02/06/2013 04:07 GMT+7

Bà Hoa xóm núi

NGUYÊN LINH
NGUYÊN LINH

TT - Suốt chục năm nay, người dân xóm núi Thủy Dương (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã quen với hình ảnh mẹ con bà Hoa dìu dắt nhau, nhọc nhằn kiếm miếng ăn và theo đuổi sự học.

Vượt hơn 70km, từ TP Huế tôi về xóm núi heo hút dưới chân đỉnh Bạch Mã tìm gặp bà Hoa đang lúc bà chuẩn bị gói ghém gạo cơm chở vào Đà Nẵng tiếp tế cho cậu con trai đang học đại học. Trong câu chuyện kể của mình, bà chỉ nói số bà phận bạc, có hai đời chồng thì cả hai đều nghiện rượu. Không chịu nổi những trận đòn của chồng, năm 2001 bà dắt các con chạy vào xóm núi dựng lều lánh nạn. Bỏ chồng, một mình gồng gánh nuôi năm con thơ dại đang tuổi ăn, tuổi học.

JoO9dyCY.jpgPhóng to
Bà Hoa chạy xe ôm - Ảnh: N.Linh

Năm 2006, cơn bão Chanchu hung dữ ập đến cuốn phăng căn nhà của bà. Sáu mẹ con rơi vào cảnh vô gia cư. Bà lặng lẽ vác rựa lên rừng chặt cây mang về, nhờ hàng xóm căng bạt dựng tạm căn lều trên nền nhà cũ để mẹ con sống qua ngày, dồn tiền cho các con học chữ. “Năm 2009 Đức Anh thi đỗ vào lớp 10 ở TP Huế, tôi bỏ nhà, dắt thêm ba con lên Huế trọ học để vừa làm vừa chăm con”-bà thủ thỉ. Ba năm con theo học phổ thông, suốt ngày bà lam lũ đi bán hàng rong, dọn vệ sinh, giặt áo quần... đắp đổi cơm rau qua ngày. Niềm vui lớn nhất của bà là các con đều chăm ngoan và học rất giỏi. Hai người em trai của Đức Anh đều thi đỗ Trường THCS Nguyễn Tri Phương - ngôi trường danh tiếng nhất tỉnh.

Năm 2012, Đức Anh đỗ cao cả hai trường đại học, bà vừa mừng vừa lo. Khi Đức Anh vào Đà Nẵng, những người em của cậu phải chuyển trường từ TP Huế về quê học để giảm chi phí. Bà Hoa “chạy sô” tối mặt, lúc đi bán hàng rong, lúc chạy xe ôm, khi đi giác hơi, giặt áo quần thuê ở nhiều nơi cả tuần không về nhà... Bà nói chỉ cần làm việc gì không vi phạm pháp luật mà có tiền mua gạo và nộp tiền học cho con bà đều nhận làm. Thấy mẹ con bà khốn khó, năm 2012 một mạnh thường quân giúp đỡ mẹ con bà xây căn nhà nhỏ. Khi căn nhà dựng lên cũng là lúc chính quyền cắt sổ hộ nghèo của mẹ con bà. Bà điêu đứng đi kêu cứu khắp nơi. Bà bảo có nghe chuyện một phụ nữ ở Cà Mau phải thắt cổ tự tử để con được đi học mà đau lòng. Bà cũng từng túng quẫn, bế tắc và đã hai lần tìm đến cái chết nhưng người dân phát hiện kịp đưa đi bệnh viện nên sống. Bà nói chắc nịch: “Giờ thì tôi muốn sống, phải sống để dìu dắt con trưởng thành”.

NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên