TT - Arsenal đang đối mặt với một cuộc tháo chạy lớn. Hậu vệ Gael Clichy đã cập bến Manchester City, đội trưởng Cesc Fabregas và tiền vệ Samir Nasri nằng nặc đòi ra đi. Tất cả xuất phát từ chính sách thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt của CLB thành London.
Năm 2008, tiền đạo Robin Van Persie từng khẳng định Arsenal phải thay đổi cấu trúc lương, nếu không các cầu thủ hàng đầu của họ sẽ rơi vào tay các CLB sẵn sàng trả mức lương cao chót vót.
"Arsenal luôn theo đuổi mô hình “tự lực”: chi tiêu tằn tiện, không vung tay quá trán, luôn giữ tổng lương ở mức 50% doanh thu" |
Arsenal và HLV Arsene Wenger chấp nhận những mất mát này và tiếp tục con đường đã chọn. Nhưng lịch sử tiếp tục lặp lại. Hậu vệ Clichy theo chân Touré và Adebayor sang Manchester City, mức lương tuần 58.000 bảng (93.000 USD) được nâng lên thành 90.000 bảng. Đội trưởng Fabregas quyết tâm quay trở lại với đội bóng cũ Barcelona. Sự ra đi của cầu thủ người Tây Ban Nha gần như trở thành việc đã rồi. Hàng loạt CLB lớn, bao gồm Manchester City, Manchester United và Chelsea đang ve vãn Nasri.
Theo báo Guardian (Anh), mới đây Nasri đã từ chối đề nghị ký gia hạn hợp đồng thêm năm năm với Arsenal. Sẽ là một thảm họa đối với đội bóng thành London nếu HLV Wenger cùng lúc mất cả hai tiền vệ trụ cột Fabregas và Nasri. Arsenal đã đề nghị tăng lương cho Nasri lên 90.000 bảng/tuần, mức tối đa CLB có thể trả. Tuy nhiên, Nasri có thể kiếm được 150.000 bảng (240.000 USD)/tuần nếu đến Chelsea hay hai đội bóng thành Manchester. Giới chuyên gia bóng đá Anh cảnh báo nếu cả Fabregas và Nasri cùng dứt áo ra đi, Arsenal sẽ phải đối mặt với một “làn sóng di cư” không mong muốn.
Trong những năm qua Arsenal luôn theo đuổi mô hình “tự lực”: chi tiêu tằn tiện, không vung tay quá trán, luôn giữ tổng lương ở mức 50% doanh thu. Vì vậy, tài chính của Arsenal luôn lành mạnh, đội bóng thành London không rơi vào cảnh nợ đầm đìa như những đối thủ khác. Theo Goal.com, mùa giải trước Arsenal lãi trước thuế tới 56 triệu bảng (89,8 triệu USD), một con số thèm muốn với nhiều CLB khác.
Tuy nhiên, đó cũng chính là lý do khiến Arsenal mất đi tính cạnh tranh. Năm 2008, khi một loạt cầu thủ bắt đầu ra đi theo tiếng gọi đồng tiền, Arsenal mới chỉ trắng tay trong ba năm. Đến nay, cơn khát danh hiệu đã kéo dài tới sáu năm. Cơn hạn đó có thể sẽ còn tiếp diễn bởi hiện tại Arsenal không chỉ cạnh tranh với Manchester United, Chelsea và Liverpool. Manchester City đã trở thành một đối thủ lớn, trong khi Tottenham Hotspur cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ. Sẽ không dễ để Arsenal liên tục trụ trong tốp 4 tại Giải ngoại hạng Anh.
Cơn khát danh hiệu đã khiến nhiều người hâm mộ Arsenal bất mãn. Theo Guardian, trong năm nay giá vé vào sân Emirates đã tăng 6,5%. Việc đảm bảo sân luôn đầy ắp khán giả và duy trì nguồn doanh thu ổn định là một thách thức lớn đối với đội bóng thành London. Để làm được điều đó, HLV Wenger phải có một đội hình đủ mạnh để đương đầu với Chelsea, Manchester United, Manchester City.
SƠN HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận