21/08/2018 10:09 GMT+7

Bà Thông 'lang thang'

HẢI NHẠN
HẢI NHẠN

TTO - Bà là Nguyễn Thị Thông (52 tuổi) không biết đi xe đạp, xe máy, ngày ngày cứ lang thang bằng đôi chân đã chai sần để lượm rác.


Bà Thông lang thang - Ảnh 1.

Ban đêm là lúc bà Thông tranh thủ thu gom phế liệu cho quỹ tình làng nghĩa xóm - Ảnh: HẢI NHẠN

Người dân thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng gọi người đàn bà lam lũ với thân hình nhỏ thó ấy là bà Thông "lang thang".

Lang thang lượm rác

Mặt trời khuất dần sau dãy núi Hòa Bắc, bà Thông trên vai vác chiếc cuốc cùn, một tay kẹp mớ phế liệu cuốn trong chiếc bao tải xù xì áp sát hông tất tả theo lối con đường bê tông nhỏ rẽ về nhà.

Mớ phế liệu là "chiến lợi phẩm" sau một ngày bà dọn đồng thuê thu được hay đôi ba vỏ lon chai bà lúi húi nhặt hai bên đường đi làm về. Hối hả chuẩn bị cơm nước cho chồng con xong xuôi đâu đấy, bà lại vội vã đi. Suốt hai năm nay như thế. Bà cứ đi hết con đường này đến bờ kênh nọ. Đâu có vỏ chai, lon, phế liệu là bà nhặt nhận, thu gom.

Đế đôi dép nhựa dưới chân bà Thông đã mòn lép kẹp. Bà tâm sự bất tiện lớn nhất của mình là không đi được dù là chiếc xe đạp, có đi đâu xa thì phải cậy chồng, con đèo đi. Ấy thế mà khắp triền đất dưới chân núi Hòa Bắc kéo dài dọc đến dãi sông Cu Đê, đâu đâu cũng thấy bóng bà Thông lủi thủi, cặm cụi nhặt nhận mỗi ngày.

Người dân nơi đây không lạ gì bà. Cứ giờ trưa người ta nghỉ ngơi hay khi trời tối sau buổi làm đồng về là bà lại lang thang khắp nơi để nhặt nhận chai lon.

Nhiều ngày giữa trưa, trời nắng chang chang, bà lại tìm đến các điểm tập kết rác, cần mẫn mở từng bọc rác, nhặt từng vỏ chai, vỏ lon và dọn dẹp lại rác vương vãi. Tối đến, bà lại tranh thủ vào các nhà dân, các quán sá bên đường để xin thu gom ve chai rồi ì ạch vác về nhà.

Và rồi, chẳng biết từ khi nào, ngoài cái biệt danh bà Thông "lang thang" người ta còn đặt cho bà là Thông "nhặt rác" hay Thông "móc bọc".

Bà Thông kể rằng nhiều lần mấy nhóm thanh niên trong thôn liên hoan ngoài bờ ruộng, khi tan tiệc cũng một, hai giờ sáng rồi vẫn nhớ gọi cho bà ra lấy vỏ chai lon. Thế là bà cũng lồm cồm bò dậy đi trong đêm.

"Ban ngày thì đi làm, mình có muốn cũng không có thời gian mà lượm. Nhưng mình dân lao động, việc buổi trưa không nghỉ hay thức khuya một chút cũng chẳng có sao, miễn là có nhiều ve chai để tuần đều đều cân ký" - bà Thông cười hiền.

Cũng vì vậy mà ông Trần Thơ - chồng bà nhiều lần cứ nửa đùa nửa thật hỏi bà có dở hơi không. "Hồi bả mới làm, tui tưởng bả khùng thiệt vì cứ trưa nào, tối nào cũng đi lang thang. Rồi sau thấy bà ấy đem mấy con heo đất ra bảo đấy là heo nuôi từ phế liệu bà nhặt được dành làm việc thiện, tui cũng bất ngờ và thương lắm" - ông Thơm nói.

Quỹ tình làng nghĩa xóm

Con heo đất mà ông Thơm nhắc đến ấy là một khoản của nguồn quỹ mà bà Thông gầy từ những chuyến lang thang của mình.

Mỗi tuần hay nửa tháng, bà dồn phế liệu lại bán được khi vài chục, hôm vài trăm ngàn. Số tiền ấy bà cẩn thận kẹp từng đồng vào một cuốn sổ. Có khi là bỏ vào heo đất. Tích tiểu thành đại, cứ như thế số tiền tăng dần ngày này qua tháng nọ. Tiền quỹ có đợt chừng vài chục, rồi dồn được vài trăm, lên cả tiền triệu.

Nhà có 4 miệng ăn trông cả vào hai vợ chồng làm thuê làm mướn bữa đực bữa cái nhưng số tiền bán phế liệu được, tuyệt nhiên bà Thông không bao giờ dùng vào việc chi tiêu trong gia đình. Mỗi lần trong thôn, trong xã có ai ốm đau, bệnh tật hoàn cảnh khó khăn là bà Thông lại trích tiền quỹ từ nguồn phế liệu ấy đi thăm.

Nói về việc làm nghĩa tình của mình, bà Thông không nhận đó là việc thiện mà cho rằng ấy là cái tình làng nghĩa xóm với nhau. Bà bộc bạch: "Trước nay tui vẫn mong được làm gì đó giúp người, giúp đời nhưng cứ đợi khi mình có mới giúp thì biết bao giờ mới có được. Nên chừ lớn cũng tiền, nhỏ cũng tiền, cứ giúp được phần nào thì giúp".

Suốt hai năm qua, số tiền bán phế liệu sau những chuyến lang thang được bà dành trao những hũ gạo tình thương, mấy con heo đất, khi là khoản trợ cấp, món quà nhỏ cho người ốm đau, người già neo đơn không nơi nương tựa.

Mỗi suất quà ấm tình bà Thông trao gửi cùng lời động viên nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn làm ấm lòng những con người cơ cực nơi miền đất khó này.

Cụ Phạm Thị Lục (93 tuổi) sống một mình trong căn nhà sát vách núi vẫn thường rơm rớm mỗi khi nhận phần quà ấm tình từ người hàng xóm tốt bụng: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no nên chi rất quý".

Không chỉ tặng quà, hỗ trợ khi cụ Lục đau ốm mà bà Thông còn thường lui tới động viên, sẻ chia với cụ những ngày gần đất xa trời.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Hồ Văn Phúc nhận định bà Nguyễn Thị Thông là một tấm gương tiêu biểu của xã bằng việc làm giản dị nhưng thiết thực. Không chỉ giúp được bà con xóm giềng, việc làm của bà còn góp phần giữ vệ sinh đường làng ngõ xóm.


HẢI NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên