22/09/2008 05:48 GMT+7

Bà ngoại cứu cháu

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TT - Đang cho cháu ngoại 9 tháng tuổi ăn bỗng cháu ngưng thở, ngất lịm. Một bà ngoại nông dân đã cứu cháu thoát chết nhờ... coi tivi.

74Gq8QRf.jpgPhóng to
Chuẩn bị vỗ lưng bé
TT - Đang cho cháu ngoại 9 tháng tuổi ăn bỗng cháu ngưng thở, ngất lịm. Một bà ngoại nông dân đã cứu cháu thoát chết nhờ... coi tivi.

Bà Nguyễn Thị Châu, 52 tuổi, ở xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, đang cho cháu ngoại là Lê Minh Sơn, 9 tháng tuổi, ăn cháo thịt bằm buổi sáng. Gần hết chén cháo, một bé gái nhà kế bên mang lồng đèn Trung Quốc hình xe hơi có đèn chớp và tiếng nhạc tò te sang chơi, Sơn giãy nảy đòi lồng đèn của chị, không chịu ăn thêm nữa. Bà Châu cố đút hết muỗng cháo cuối cùng vào miệng cháu. Sơn la hét kháng cự, hất chén cháo rơi xuống đất.

Lui cui lượm chén cháo lên, bỗng bà Châu thấy Sơn ho sặc sụa, mặt mày đỏ bầm, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, khóc không ra tiếng. Môi Sơn tím lại, thở nấc lên vài cái rồi đầu ngoẹo sang một bên, ngất lịm trên tay bà Châu.

paTyx3bC.jpgPhóng to
Vỗ lưng bé
Bà Châu hốt hoảng la lớn: “Trời ơi cháu tôi sao kỳ vậy nè? Bớ người ta cứu cháu tôi! Bớ... bớ người ta...”. Ngay lúc đó như một phản xạ có từ hồi nào, bà dùng tay đấm vào ngực Sơn một cái mạnh, rồi lật úp Sơn lại để nằm vắt vẻo qua hai đùi bà, đầu Sơn cúi thấp và bà vỗ rất mạnh bốn năm cái lên lưng Sơn. Những hạt cháo đã nhừ từ miệng Sơn văng xuống đất, Sơn thở khì một cái rồi bắt đầu khóc, tiếng khóc lớn dần. Sơn thở nhanh, môi hồng lại. Bà Châu mừng rỡ không kịp thay đồ, hối người hàng xóm mới vừa chạy qua khi nghe tiếng kêu cứu chở giúp bà và Sơn đi Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cách nhà chừng 7km.

Ở bệnh viện, Sơn được bác sĩ cho tiếp hơi, chụp hình phổi tại giường và chích thuốc vào mạch máu. Bác sĩ cấp cứu nói Sơn bị dị vật đường thở, bây giờ có thể có biến chứng viêm phổi hít phải nằm lại bệnh viện ít nhất một tuần. Bác sĩ cho rằng Sơn được cấp cứu ngay tại nhà rất kịp thời, nếu không thì... chết chắc! Được hỏi vì sao bà Châu biết cấp cứu cho bé hay quá vậy, bà Châu cười nói: “Mèn đét ơi, tui làm ruộng suốt ngày có biết gì đâu! May nhờ coi truyền hình mấy hôm trước thấy các thầy thuốc hướng dẫn cách vỗ lưng cấp cứu trẻ sặc thức ăn nên bắt chước, lúc đó quýnh quá có biết làm gì khác nữa... Tui chỉ muốn làm sao tống thức ăn văng ra ngoài liền hà!”.

V23BqB6H.jpgPhóng to
Ấn ngực -Ảnh: N.T.ÚC
Bà Châu quả là nhanh trí, nhờ có kiến thức cấp cứu đơn giản bà đã cứu được cháu ngoại của mình thoát chết trong gang tấc.

Vỗ lưng, ấn ngực

Phương pháp của bà Châu áp dụng trong chuyên môn gọi là phương pháp vỗ lưng - ấn ngực, sử dụng trong trường hợp cấp cứu dị vật đường thở ở trẻ sơ sinh (sặc sữa) và trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi (sặc thức ăn, thuốc uống, đồ chơi).

Phương pháp như sau: đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái. Dùng lòng bàn tay phải vỗ lưng năm lần thật mạnh và nhanh vùng giữa hai xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ nếu còn khó thở, dùng hai ngón tay ấn ngực năm lần, vị trí ấn ngực ngay dưới mũi xương ức, ấn chếch lên trên đầu.

Nếu trẻ vẫn không hết ngạt tiếp tục lặp lại động tác trên 6-10 lần. Nếu trẻ ngưng tim, ngưng thở phải ấn vùng tim năm cái, thổi ngạt một cái. Không được dùng tay móc dị vật ra ngoài vì có thể đẩy dị vật vào sâu trong đường thở càng nguy hiểm hơn. Khi trẻ thở lại được thì đưa vào bệnh viện gần nhất.

Đề phòng tai nạn dị vật đường thở, bà con không cố ép trẻ ăn uống khi trẻ kháng cự, đang quấy khóc, la hét hoặc đang chơi đùa nghịch ngợm. Nhớ dùng muỗng nhỏ đút ăn từ từ, cẩn thận nhất lúc trẻ đang trong giai đoạn tập ăn giặm. Không cho trẻ nhũ nhi chơi các loại đồ chơi có kích thước nhỏ như viên bi, đồng xu, xe hơi, siêu nhân tháo rời các bộ phận... vì có thể rơi vào đường thở của trẻ.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên