Philippines tuyên bố mua tàu hải quân PhápPhilippines mua tàu chiến Pháp để đối phó với Trung Quốc
Phóng to |
Tàu cá của ngư dân Philippines chạy quanh đón chào tàu chiến BRP Ramon Alcaraz trong vùng biển Casiguran, thuộc tỉnh Aurora hôm 2-8 - Ảnh: Reuters |
Mấy ngày này, dân chúng Philippines vô cùng hoan hỉ khi chính phủ đưa về đủ hai con tàu hộ vệ lớp Hamilton như đã hứa.
Hơn một năm trước, vào tháng 4-2012, chiến hạm “anh em” của Ramon Alcaraz là BRP Gregorio del Pilar (nhận vào tháng 5-2011) từng được điều động ra dải Scarborough “nghênh chiến” đội tàu cá Trung Quốc được tàu hải giám hỗ trợ. Hơn một năm sau, vào tháng 5-2013, lực lượng tuần duyên Philippines nổ súng vào tàu cá Đài Loan.
Phía Philippines không ngừng biểu thị thái độ không chịu lép vế cho dù biết thực lực chưa bằng ai. Thái độ tự tin trước cả hai đối thủ “đồng hương” là Trung Quốc vài Đài Loan là do Manila đánh giá đúng cục diện địa chính trị và vị trí của mình trong cục diện đó.
Philippines đã đánh giá đúng nhu cầu quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ kẻo mất chỗ đứng chiến lược, sau khi đã mải mê xoay trục sang vùng Vịnh kể từ trào George Bush “bố”, đóng cửa các căn cứ hải quân Subic và không quân Clark ở Philippines, bỏ mặc cho Trung Quốc nổi lên như là một cường quốc hải quân, ít nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.
Mãi đến khi nhận ra thực lực quân sự mới cùng các tham vọng tỏ rõ qua đường vạch chín khúc của Trung Quốc, Mỹ mới tỉnh ngộ để tính chuyện xoay trục trở lại châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền Aquino ở Manila sớm nhận ra thực tế “kép” này và bám chặt lấy mối quan hệ đồng minh cố cựu với Mỹ đã ký kết từ đầu thế kỷ 20 và đã kinh qua thực tế là Thế chiến thứ hai chống lại quân đội Nhật!
Đây là điểm tựa cơ bản của Philippines, cho phép Bộ Ngoại giao nhanh nhẩu loan báo Mỹ sẽ làm này làm nọ giúp Philippines như Mỹ sẽ đưa máy bay tuần thám săn ngầm P-3 Orion đến, tăng 2/3 khoản viện trợ quân sự (từ 30 triệu USD lên 50 triệu vào năm tới), bán thêm cho Philippines một tàu chiến thứ ba... đặng làm một tấm khiên che chắn. Mỹ cũng vịn vào Philippines để bắn tiếng sẽ ra vào các căn cứ của Philippines - thay vì đóng căn cứ tốn kém khôn kể - trong bối cảnh mỗi năm phải tự cắt ngân sách quốc phòng 10%.
Trong cuộc đối kháng với Trung Quốc, Philippines không dại gì mà chỉ dựa vào Mỹ vốn từng có những tính toán chiến lược “sáng nắng chiều mưa” mà tổng thống Marcos đã từng nếm trải bằng vụ lật đổ cuối thập niên 1980, dẫn đến việc nữ tổng thống
Aquino lên cầm quyền. Khi thấy Mỹ định “chê” các căn cứ Subic và Clark, bà Aquino đã xoay trục sang Tokyo, mà đỉnh cao là hai chuyến công du sang Nhật vào buổi lễ tưởng niệm 50 năm chấm dứt chiến tranh ở Philippines (với Nhật), trong đó đại sứ Nhật tại Manila Goto Toshio công khai bày tỏ “cắn rứt sâu sắc”..., và trong buổi lễ đó đồng minh Mỹ hầu như không được nhắc tới do đang ra khỏi Philippines.
20 năm sau, Tổng thống Benigno Aquino “con” không chỉ giữ mối quan hệ này với Nhật, mà còn dùng nó để kích thích cùng lúc cả hai mối quan hệ với Mỹ nay đang có nhu cầu xoay trục, và với Nhật vào lúc Nhật cũng đang “có chuyện” với Trung Quốc. Cũng như với Mỹ, Manila luôn sớm sủa loan báo những hứa hẹn viện trợ quân sự của Nhật nhằm biến các hứa hẹn đó thêm phần “keo sơn”.
Từ hai điểm tựa đó, Philippines có thể tự tin sử dụng công cụ tòa án quốc tế để đối kháng với Trung Quốc tuy thừa biết rằng Trung Quốc sẽ đâu chịu vác chiếu ra tòa. Với sức mạnh tổng lực từ ba điểm tựa này, ông Aquino hi vọng sẽ khiến Trung Quốc phải suy nghĩ ba lần trước khi muốn động thủ.
Các động thái đó, đã được kiểm chứng qua vụ va chạm chết người với tàu cá Đài Loan mà không “hề hấn” gì sau đó, càng chứng tỏ cho dân chúng và chính giới Philippines đâu là thế của đất nước mình tuy rằng lực có nhỏ thật đấy, và đâu là bạn, đâu là địch. Và đây chính là chỗ dựa lớn nhất của ông Aquino, vốn có may mắn thừa hưởng uy tín thanh liêm, chính trực mấy đời của gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận