Những tình huống sút phạt của đối phương luôn là mối đe dọa đối với khung thành tuyển VN - Ảnh: N.KHÔI
Để giảm thiểu sự bất lợi về thể hình, đòi hỏi hàng phòng thủ của tuyển VN phải quyết liệt đeo bám nhằm uy hiếp và gây sức ép với đối thủ khi bóng rời khỏi điểm đá phạt...
Cựu tuyển thủ Trần Công Minh
Nói về 6 bàn thua nói trên, cựu tuyển thủ Triệu Quang Hà phân tích rằng đầu tiên, nó xuất phát từ việc chủ quan khi chiếm thế thượng phong qua việc tấn công liên tục rồi dẫn bàn. Đây là điều thường xảy ra với tất cả các đội tuyển hay CLB.
Kế đến, khi đối mặt với những tình huống cố định (đối phương được hưởng đá phạt trực tiếp, gián tiếp hay phạt góc), chỉ cần một chuệch choạc trong khâu phòng ngự hoặc can thiệp chậm một tích tắc... sẽ mở ra khoảng trống cho đối phương tận dụng ghi bàn. Sai sót là điều không thể tránh khỏi trong mỗi trận đấu.
Triệu Quang Hà nói: "Vì vậy, trong những tình huống này, các cầu thủ phải tập trung tối đa, tỉnh táo quan sát để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót. Ngoài ra, các HLV từ cấp CLB đến đội tuyển vẫn luôn tìm cách khắc chế những sai sót đó qua các bài tập cho các cầu thủ của mình. Tôi tin với những buổi tập vừa qua, HLV Park Hang Seo sẽ có những giải pháp để phần nào cải thiện được điểm yếu này của tuyển VN ở Asian Cup 2019".
Cựu tuyển thủ Trần Công Minh - người từng khoác áo tuyển VN ở vị trí hậu vệ - bổ sung: "Theo tôi, để giảm thiểu sự bất lợi về thể hình, đòi hỏi hàng phòng thủ của tuyển VN (bao gồm thủ môn lẫn các trung vệ, tiền vệ phòng ngự) phải quyết liệt đeo bám nhằm uy hiếp và gây sức ép với đối thủ khi bóng rời khỏi điểm đá phạt. Việc chủ động ngăn chặn này sẽ làm đối phương không có không gian trống và thời gian để đưa ra quyết định dứt điểm vào cầu môn, hay đánh đầu chuyền bóng cho đồng đội".
Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, nhiều nhà chuyên môn cũng đồng tình với nhận định của Triệu Quang Hà, Trần Công Minh và phân tích thêm: "Bất kỳ CLB hay đội tuyển quốc gia nào trên thế giới cũng đều có thủ lĩnh trên sân, thậm chí là thủ lĩnh của từng tuyến.
Vai trò của cầu thủ này rất quan trọng và được ví như cánh tay nối dài của HLV trưởng khi thi đấu với nhiệm vụ đôn đốc, thúc giục đồng đội hay truyền đạt mệnh lệnh chỉ đạo của HLV từ ngoài sân. Nhân vật đó phải nằm trong nhóm cầu thủ đá chính và quan trọng nhất, tiếng nói của người đó phải luôn được các đồng đội thực thi nghiêm túc".
Từ nhận xét này của các nhà chuyên môn, có thể thấy nhân vật thủ lĩnh của tuyển VN vẫn chưa được thể hiện rõ nét. Tại AFF Cup 2018, chiếc băng đội trưởng được luân chuyển qua Văn Quyết, Xuân Trường rồi Quế Ngọc Hải. Nhưng cả ba chưa cho thấy vai trò đích thực của mình thông qua hình ảnh thể hiện mạnh mẽ trên sân để "bốc" lên tinh thần thi đấu của đồng đội trong những tình huống "dầu sôi lửa bỏng".
Vì vậy, khi đối mặt với các tình huống đá phạt cố định của đối phương, việc thiếu một thủ lĩnh khiến hàng phòng ngự đội tuyển VN không có một đầu tàu trong việc nhắc nhở, chỉ huy đồng đội kèm người, thiết lập hàng rào, triển khai việc đánh chặn...
Có thể nói tuy bất lợi thể hình là một trong những lý do khiến tuyển VN nhận nhiều bàn thua từ tình huống cố định, nhưng bên cạnh đó còn có nguyên nhân là thiếu hẳn một thủ lĩnh thực sự, mà ở đây chính là vai trò của người được chọn mang băng đội trưởng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, chính là việc không để phạm lỗi ở những khu vực nguy hiểm trước khung thành đội nhà. Để làm được điều này, vai trò người đội trưởng rất quan trọng trong việc nhắc nhở để làm giảm sự hưng phấn quá mức của đồng đội trong các pha truy cản có thể dẫn đến việc phạm lỗi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận