27/01/2011 11:54 GMT+7

Ba tôi

BÀI DỰ THI NÉT BÚT TRI ÂN
BÀI DỰ THI NÉT BÚT TRI ÂN

TTO - Ba bị chấn thương sọ não sau một tai nạn ác nghiệt. Thế mà từ ngày hồi phục, ba đã làm rất nhiều nghề, từ thợ hồ, đến gánh bùn thuê, rồi làm ở xưởng cưa… không bao giờ tôi nghe ba than vãn.

Tôi thương ba nhưng chưa một lần nói ra rằng: “Con biết ơn ba, con cảm ơn ba”. Nhiều lúc nghĩ lại thấy mình thật đáng trách, biết nói cảm ơn với bạn bè, thầy cô, thậm chí với người lạ. Thế mà lời cảm ơn đơn giản ấy tôi lại không thể nói với ba.

32wus38i.jpgPhóng to
Ảnh minh họa của trang thiệp điện tửTTO

Hồi còn học lớp hai, ba là người dạy cho tôi học thuộc bảng cửu chương. Hồi đó trước khi đi làm ba viết một vài phép nhân trong bảng cửu chương lên vách nhà và bảo tôi học thuộc, khi đi làm về ba sẽ kiểm tra. Ngày đầu tiên, tôi ham chơi, là con gái nhưng chỉ thích trèo lên cây na trồng ở sân, hát cả ngày. Đến lúc ba về, ba không la, không đánh mà chỉ hỏi: “Cả ngày nay con làm những gì?".

Tôi nói: “Con trèo lên cây na cho mát”. Ba cười : “Cuối tháng có lương ba sẽ mua cho con gái ba một cái váy, con gái mặc váy đẹp là không được leo trèo như con trai mà phải chăm chỉ viết chữ, học giỏi nghe không?”. Lúc ấy, không biết lời nói của ba có ý nghĩa gì nhưng chỉ cần nghe đến có hình bóng cái váy đẹp trong đó là tôi đã mê mẩn và “dạ” một tiếng rất to. Ba lại đưa cho tôi một quả khế ngọt mà ba hái ở chỗ làm.

Sung sướng vì không bị la, vì được ăn khế và được ba hứa sẽ mua váy. Mấy ngày sau đó, thay vì trèo lên cây na hát thì tôi trèo lên cây na đọc bảng cửu chương. Kết quả là mới học lớp hai tôi đã thuộc nằm lòng bảng cửu chương của anh chị lớp ba và hơn hết là tôi có một chiếc váy đầu tiên trong đời. Tôi không còn trèo cây như con trai nữa vì ba nói: “Con gái ba phải dịu dàng” mà.

Ngày ấy đi học đối với tôi là một niềm vui, là vì trên đường từ nhà đến trường tôi phải băng qua một con suối, suối nhỏ thôi nhưng phải vất vả lắm tôi mới qua được. Ba biết điều đó cho nên ngày nào cũng dẫn tôi đi học, trên đường đi ba thường đọc to những câu ca dao cho tôi đọc theo hay kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Tôi rất thích thú cho nên chuyện đến trường đối với tôi hồi đó không hề đáng sợ như những bạn khác.

Lên cấp hai, tôi được thầy dạy thể dục xung quân vào đội điền kinh của trường để đi thi Hội Khỏe Phù Đổng. Hôm đi thi ba chở tôi đi trên chiếc xe đạp “lịch sử”, vừa đi ba vừa động viên tôi cố gắng hết sức thi cho tốt. Tôi cũng hứa với ba là sẽ không làm ba thất vọng. Thế nhưng khi vào đường đua, mới chạy được mấy mét tôi lại trượt chân ngã một cái đau điếng. Thua cuộc, tôi khóc to hết mức, gào thét inh ỏi trên vai ba.

Ba nhìn tôi cười và nói: “Con biết không, khi mà chúng ta bị sao chổi ghé thăm thì chúng ta sẽ thất bại như thế đấy. Chẳng qua là do đêm hôm qua một ngôi sao chổi nào đó vô tình tạt vào giấc ngủ của con thôi”. Tôi lập tức nín khóc và bị thu hút vào câu chuyện của ba, tôi nói: “Nghĩa là sao vậy ba?” , “Nghĩa là hôm nay con thua không có nghĩa là con dở.

Thất bại là mẹ của thành công, con hiểu không?”. Có lẽ lúc đấy tôi không hiểu lắm cho nên tôi đã hỏi lại ba: “Thất bại là mẹ của thành công hả ba?”, “ừ” , “thế cái gì là cha của thất bại vậy ba?”. Ba lại cười. Bây giờ mỗi khi cố chuyện gì làm tôi buồn tôi luôn nghĩ rằng “Chẳng qua là mình đang được sao chổi ghé thăm đấy thôi”.

Lên cấp ba, như bao bạn bè cùng lứa, tôi đi học thêm rất nhiều, những buổi học thêm của tôi toàn là vào buổi tối, học đến chín giờ đêm mới được ra về. Hồi ấy nhà tôi ở rất rất sâu trong một con dốc nhỏ. Dốc khá cao và nằm giữa hai hàng cây thông cực kì huyền bí nếu không muốn nói là rùng rợn.

Đã thế muốn về đến nhà tôi còn phải đi qua một cái miếu không biết là thờ ai mà ngày cũng như đêm lúc nào khói hương cũng nghi ngút. Ba vẫn chở tôi đi đi về về mãi cho đến hết năm lớp mười. Đến năm lớp mười một, ba đưa ra một quyết định khiến tôi vô cùng "lo sợ": đó là mua cho tôi một chiếc xe đạp. Điều đó đồng nghĩa với việc là đêm nào tôi cũng phải đi về một mình qua con hẻm đáng sợ kia. Tôi rất thương ba suốt ngày đi làm vất vả, tối về lại còn phải đi đón tôi cho nên tôi vui vẻ đồng ý mà trong lòng lo lắng không tả nổi.

Ngày đầu tiên đi một mình qua con dốc ấy, tôi phóng xe nhanh hết mức có thể, nhìn thẳng đường đi một mạch. Về đến nhà, tôi thở không ra hơi nữa, may mà thời tiết Đà Lạt ban đêm lạnh tê tái chứ nếu tôi ở xứ nóng thì mồ hôi đã chảy ròng ròng. Tôi vừa về được một lát thì cũng thấy ba ở ngoài cổng đi vào trên tay cầm một bịch sữa đậu nành nóng cho tôi uống. Tôi cứ thực hiện chiến lược “chạy thật nhanh” ấy được vài hôm thì cảm thấy chẳng có gì đáng lo ngại ở cái con hẻm mà tôi cho là huyền bí đó.

Tôi quyết định đi với tốc độ bình thường. Từ đó về sau, con hẻm kia không còn là rào cản khiến tôi ngại đi học nữa, thậm chí tôi còn thấy thú vị mỗi lần đi qua đó. Tôi thấy ba rất vui vì tiến bộ của tôi. Mãi sau này tôi mới nghe mẹ kể lại rằng ông đã luôn đi theo sau tôi để chắc rằng không có chuyện gì xảy ra với tôi cả. Lúc phát hiện ra chuyện ấy, tôi thật sự xúc động và trong lòng cất lên ngàn lời cảm ơn ba. Ba muốn tôi tự bước đi trên đôi chân của mình nhưng không bỏ mặc tôi, vẫn lo lắng quan tâm đến tôi.

Ngày tôi đậu đại học cũng là ngày tôi nhìn thấy giọt nước mắt lấp lánh trên đôi mắt ba. Tôi biết ba tự hào lắm lắm về con gái ba. Đêm trước ngày tôi lên xe đi thành phố nhập học, là đêm mà tôi không ngủ được vì khấp khởi vui mừng, hồi hộp. Giữa đêm thức dậy uống nước, tôi ra phòng ngoài và nhìn thấy ba ngồi đó, lặng thinh giữa làn khói thuốc nghi ngút. Ba rất ít hút thuốc, hút thuốc có nghĩa là ba đang suy nghĩ. Nhìn ba ngồi đó, gương mặt đầy những vết chai sạm dường như gầy hơn dưới ánh sáng leo loét.

Tôi đứng chôn chân, không nói lên lời. Tự trách mình tại sao sắp xa ba mẹ, gia đình thân yêu mà tôi lại vui mừng, lại hồi hộp mong đến ngày mai???. Lúc ấy, tôi muốn chạy đến ôm ba mà nói rằng: “cCn thương ba mẹ, con không muốn xa ba mẹ, con cảm ơn ba, cảm ơn mẹ…”, bao nhiêu là lời muốn nói. Từ đáy sâu tâm hồn tôi, ba mẹ luôn là những người cao cả nhất, vĩ đại nhất, đáng kính nhất, là người thầy, người cô đầu tiên của cuộc đời tôi.

Hình ảnh ba tôi đêm đó không thể phai nhạt trong tâm trí tôi. Hình ảnh ấy luôn hiện lên vực tôi dậy sâu mỗi lần tôi vấp ngã. Ba ơi, con biết những gì ba làm cho con không mong con đền đáp cũng không mong con biết ơn, và con biết rằng con không thể nào đền đáp hết công lao, tấm lòng trời biển ấy. Những dòng này con viết ra chỉ một phần nào đó nói lên tấm lòng của con. Con cảm ơn ba.

Viết về ba…

Con biết rằng, ngày con chào đời, là ngày nhà mình buồn nhất. Ngày con chào đời, cũng là ngày ba bắt đầu uống thật nhiều rượu- vì con là con gái. Và con thì chỉ là một đứa trẻ để căm hận ba mình. Con háo hức cuối tuần mẹ cho hai chị em con đi vườn trẻ, nhìn vào lốp xe thì xe đã bị chọc tan săm. Con sợ! Có những buổi con phải nằm núp trên mái bếp trốn đòn và ngủ thiếp đi trong cơn mộng mị ba bị say cầm cái gì đó đe giết mẹ con con. Con luôn hét lên giận dữ: “tôi hận ông”rồi bỏ chạy… Một tuổi thơ có những kỷ niệm kinh hoàng

Con luôn ước ba đừng say xỉn.

Lúc ba không say, ba mang con đi theo chân ba khắp cánh đồng đơm cá, chặt tre, đánh bẫy chim chèo bẻo. Con còn nhớ khung cảnh hoàng hôn, mặt trời đỏ rực như lửa; ba đi gỡ bẫy chim còn con đứng trên bờ ruộng nhảy múa tưởng tượng mình là một nàng công chúa Lizo, còn đàn chim chèo bẻo kia là bầy hoàng tử đội lốt thiên nga xà xuống bên con…

Lúc ba không say, ba ngồi chặt tre cho mẹ đan rổ, con ngồi đó ê a đọc đi đọc lại bài tập đọc. Ba mẹ đếm mỗi lần đọc của con bằng một cái mấu tre, cứ 10 mấu tre là con thuộc bài.

Con nhớ niềm tự hào của ba đi khoe mọi người khi con báo tin con thừa điểm vào đại học trong khi xóm mình mấy thằng bằng tuổi con được học gia sư tốn kém biết bao tiền mà không thi được. Ba hớn hở: “Con trai làm gì?”. Con chợt cười- “Đúng là ba!”. Con nhớ cái dáng ba đứng đợi con đi học xa nhà về giữa trưa hè nắng. Xe non hơi không lai được con, vậy là ba dắt xe còn con cầm ô, cứ thế ba con mình “bóng cha dài lênh khênh, bóng con tròn chắc nịch” trên con đường làng quanh co về nhà.

Năm thứ 3 Đại học, lớp con tổ chức đi Yên Tử. Cả lớp lạc nhau, xe bị hỏng giữa đường, điện thoại con mất liên lạc. Đêm ấy con đã không về nhà kịp mà ngủ lại giữa rừng. Con trở về, ba đã khóc, đó là giọt nước mắt đầu tiên ba khóc trước mặt con. Ngày con bước chân vào Sài Gòn, cả tháng trời nhớ con, mẹ kể ba cứ nhìn lên những tấm hình con chụp để ở bàn học là ba lại khóc.

Ba đã không ăn nổi mỗi lần nhìn nụ cười rạng rỡ của con trên ảnh. Mẹ cất ảnh con nhưng ba nhất định không chịu, để rồi cứ nhìn, cứ nhớ và lại khóc. Con cũng khóc, nhớ ba mẹ thật nhiều. Cơn lũ quét phá hỏng đường tàu Bắc – Nam vừa qua khiến tàu dừng lại, con lại mất liên lạc với ba mẹ lần nữa. Và ba lại khóc, lại quát ầm nhà lên không biết tình trạng con sống chết ra sao, hay đã bị nước cuốn trôi ra ngoài biển cả. Con xuất hiện trước mặt ba mẹ, cả nhà ta nghẹn ngào…

Thời gian cho con hiểu rằng tình phụ tử không gì có thể mất đi, không gì có thể thay thế. Dù ba mình là ai đi chăng nữa- một người kéo xe, một người nông dân, hay một doanh nhân thành đạt, ba vẫn là ba, vẫn chan chứa tình yêu thương. Chỉ có điều cách thể hiện tình yêu là khác nhau mà thôi. Như ba, yêu thương và lo lắng cho con nhưng ba không biết diễn đạt lên lời, chỉ biết quát tháo, mắng mỏ con. Một cách diễn đạt tình yêu thật là tệ biết nhường nào! Nhưng con hiểu, và con càng cảm thấy thương ba. Một tuổi thơ ấn tượng về ba có lúc thật là xấu xí, nhưng nó đã qua…

Sau một tuần làm việc, con lại sắp xếp thời gian chở ba đi ngắm phố, mua chè Ấm Vàng , rồi ngồi uống một cốc bia bên vỉa hè, rồi đi BigC mua bánh mì nóng hổi về làm quà cho mẹ… một cái cảm giác bình an mà con may mắn có được. Mẹ vẫn thường dặn con: “Có vấp ngã thì phải đứng lên ngay, gia đình luôn là chỗ dựa bình an để con quay về”. Phải, con cảm ơn cuộc đời đã cho con là con gái của ba mẹ.

BÀI DỰ THI NÉT BÚT TRI ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên