31/12/2012 10:43 GMT+7

Ba điểm nóng chính trị toàn cầu 2013

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Không phải là một năm bầu cử sôi động như năm 2012, nhưng năm 2013 được dự báo sẽ là thời điểm nhiều cuộc khủng hoảng chính trị toàn cầu bùng nổ.

Qr5qSzAJ.jpgPhóng to

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - một điểm nóng chính trị tại Đông Á năm 2013 - Ảnh: Reuters

Năm 2012 là một năm đặc biệt sôi động trên chính trường toàn cầu với các cuộc bầu cử ở Mỹ, Nga, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... và cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc. Năm 2013 sẽ là năm các nhà lãnh đạo thế giới phải giải quyết những vấn đề chính trị và kinh tế nghiêm trọng, từ khủng hoảng kinh tế Mỹ và châu Âu, bạo lực ở Trung Đông cho đến tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á.

“Giới lãnh đạo chính trị toàn cầu phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn gần như chưa từng có trong thời kỳ hiện đại - báo Global Post dẫn lời nhà phân tích chính trị Tina Fordham của Hãng Citigroup - Và họ phải chịu sự giám sát của công chúng với mức độ chưa từng có trong lịch sử do sự phát triển mạnh mẽ của khả năng tiếp cận thông tin toàn cầu”.

Dưới đây là những điểm nóng toàn cầu năm 2013 theo đánh giá của giới truyền thông và chuyên gia quốc tế.

Khủng hoảng kinh tế Mỹ và châu Âu

Trong cuốn Những thách thức và cơ hội của tổng thống Mỹ năm 2013, tác giả Jessica Matthews, chủ tịch Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, đánh giá: “Không vấn đề đối ngoại nào năm 2013 có tầm quan trọng đối với sự ổn định chính trị, kinh tế và an ninh toàn cầu như việc liệu Mỹ và châu Âu có thể đối phó được với khủng hoảng kinh tế”.

Nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đối thủ Đảng Cộng hòa không thể đạt được một thỏa thuận, năm 2013 nước Mỹ sẽ rơi xuống “vách đá tài chính”. Thuế tăng, chi tiêu giảm sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, thiệt hại 1.000 tỉ USD. Kinh tế toàn cầu cũng sẽ lao đao theo.

Với châu Âu, chuyên gia Jessica Matthews khẳng định cuộc khủng hoảng nợ công năm 2012 đã biến chuyển từ “tình trạng khẩn cấp, đe dọa tính mạng” sang “căn bệnh kinh niên làm hao mòn sức khỏe thế giới” trong nhiều năm. Dự báo GDP khối đồng euro sẽ sụt giảm 0,3% trong năm 2013. Các cuộc bầu cử ở Đức và Pháp trong năm sẽ xác định đường hướng tương lai cho châu Âu.

Trung Đông nóng bỏng

Nếu có một điều chắc chắn xảy ra thì đó là sự tan vỡ đẫm máu của đất nước Syria. Phần lớn các nhà phân tích phương Tây dự báo Tổng thống Syria Bashar Al-Assad sẽ không thể trụ lại đến hết năm 2013. Và khủng hoảng nhân đạo đang lan rộng tại đây. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 4 triệu người Syria đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất ở khu vực biên giới, bệnh dịch đang lan rộng. Hơn nữa, lửa chiến tranh từ Syria có thể lan tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Trong năm 2013, hai quốc gia Trung Đông là Iran và Israel sẽ tổ chức bầu cử. Global Post dẫn lời nhà phân tích chính trị Alistair Newton thuộc Hãng Nomura dự báo chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ thắng cử, kéo theo khả năng Israel tấn công phủ đầu Iran gia tăng. Chuyên gia Justin Vaisse thuộc Viện Brookings (Mỹ) cũng khẳng định cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn sẽ là “một vấn đề nóng bỏng” của năm 2013.

Đông Á căng thẳng

Chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên là mối quan ngại đầu tiên tại khu vực Đông Á trong năm 2013. Theo CNN, hồi tháng 5-2012 Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ đã dự báo nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sẽ “gây chấn động” để khẳng định quyền lực. Và trong tháng 12, CHDCND Triều Tiên đã bắn tên lửa. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị địa điểm thử hạt nhân.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất ở Đông Á năm 2013 là tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Trong cả năm 2012, Trung Quốc và Nhật đấu khẩu dữ dội về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Những ngày cuối năm, Bắc Kinh gia tăng căng thẳng bằng chiêu điều động tàu tuần tra và cả máy bay xâm nhập vùng biển và vùng trời Senkaku/Điếu Ngư.

Dù một cuộc chiến khó có khả năng xảy ra, nhưng quan hệ kinh tế Trung - Nhật đã bị ảnh hưởng. Báo Christian Science Monitor dẫn lời giáo sư Zhou Weihong tại ĐH Ngoại giao Bắc Kinh khẳng định: “Việc nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới hục hặc với nhau là tin xấu đối với toàn bộ thế giới”.

Không chỉ tranh chấp với Nhật, năm 2012 Trung Quốc còn chủ động leo thang căng thẳng trên biển Đông. Trung Quốc phát hành hộ chiếu in hình bản đồ đường lưỡi bò. Sau đó chính quyền tỉnh Hải Nam ra quy định cho phép chặn và khám xét tàu bè nước ngoài trên biển Đông. Trên tạp chí Foreign Policy, học giả Michael Austin thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) đặt câu hỏi: “Phải chăng Trung Quốc muốn gây chiến trong năm 2013?”.

Theo các chuyên gia Hội đồng đối ngoại Mỹ (CFR), câu hỏi lớn nhất đối với Đông Á năm 2013 là Mỹ sẽ phản ứng thế nào với sự “cả quyết ngày càng gia tăng” của Trung Quốc?

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên