07/05/2015 14:34 GMT+7

Ba mẹ con chết thảm do không được cảnh báo cần cẩu sập

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Theo lời khai ban đầu của tài xế lái xe cẩu, khi tai nạn xảy ra, tại công trình thi công chưa có người làm công tác cảnh giới, báo hiệu nguy hiểm cho người đi đường.

Cần cẩu đổ sập ba mẹ con chết thảm - Ảnh: Ngọc Tài

Thông tin mới nhất từ Công an thị xã Hồng Ngự cho biết quá trình lấy lời khai và điều tra bước đầu cho thấy vào thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, tài xế lái xe cẩu Nguyễn Thái Huỳnh có nhờ 3 người hỗ trợ cảnh giới.

Tuy nhiên đến lúc bắt đầu công việc thì những người được đề nghị chưa thực hiện việc cảnh giới, canh đường.

Do đó, có thể mẹ con chị Cao Tường Vân do không được cảnh báo mà đi vào khu vực nguy hiểm, đúng lúc cần cẩu sập và đè lên khiến cả 3 mẹ con tử vong.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, vụ tai nạn xảy ra sáng 5-5. Chiếc cần cẩu đang thi công công trình dự án tuyến tránh quốc lộ 30 trên địa bàn thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã bất ngờ đổ sập, đè lên xe gắn máy của chị Cao Tường Vân (ngụ thị xã Hồng Ngự, 32 tuổi) chở 2 con đi qua đoạn đường này.

Tai nạn làm chị Vân cùng con trai Trần Cao Công Danh (7 tuổi) và con gái Trần Ngọc Thảo Vi (3 tuổi) chết tại chỗ.

Theo thông tin từ Sở GTVT Đồng Tháp, dự án tuyến tránh quốc lộ 30 do chính đơn vị này làm chủ đầu tư với ba gói thầu. Trong đó, công trình thi công cầu Hồng Ngự 2 - địa điểm xảy ra tai nạn do Công ty CP xây dựng công trình Trường Lộc (TP.HCM) thi công. Đơn vị giám sát là Phân viện hoa học kỹ thuật GTVT phía Nam.

Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Quang Vinh, giám đốc Công ty CP xây dựng công trình Trường Lộc - đơn vị đang thi công tại công trình trên cho biết cần cẩu gây tai nạn được đăng kiểm tại Chi cục Đăng kiểm số 8 (văn phòng đặt tại TP. Cần Thơ) và còn 1 tháng nữa phải đi đăng kiểm lại.

“Công ty mua cần cẩu này vào năm 2011, hàng đã qua sử dụng và còn mới 80%”, ông Vinh nói thêm.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hải, giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông thuộc Sở GTVT Đồng Tháp nói trước khi đưa phương tiện vào vận hành, đơn vị thi công đã cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ.

“Thế nhưng tai nạn đã xảy ra, bản thân tôi cũng xin nhận một phần trách nhiệm”, ông Hải bộc bạch.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn lao động tại công trình ông Hải cho biết thêm lúc tai nạn xảy ra cần cẩu vẫn làm việc trong phạm vi hàng rào. Ông Hải còn khẳng định lúc cần cẩu sập phía đơn vị thi công có cắt cử người ra hiệu cảnh giác.

Tuy nhiên người phát hiệu cảnh giác chỉ loanh hoanh phía trong hàng rào bảo vệ công trình chứ không điều tiết hay cắt giao thông.

Lý giải về việc tại sao không cắt giao thông (giao người canh gác hai đầu công trình đang thi công, không cho hành khách lưu thông), ông Nguyễn Quang Vinh, giám đốc Công ty CP xây dựng công trình Trường Lộc nói: “Khi muốn thực hiện việc này thì phải có ý kiến của cấp có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tám, đội trưởng Đội thanh tra giao thông số 3 (phụ trách khu vực thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng) cho rằng việc đảm bảo an toàn khi thi công công trình trên rõ ràng phải là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị thi công.

“Trong trường hợp này theo tôi phải cắt giao thông chứ không thể dừng lại ở việc cắt cử người cảnh giới ở hai đầu”, ông Tám nói.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên