự án còn dang dở, dự án này chưa xong thì dự án khác đã tới, phần khác là do tôi vẫn đang tiếp tục tìm người thay thế mình. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để làm thiện nguyện là sự trung thực và không vụ lợi. Mặt khác, lâu lâu VNAH lại nhận được những khoản tiền “trên trời rơi xuống”.
Chẳng hạn, cách nay khoảng sáu tháng, tiến sĩ Charles Bailey, giám đốc một chương trình đặc biệt của Quỹ Ford về nạn nhân chất độc da cam (Ford Foundation Special Initiative on Agent Orange/Dioxin), đã tự đến và tìm hiểu trực tiếp về hoạt động của VNAH tại nhiều địa phương rồi quyết định tài trợ 750.000 USD cho VNAH để tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho người khuyết tật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận