10/12/2014 12:41 GMT+7

“Nhiệm vụ số 1 của Đắk Lắk là ổn định chính trị”

HÀ BÌNH - L.Đ.DỤC - H.VĂN - N.V.HẢI - X.NGUYÊN
HÀ BÌNH - L.Đ.DỤC - H.VĂN - N.V.HẢI - X.NGUYÊN

TTO - Sáng 10-12, tại nhiều tỉnh thành phố khắp cả nước đã diễn ra kỳ họp hội đồng nhân dân. Theo đó, nhiều vấn đề được đặt ra tại các kỳ họp này.

Bà Tòng Thị Phóng - ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Quốc hội – phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk sáng 10-12 - Ảnh: Trung Tân

Tại kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa VIII, bà Tòng Thị Phóng - ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Quốc hội, nói: “Trước khi tôi về đây dự kỳ họp này, có trao đổi ý kiến với đồng chí tổng bí thư, đồng chí chủ tịch Quốc hội. Các đồng chí căn dặn đối với Đắk Lắk, nhiệm vụ số 1 phải đảm bảo sự ổn định chính trị, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần thành công chung xây dựng Tây nguyên giàu mạnh”.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tỉnh Đắk Lắk cần “đặc biệt quan tâm hơn nữa đào tạo, chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận trong những năm tiếp theo”.

Quảng Trị tụt hạng PCI từ 13/63 xuống 58/63  

Tân chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính đã  trả lời một số vấn đề các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn, trong đó có chất vấn của ông Lê Hữu Phúc, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, về lý do sụt giảm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Trị trong năm 2013.

Nếu như năm 2010, PCI của Quảng Trị xếp thứ 16/63 tỉnh thành; năm 2011: 13/63; năm 2012: 37/63 thì đến năm 2013, Quảng Trị nằm trong  nhóm gần “đội sổ” với chỉ số PCI xếp thứ 58/63 tỉnh thành trong nước.

Trả lời vấn đề này, chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính đã cho biết có yếu tố khách quan là các doanh nghiệp ở Quảng Trị hầu hết quy mô vừa và nhỏ nên chịu ảnh hưởng lớn khi nền kinh tế suy giảm.

Mặc dù những khó khăn của doanh nghiệp Quảng Trị cũng là khó khăn chung của cả nước , song khả năng ứng phó, giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp ở những địa bàn có vị trí địa lý thuận lợi hơn có xu hướng thích ứng tốt hơn.

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến chỉ số PCI của Quảng Trị sụt giảm, trong đó có việc cải cách hành chính chuyển biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh còn nhiều hạn chế.

Nghệ An: Thu ngân sách 7.400 tỷ đồng, chi tới 17.872 tỷ đồng

Ông Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nhận định: “Mặc dù các chỉ tiêu đề ra đều đạt kết quả khả quan, thậm chí vượt mức kế hoạch đề ra nhưng cũng có những tồn tại đáng ngại".

Trong đó, việc thu- chi ngân sách chưa cân đối được, thu chỉ đạt 7.400 tỷ đồng nhưng chi ngân sách tới 17.872 tỷ đồng.

"Với đà này (kế hoạch mỗi năm thu ngân sách tăng 1.000 tỷ) thì tới 10 năm nữa chúng ta mới cân đối được thu chi", ông Phớc nói.

Ông Hồ Đức Phớc cũng băn khoăn khi cho rằng cách triển khai các dự án trên địa bàn, các dự án sử dụng vốn ODA còn chậm (như dự án của JIKA - Nhật Bản với số vốn 5.000 tỷ đồng, dự án của Ngân hàng Thế giới với vốn 2.500 tỷ đồng… chưa giải ngân được), dự án VSIP 6 (khu công nghiệp VN-Singaporre 6) đến nay vẫn chưa triển khai...

Giám đốc công an tỉnh Bình Định không có phiếu tín nhiệm thấp

56/59 đại biểu HĐND tỉnh Bình Định khóa 11 đã tham gia lấy phiếu tín nhiệm đối với 13 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

Theo đó, người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là ông Nguyễn Thanh Tùng, phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, với 49 phiếu, chiếm tỉ lệ 83,05% so với tổng số đại biểu.

Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là bà Huỳnh Thủy Vân, trưởng Ban văn hóa – xã hội HĐND tỉnh, với 6 phiếu, chiếm tỉ lệ 10,16% so với tổng số đại biểu.  

Đặc biệt, thiếu tướng Phan Văn Thanh, giám đốc Công an tỉnh Bình Định, là người duy nhất không có phiếu tín nhiệm thấp nào.

  

HÀ BÌNH - L.Đ.DỤC - H.VĂN - N.V.HẢI - X.NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên