Bà Hillary Clinton cùng chồng - cựu tổng thống Bill Clinton, con gái và người đứng cùng liên danh - TNS Tim Kaine trong ngày cuối của đại hội Đảng Dân chủ tối 28-7 - Ảnh: Reuters |
Mở đầu bài diễn văn dài một giờ trước khi đại hội Đảng Dân chủ kết thúc tại Philadelphia (bang Pennsylvania), bà Hillary Clinton tuyên bố trong những tiếng vỗ tay như sấm rền:
“Với sự khiêm nhường, lòng quyết tâm và niềm tin vô hạn trong lời hứa với nước Mỹ, tôi chấp nhận sự đề cử của quý vị để chạy đua cho vị trí tổng thống Mỹ!”.
Bà khởi động bài diễn thuyết với tinh thần thống nhất nước Mỹ - một chủ đề đang rất nóng trong bối cảnh nhiều vụ thảm sát mang tính sắc tộc xảy ra gần đây - khi khẳng định sẽ làm được vai trò “tổng thống của những người Dân chủ, những người Cộng hòa, những người độc lập”.
Một Hillary thách thức
Bà Hillary chứng tỏ mình chính là... Hillary, dù bà từng thừa nhận: Trong những năm tháng phụng sự công chúng, tôi luôn cảm thấy thoải mái với phần “phụng sự” hơn là phần “công chúng”.
Nhưng trong bài phát biểu tối 28-7, bà đã chứng tỏ mình là một chính khách chuyên nghiệp: xuất hiện đúng vào lúc người dân cần mình nhất. Bà đã chỉ ra những thách thức của xã hội và cũng chính là những cam kết bầu cử của bên Đảng Dân chủ để người Mỹ sẽ phải lựa chọn bà.
Bà đã thể hiện được điều đó với niềm tin mạnh mẽ và sức thuyết phục không chê vào đâu được.
Đương nhiên trong phát biểu của mình, bà không thể không đề cập đến đối thủ lớn Donald Trump. Và cũng đương nhiên, bà không thể dùng những ngôn từ bốp chát, thô tục như vị ứng viên của bên Đảng Cộng hòa.
Bà đã dùng giọng giễu nhại thông minh để tấn công đối thủ. “Donald Trump có được tâm thế để làm tổng tư lệnh của đất nước? Ông ấy thậm chí không điều phối được tính chất khó khăn của một chiến dịch tranh cử.
Ông ấy mất bình tĩnh trước mọi lời khiêu khích dù nhỏ nhất (...). Quý vị hãy thử hình dung ông ấy đứng trong Phòng bầu dục, đối mặt với một cuộc khủng hoảng thật sự. Một con người mà ta có thể khiêu khích chỉ bằng một dòng tweet đơn giản thì không thể là người mà ta có thể giao phó vũ khí hạt nhân”.
Bà cũng tấn công đối thủ bằng chính kiểu phát ngôn ngạo mạn của Donald Trump khi ông tỉ phú cho rằng chỉ “duy nhất mình ông có thể sửa chữa” những sai lầm đang xảy ra ở nước Mỹ.
Bà dẫn lịch sử hình thành nước Mỹ khi đại diện của 13 thuộc địa còn phải “lắng nghe lẫn nhau, đi đến thỏa hiệp và đạt mục tiêu chung” để chống lại sự thống trị của Anh, đi đến độc lập.
Bà cựu ngoại trưởng kêu gọi: “Nhất là quý vị đừng tin ai đó nói rằng “tôi là người duy nhất làm được việc đó”.
Đó là những lời của Donald Trump tại Cleveland (ở bang Ohio, nơi ông Trump được đại hội Đảng Cộng hòa chính thức đề cử vào tuần trước). Và điều đó phải làm chúng ta thấy lo lắng”.
Kêu gọi đoàn kết
Bà Hillary đả phá ngay vào kiểu xưng tôn “người hùng” của Donald Trump. Bà khẳng định bản thân mình “một cánh én không thể làm nên mùa xuân” vì ở nước Mỹ, hằng ngày, từ các quân nhân đến các bà nội trợ, từ các lính cứu hỏa đến các vị giáo sư đều lặng thầm làm việc để “phụng sự”, để cải thiện cuộc sống cho người khác.
Bà chỉ trích: “Trump quên đi từng người trong số chúng ta. Người Mỹ không nói: Một mình tôi có thể sửa đổi. Người Mỹ chúng ta nói: Chúng ta sẽ cùng nhau sửa đổi mọi việc”.
Bằng suy nghĩ của một người phụ nữ, bà Hillary đi vào lắng đọng hơn: “Không ai trong chúng ta có thể một mình nuôi dạy gia đình con cái, gầy dựng sự nghiệp, băng bó những vết thương của cả một cộng đồng hoặc dựng xây một đất nước”.
Bà để cho người Mỹ thấy bà cũng như họ, chỉ là những người bình thường.
“Những đổi thay mà đất nước này cần chỉ có thể đến từ Hillary Clinton" - Tổng thống BARACK OBAMA. |
Từ lập luận đó, bà hướng người nghe thấy ông Trump như một kẻ bắt nạt trong trường học (mà người Mỹ phải chống lại) và như một kẻ độc tài muốn thâu tóm quyền lực (bà nêu rằng: “Tổ tiên chúng ta đã làm cách mạng và viết ra hiến pháp để nước Mỹ không bao giờ trở thành một quốc gia, mà trong đó một người duy nhất có thể thâu tóm quyền lực”).
Trong khi ông Donald Trump vẫn chọn cách vỗ ngực xưng tên kiểu một mình vẫn có khả năng khiến nước Mỹ tuyệt vời, vĩ đại trở lại thì bà Hillary chọn cách “đoàn kết, tập thể” để mạnh hơn.
Bà tin rằng đó chính là những giá trị căn bản tạo nên nền dân chủ của nước Mỹ và cũng rất cần thiết vào lúc này, khi mà nước Mỹ đang trải qua những hận thù sắc tộc.
Tất nhiên, chọn góc độ cùng chung tay xây dựng đất nước vào lúc này là một thách đố thật sự, vì thống kê cho thấy 80% dân Mỹ tin rằng nước Mỹ đang đi sai hướng và đó là một tỉ lệ tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ông Donald Trump cũng đã khai thác vào khía cạnh này để lấy phiếu, nhưng thật trớ trêu khi chỉ có 28% người Mỹ tin rằng ngài tỉ phú có thể đoàn kết đất nước được.
Bà Hillary vì thế chọn cách khơi gợi những giá trị căn bản, những giá trị của lòng ái quốc. Dĩ nhiên bà cũng khéo léo nhìn nhận thực trạng trong bài phát biểu:
“Một số quý vị cảm thấy hụt hẫng, thậm chí giận dữ. Và quý vị biết đó là chuyện gì và quả là quý vị có lý. Nhiều chuyện hiện nay không tốt như chúng lẽ ra phải thế”.
Bà Hillary qua đó nhắc lại lời hứa lúc tranh cử dành cho số đông như tăng lương căn bản, tạo công bằng về tài chính và cải cách vấn đề nhập cư.
Bà gửi lời răn đe đến giới giàu có (và điều này khiến nhiều người bất ngờ) trong một bài phát biểu dành cho số đông: “Phố Wall, các công ty lớn và những người siêu giàu phải trả đúng phần tiền thuế của mình.
Khi mà hơn 90% lợi nhuận đi vào túi của 1% những người giàu nhất thì đó là nơi ta có thể tìm ra tiền. Nếu các công ty tìm nơi để giảm thuế và đưa công việc làm ra khỏi Mỹ thì chúng ta sẽ buộc họ phải trả tiền”.
Giới bình luận cho rằng hiếm khi bài phát biểu cảm ơn vào tối nhận đề cử của đại hội đảng lại đầy chất tranh cử như thế này.
Có người nghĩ rằng đó là một lời cảm ơn của bà Hillary đến sự ủng hộ của ông Bernie Sanders - một người chủ xướng tinh thần dân chủ xã hội vì số đông.
Nhưng cũng bài phát biểu này được xem như là khởi đầu những thách thức với bà Hillary.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận