![]() |
Cột điện cõng cáp viễn thông tại ngã tư Huỳnh Văn Bánh - Trần Huy Liệu (TP.HCM) - Ảnh: Quang Khải |
Sự việc xuất phát từ việc ngành điện đơn phương tăng giá cho thuê cột điện và kết thúc bằng chỉ thị ngày 2-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật điện lực, đặc biệt là hệ thống cột điện với giá thuê trên cơ sở giá thành. “Cuộc chiến” cột điện đã có hồi kết và từ đây, chúng ta cũng rút ra được nhiều điều bổ ích.
Bài học vỡ lòng về độc quyền và giá bán
Những người có hiểu biết ban đầu về kinh tế đều nói rằng doanh nghiệp độc quyền không được phép quyết định giá. Nghĩa là Nhà nước phải quyết định giá bán - mua của doanh nghiệp độc quyền.
Trong lĩnh vực viễn thông, Nhà nước đã quy định các doanh nghiệp viễn thông chiếm từ 30% thị phần trở lên không được tự quyết định giá. Thế nhưng, đối với doanh nghiệp độc quyền cột điện thì các bộ lúng túng rất lâu. Cuối cùng, lại phải cần đến một quyết định của Thủ tướng. Chỉ cần chúng ta ôn bài học vỡ lòng về kinh tế này một chút là mọi việc trở nên sáng sủa, dân đỡ khổ.
Mất cả chì lẫn chài
Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) phải cho thuê cột điện trên cơ sở giá thành. Nếu như giá thành được tính theo cách có khấu hao thì những cột điện được trồng từ nhiều năm trước sẽ có giá bằng 0. Như vậy EVN sẽ phải cho các đối thủ cạnh tranh treo cáp mà không thu được một đồng nào. Tất nhiên, để tránh làm “từ thiện” bất đắc dĩ, ngành điện phải xây dựng và bảo vệ được phương án giá thành của mình.
Thật ra có tính đúng, tính đủ và thậm chí tính già một tí thì giá thành cột điện cũng không cao. Giá đã thấp mà lại chia cho nhiều doanh nghiệp treo cáp thì mỗi doanh nghiệp đóng tiền thuê chẳng đáng bao nhiêu. Cho thuê mà phải tính theo giá thành thì mơ ước của ngành điện lúc này có lẽ là được quay lại thời kỳ trước “cuộc chiến”. Lúc đó giá cho thuê chắc là cao hơn giá thành và các doanh nghiệp viễn thông đã chấp nhận mà không kêu ca gì.
Đừng mang tài sản của Nhà nước cho người khác thuê
Như trên đã nói, giá thành cột điện không bao nhiêu nhưng ngành điện lại muốn cho thuê với giá có lẽ cao hơn giá thành nhiều. Cột điện không thể cho thuê và giá cho thuê cột điện không cao như vậy nếu nó không được trồng trên đất của Nhà nước, ở những vị trí rất thuận lợi. Cần đặt ra câu hỏi về cơ sở pháp lý của việc cho thuê cột điện trong thời gian qua cũng như về việc sử dụng số tiền thu được vào mục đích gì.
Trên thực tế, pháp luật đã có đầy đủ quy định để giải quyết những trường hợp tương tự. Nếu coi EVN đang độc quyền về cho thuê cột điện thì hoàn toàn có thể áp dụng Luật cạnh tranh để xử lý hành vi lạm dụng vị trí độc quyền áp đặt giá bán hàng hóa bất hợp lý của ngành điện.
Giá cho thuê bất hợp lý vì đã tăng một cách bất thường, vì không có biến động bất thường nào làm tăng giá thành sản xuất cột điện. Hơn nữa, đa số các cột điện đã được xây dựng và cho thuê từ trước nên càng không thể có yếu tố gây tăng giá đột biến. Rõ ràng ngành điện đã vi phạm Luật cạnh tranh.
Về lâu dài, khi ngành điện và các doanh nghiệp khác được kinh doanh hạ tầng, trong đó có cho thuê cột điện, cũng cần tính đến lợi ích của Nhà nước khi cho phép doanh nghiệp cho thuê công trình được xây trên đất của Nhà nước. Tính giá trị đất vào giá thành công trình được cho thuê sẽ tạo khoản thu không nhỏ cho Nhà nước và các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý cho thuê công trình, không mắc phải lỗi mang tài sản nhà nước cho thuê.
Luật cạnh tranh quy định Nhà nước quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước. Thực tế hiện nay một số doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền (không thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước) nên cũng phải tính đến việc điều chỉnh quy định để Nhà nước quyết định giá đối với các doanh nghiệp này.
Trong khi chờ thực tế trả lời có nên sửa luật hay không, các cơ quan chức năng cần thực thi Luật cạnh tranh một cách kịp thời và nghiêm minh đối với các doanh nghiệp này (như trong kinh doanh xăng dầu, thậm chí kinh doanh trò chơi trực tuyến).
Người ta có thói quen kêu hệ thống luật của chúng ta không đầy đủ nhưng trên thực tế không hẳn như vậy. Trong nhiều lĩnh vực, quy định của pháp luật là tương đối đầy đủ nhưng việc thực thi không nghiêm, lại lúng túng nên mới gây ra nhiều khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận