09/01/2011 12:06 GMT+7

Bà Nguyệt "biến áp"!

Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt
Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt

TT - Bà là một người phụ nữ lừng danh, đã hai lần được tặng giải thưởng Vifotec (Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam), Anh hùng lao động và mới dự Đại hội thi đua yêu nước lần 8 vào cuối tháng 12-2010 tại Hà Nội...

M6A5XOla.jpgPhóng to
Bà Nguyệt bên một đồng nghiệp trẻ trước máy biến áp 500kV - Ảnh nhân vật cung cấp

Nhưng người phụ nữ lừng danh ấy - kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã khiến tôi bất ngờ tại cuộc hẹn chiều 8-1: bà mới đi chợ về, trên giỏ xe đạp có ba cây bắp cải nhỏ. Câu chuyện với bà Nguyệt mở ra cho chúng tôi một thế giới mới về niềm đam mê và cống hiến.

“Tôi là người phụ nữ tham lam...”

"Giá mà có một chính sách gì đó tốt hơn để hỗ trợ cho phát triển khoa học công nghệ"

60 tuổi, đã được nghỉ hưu từ năm 2005 nhưng kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt vẫn đi lại như con thoi, nay Sông Đà, mai có khi lại Ialy, chỉ để sửa chữa máy biến thế. Và những ngày ở Hà Nội, bà “ăn biến áp, ngủ biến áp, mơ cũng biến áp” với những chiếc máy biến áp của mình. Bà Nguyệt chính là tác giả chính của chiếc máy biến áp 110kV đầu tiên (năm 1993), máy 220kV (năm 2003) và năm 2010 là máy 500kV.

“Khi chúng tôi bắt tay vào chế tạo máy biến áp 500kV, chuyên gia Nga sang đã nói chúng tôi đừng tưởng chế tạo được máy 110kV, 220kV mà có thể chuyển sang chế tạo máy 500kV, vì nó hoàn toàn có công nghệ, kết cấu khác”- bà Nguyệt hồi tưởng về những ngày cuối năm 2009 đầu năm 2010, khi bà và các đồng sự bắt tay vào chế tạo máy biến áp 500kV. Và khi bắt tay vào làm, bà mới thấm lời chuyên gia nói. Riêng bản vẽ nội dung máy, bà đã vẽ đến 750 bản, chưa kể chi tiết máy đến hàng ngàn bản. Vì yêu cầu bảo mật thiết kế, tất cả chi tiết từ vật tư, chế tạo, bản vẽ... đều yêu cầu chỉ do người thiết kế chính thực hiện, khiến bà Nguyệt phát khóc.

Năm 1994, khi bà bắt tay vào chế tạo máy biến áp 110 kV, không ai tin VN có thể làm máy biến áp thay thế hàng ngoại. “Chúng tôi nhìn quảng cáo máy biến áp của nước ngoài, xem cái gì học được. Những ngày mày mò, có lúc tưởng như bế tắc khi dây điện mảnh, búi dây to khiến ma sát lớn, cần lồng cố định dây, nhưng ba tháng đổ bao nhiêu công sức vẫn chưa thể tìm được cách làm lồng, tôi tưởng mọi việc phải dừng lại. Rồi một đêm tôi nghĩ rằng tại sao mình không làm chiếc khung, kiểu như lồng. Sáng kiến ấy gần 20 năm nay nhà máy vẫn sử dụng”- bà Nguyệt kể về thời khó khăn đã qua.

Sản xuất được máy biến áp 110kV, giá nhập ngoại lúc ấy hơn 5 tỉ đồng/máy, nhưng máy do bà Nguyệt thiết kế, Công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh sản xuất có giá chỉ hơn 3 tỉ đồng. Mỗi năm nhà máy sản xuất và bán ra thị trường 60-70 máy, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng. Với máy 220kV, giá máy VN với dấu ấn nghề nghiệp của người thiết kế chính Nguyễn Thị Nguyệt cũng rẻ hơn máy ngoại vài tỉ đồng/chiếc.

Và năm 2010, với máy 500kV, giá mỗi chiếc máy sẽ khoảng 140 tỉ đồng. Chiếc máy đầu tiên đang chuẩn bị được thử nghiệm, sau đó sẽ chuyển về Nho Quan, Ninh Bình là máy biến thế 500kV đầu tiên được chế tạo ở Đông Nam Á. “Tôi là người phụ nữ tham lam, nhưng không phải tham tiền mà là tham việc. Khi làm máy biến áp 110kV, tôi đã tham gia tất cả các khâu, còn máy 500kV chuyên gia Nga đã nói cùng công việc như tôi, họ sử dụng đến 42 kỹ sư và đến máy thứ tư mới thành công”- bà Nguyệt kể.

rO0q5sMv.jpgPhóng to

Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt - Ảnh: L.ANH

Bí quyết: lòng đam mê

Đầu tiên của Đông Nam Á

Năm 1975, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nguyệt về công tác tại phòng thiết kế Nhà máy sửa chữa thiết bị điện Đông Anh, Hà Nội - nay là Công ty cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh. Ngày 7-10-2010, tại Đông Anh, Hà Nội, tổ máy đầu tiên của công trình chế tạo máy biến áp 500kV tại Việt Nam do bà Nguyệt là tác giả chính đã hoàn thành và được tổ chức gắn biển chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là chiếc máy biến áp 500kV đầu tiên được sản xuất tại Đông Nam Á.

Điều gì đã làm nên những thành công đặc biệt ở người phụ nữ giản dị đi chiếc xe đạp mini chở ba cây bắp cải? Tôi rất băn khoăn về điều này. Và bà Nguyệt thật giản dị khi nói về bí quyết của mình, như chính vẻ ngoài của bà:

“Tôi nghĩ là nhờ lòng đam mê, yêu nghề nghiệp. Tôi ngủ rất ít, đêm nào cũng nghĩ về thiết kế máy biến áp. Nhiều khi công việc tắc, tôi nói với các bạn đồng nghiệp là tối tôi sẽ nghĩ và thường là nghĩ được. Tôi thường có linh cảm và ước lượng tất cả những gì mình sắp làm, những gì tôi nghĩ là thành công, chắc chắn sẽ thành công”.

Khi bắt tay vào chế tạo máy biến áp 220kV, không nhiều người biết riêng bản vẽ thiết kế nước ngoài đã đòi 1,1 triệu USD. Công ty chủ quản của bà Nguyệt đã ba lần gửi thư lên cấp trên xin làm, cam kết đứng ra nghiên cứu. Chỉ có một vài người tin là VN làm được, thế nhưng từ ngày bắt tay vào nghiên cứu đến ngày đóng điện máy 220kV chỉ mất chưa đầy một năm!

“Máy thử nghiệm xong là kéo lên Sóc Sơn đóng điện luôn, không khí rất khẩn trương. Bây giờ máy biến thế 110 và 220kV đều là sản phẩm chủ lực của nhà máy”- bà Nguyệt tự hào chia sẻ.

Đầu tuần tới, bà Nguyệt sẽ lại đi Ialy sửa máy biến thế. Năm năm trước, chỉ một vài ngày sau khi nhận quyết định về hưu, bà đã có một chuyến đi như thế để sửa chiếc máy 500kV ở mảnh đất Tây nguyên này. Hai tháng ăn ngủ ở Ialy, bà đã sửa được chiếc máy biến thế nặng tổng cộng ... 700 tấn.

Yêu nghề, bà sẵn sàng làm việc ngày đêm khi đã 60 tuổi, nhưng mấy ai biết hồi trẻ bà vẽ rất giỏi, từng mơ làm... họa sĩ được ngồi trước giá vẽ, với toan và bảng màu. “Khi tôi vào ĐH Bách khoa, các thầy phân công vào học ngành khí cụ điện, máy điện, bây giờ gọi là bộ môn thiết bị điện, hồi ấy chẳng ai biết nghề điện thì khác nghề khác thế nào. Tôi học giỏi nhất lớp, nhưng là “con chị nó đi, con dì nó lớn”, những người học giỏi đã đi bộ đội hết, nhiều bạn tôi giỏi lắm, bây giờ đã là tướng rồi” - bà Nguyệt nói.

Tôi ngồi ở nhà bà đến gần tối, ngôi nhà rất giản dị so với những thành công của bà. Chồng bà vẫn chưa về, ông còn bận chút công việc ở công ty. Khi xưa bà thiết kế máy, ông là trưởng xưởng thi công. Giờ bà thiết kế máy, ông là phó tổng giám đốc công ty, điều hành việc sản xuất. Mỗi lần đi chợ, bà dành thức ăn cho cả tuần. Căn nhà ngay gần công ty, chỉ có người lúc chiều tối, còn cả ngày bà và chồng ở công ty cùng say mê với những thiết bị điện tưởng như rất khô khan nhưng nó lại đem đến cho ông bà niềm say mê chung sáng tạo.

“Tôi chỉ mong sao đất nước mình phát triển, không còn cảm thấy tụt hậu về công nghệ so với các nước. Tôi luôn nghĩ người VN làm được điều này. Tôi chỉ tiếc một điều là thị trường đang có rất nhiều hàng Trung Quốc, có lúc cơ sở sản xuất tốt thì hàng tốt, có lúc không may thì mua phải hàng xấu. Giá mà có một chính sách gì đó tốt hơn để hỗ trợ cho phát triển khoa học công nghệ” - bà Nguyệt nói khi chia tay.

Kỹ sư cơ khí Nguyễn Đình Đoàn (người tham gia thiết kế phần vỏ máy biến áp từ 110-500kV): “Chị Nguyệt có niềm say mê đặc biệt với công việc”

Tôi đã tham gia chế tạo phần vỏ máy, từ máy biến áp 110kV đầu tiên ở VN. Trước đây, tất cả máy biến áp đều phải nhập từ nước ngoài, nhưng nay đã chế tạo được đến máy 500kV và là thành công vượt bậc, trước đây không tưởng tượng được. Theo tôi biết trên thế giới chỉ có 7-8 nước chế tạo được máy biến áp 500kV.

Năm 1993, chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu chiếc máy 110kV đầu tiên, chị Nguyệt thiết kế phần điện, nói nôm na là tim, là óc, là phần nội tạng của máy, còn tôi làm phần vỏ, tức phần chân tay, phần da bảo vệ máy. Chị Nguyệt chủ trì thiết kế, chị học kỹ sư khóa 14 ở ĐH Bách khoa, là người có niềm say mê với công việc một cách đặc biệt. Nếu không có những người như chị Nguyệt thì công việc thiết kế máy biến áp của chúng tôi không bao giờ thành công.

Sau 10 năm, đến năm 2003, chúng tôi đã tiếp tục thiết kế máy biến áp 220kV, chiếc đầu tiên đặt tại Sóc Sơn, Hà Nội. Đến năm 2010 là máy 500kV. Khi làm máy 500kV, tôi đã chuyển sang công việc khác, nhưng chị Nguyệt luôn đánh giá chúng tôi sẽ hợp tác rất tốt trong công việc và đã tìm mọi cách kéo tôi vào cùng làm. Đến nay, máy biến áp 500kV đã chuẩn bị được xét để chạy thử. Tôi không tham gia thương thảo về kinh tế nhưng biết rằng máy biến áp 500kV rất đắt và hiệu quả kinh tế rất cao.

Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên