03/02/2006 03:02 GMT+7

Ba người đàn ông trên chiếc thuyền buồm

NHƯ HẰNG
NHƯ HẰNG

TT - Cuối năm 2005, danh sách các mặt hàng xuất khẩu của VN được bổ sung một mặt hàng mới: thuyền buồm.

eypoiGzh.jpgPhóng to
Công nhân Nguyễn Huy Giao của Stompcraft đang chỉnh hệ thống điện đàm liên lạc về đất liền và định vị vệ tinh trong khoang thuyền buồm - Ảnh: N.H.
TT - Cuối năm 2005, danh sách các mặt hàng xuất khẩu của VN được bổ sung một mặt hàng mới: thuyền buồm.

Những chiếc thuyền buồm sang trọng, lịch sự, trị giá vài trăm ngàn USD - vốn chỉ dành cho các nhà quí tộc - đã và đang ra đời trong khu xưởng nhỏ bên một bờ kênh ở Q.7, TP.HCM.

Một ngày cuối năm 2004, Steve Thompson - một trong những nhà thiết kế thuyền buồm nổi tiếng ở New Zealand - nhận được một email từ VN. Thư viết: “Hi, Thompson! Ông có muốn đến VN để sản xuất những mẫu thuyền buồm mới nhất tại đất nước quanh năm chẳng mấy khi vắng ánh mặt trời này không?”.

“Đồ điên!” - Thompson làu bàu trả lời. Nhưng cuối cùng ông đã đến trong một chuyến đi tiền trạm vì tò mò nhiều hơn là tìm cơ hội kinh doanh. Một cuộc gặp gỡ giữa Thompson với hai người Úc diễn ra tại TP.HCM: đó là Lawson Dixon - người viết bức thư kỳ lạ kia, và Ian McAuslan - một doanh nhân đã gắn bó với VN từ lâu và rất đam mê thuyền buồm.

Ba người đàn ông nhanh chóng đi đến một thỏa thuận: sẽ chung tay gầy dựng một giấc mơ mang tên Công ty TNHH Stompcraft để đưa VN vào bản đồ những nước xuất khẩu thuyền buồm trên thế giới.

8ul8M4SM.jpgPhóng to
Ảnh nhỏ từ trên xuống: Lan McAuslan, Steve Thompson và Lawson Dixon - Ảnh: N.H.
Thuyền buồm made-in-VN

Lawson Dixon cao to, rám nắng và nụ cười rộng mở hết cỡ, đúng kiểu dân trong ngành tiếp thị quảng cáo. Nhưng lúc này, một Dixon không veston, không cà vạt chỉn chu như lúc đang đàm phán các dự án truyền thông với khách hàng trong vai trò tổng giám đốc Công ty quảng cáo Aktivation VN. Thay vào đó là quần kaki, áo sơmi bỏ ngoài, vừa đi vừa gặm bánh mì lót dạ buổi sáng trong phân xưởng đang tấp nập người qua lại để chuẩn bị một sự kiện quan trọng của Công ty TNHH Stompcraft: xuất khẩu chiếc thuyền buồm đầu tiên sản xuất tại VN.

Chiếc thuyền buồm màu ánh bạc kiêu sa, dài 11,8m, nặng 3.800kg. Dixon - trong vai trò thứ hai là tổng giám đốc Stompcraft - đưa tay vuốt dọc thân thuyền: “Như vậy là nhẹ đấy! Hẳn là lướt “chiến” lắm đây!”. Bàn tay ông dừng lại cuối mũi tàu, nơi dòng chữ “Stompcraft” được khắc sang trọng, sắc nét.

Nó ngầm nhắc nhở rằng đích thị đây là một nhãn hiệu đến từ VN, được đăng ký tại VN và do bàn tay người công nhân VN tạo ra. Nhưng liệu các tay chơi thuyền buồm trên thế giới có đủ tự tin để lướt hàng ngàn dặm trên biển với “người bạn đường” mua với giá vài trăm ngàn USD từ VN?

Dixon cười: “Cái tên Steve Thompson đủ để bảo chứng cho chiếc thuyền ấy, cho dù nó xuất xứ từ đâu”. Vả lại, theo Dixon, một điều cũng quan trọng không kém là VN đang nổi lên như một điểm đến của các đơn đặt hàng tàu trọng tải lớn từ các quốc gia nổi tiếng trong ngành hàng hải trên thế giới.

Chiếc thuyền buồm thứ nhất được xuất sang Úc tháng 12-2005 và chiếc thứ hai đã “lên đường” sang Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đầu năm nay. Công ty Stompcraft đang bắt tay sản xuất chiếc thứ ba, cũng theo một đơn đặt hàng từ Dubai. “Linh hồn” của những chiếc thuyền là Steve Thompson.

Ông vừa thiết kế, vừa lo khâu sản xuất. Lawson Dixon chịu trách nhiệm lo đầu ra cho sản phẩm. Theo Dixon, đến nay Stompcraft đã có hai đại lý ở nước ngoài chuyên nhập khẩu và phân phối thuyền buồm của công ty. Đó là Công ty Tactical Marine tại Úc và Công ty Art Marine tại Dubai. Trước mắt đây sẽ là hai thị trường chính của Stompcraft.

Từ cái chấm nhỏ

Lawson Dixon được giao làm thuyền trưởng chiếc thuyền buồm duy nhất đại diện cho VN trong cuộc đua thuyền buồm quốc tế VinaCapital Hong Kong - VN cuối năm 2004. Con thuyền về đích chậm hơn dự kiến nhưng ý nghĩ về một dự án sản xuất thuyền buồm VN chợt trỗi dậy mạnh mẽ nơi Dixon.

VN có hơn 3.000 km bờ biển, nếu tự tay lái chiếc thuyền buồm do mình sản xuất đi dọc theo chiều dài đất nước này thì thú vị biết bao! Dixon nghĩ vậy. Ông chia sẻ ước mơ này với anh bạn đồng hương Ian McAuslan - là “anh nuôi” của chiếc thuyền đua của VN. Cả hai quyết định viết thư cho Steve Thompson để mời ông đến VN cùng kinh doanh thuyền buồm.

Trước khi Stompcraft được thành lập (tháng 4-2005), công nghệ đóng thuyền buồm còn xa lạ với VN. Đã có một số công ty chuyên đóng tàu composite dùng trong du lịch nhưng đó chưa phải là những chiếc thuyền buồm sang trọng dành cho những chuyến đi nghỉ dài ngày trên biển, đặc biệt dùng trong những cuộc đua thuyền.

Sản xuất thuyền buồm khó vì phải đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật như tàu nổi, đáy tàu không “ăn” nước, vận hành tốt trong mọi điều kiện thời tiết..., nhưng khó nhất vẫn là công đoạn đóng thân thuyền. Làm sao để thân thuyền có thể cứng như thép nhằm chống lại những va chạm cực mạnh từ bên ngoài nhưng không làm mất đi vẻ mềm mại, duyên dáng cần thiết của một thú chơi tao nhã?

Theo Thompson, bí quyết của ông là sử dụng vật liệu composite và các loại sợi carbon nhập khẩu từ Úc và New Zealand. Loại vải sợi này trong trạng thái vật liệu rất mềm nhưng khi được kết dính với composite và một số hóa chất khác thì tạo nên một kết cấu vững chắc có độ nhẹ tối thiểu.

Lawson Dixon khẳng định năm nay Công ty Stompcraft sẽ bắt đầu có lãi. Nhưng điều làm ông vui hơn cả là VN đang xuất hiện như một cái chấm nhỏ trên bản đồ sản xuất thuyền buồm của thế giới. “Cái chấm nhỏ rồi sẽ trở thành một vòng tròn lớn” - ông cười tự tin.

NHƯ HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên