Phóng to |
Nhóm học sinh lớp 12A1 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) đạt điểm cao kỳ thi đại học chung vui với giáo viên chủ nhiệm (giữa) sáng 2-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Việc xác định được mức điểm sàn hợp lý sẽ là một thách thức với Bộ GD-ĐT vì mức điểm sàn căn cứ cơ học trên thống kê điểm thi có thể sẽ là một mức sàn không khả thi trên thực tế.
Trường tuyển không hết...
Mặc dù đề thi khối A năm nay được đánh giá là khó hơn năm trước nhưng kết quả thi của các trường tốp đầu năm nay tập trung nhất ở mức 21-26 điểm. Chính vì vậy nguồn tuyển của các trường này không hề bị ảnh hưởng, điểm chuẩn tiếp tục duy trì ở mức cao và còn tăng so với năm 2010. Ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, đã xác nhận thông tin điểm chuẩn của Trường ĐH Ngoại thương không bị giảm sút do mặt bằng điểm thi đồng đều ở mức cao.
Đối với khối B, các trường y năm nay đều có mặt bằng kết quả thi trội hơn hẳn so với năm 2010. Trường ĐH Y Thái Bình có tới 1.289 thí sinh khối B đạt kết quả thi 20 điểm/ba môn trở lên (chưa tính điểm ưu tiên). Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh khối B của trường là 640 và khối A là 60 (ngành dược). Trường ĐH Y Hà Nội cũng dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng vì có nhiều thí sinh dự thi đạt điểm thi cao hơn năm trước. Tương tự, kết quả thi của thí sinh Trường ĐH Y dược TP.HCM cao nên điểm chuẩn dự kiến các ngành đều tăng. Dự kiến ngành tăng nhiều nhất tới 3 điểm, thấp nhất cũng 1 điểm...
Ở khối D, cũng như Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao cho biết với mặt bằng kết quả thi năm nay, dự kiến điểm chuẩn của trường sẽ có một số ngành khối D1 cao hơn.
Hàng loạt các trường ĐH tốp đầu khác cũng đã dự kiến điểm chuẩn sẽ ở mức bằng hoặc tăng so với năm trước như ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Bách khoa Hà Nội...
Trường lần chẳng ra
Ngược lại, các trường tốp giữa lại có mặt bằng điểm thi thấp hơn so với năm 2010 và đều dự kiến mức điểm chuẩn thấp hơn. Ông Nguyễn Đức Trọng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hàng hải, cho biết dự kiến điểm chuẩn năm nay có thể thấp hơn so với năm 2010. Tương tự, ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ - địa chất, cho biết trường sẽ phải dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển NV2.
Mặc dù có số lượng thí sinh dự thi tăng hơn nhiều so với năm trước nhưng các trường như ĐH Điện lực, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công đoàn, ĐH Hải Phòng, ĐH Lâm nghiệp Việt Nam... cũng chỉ giữ được một số ngành có mức điểm chuẩn bằng năm trước, còn nhiều ngành sẽ phải giảm do kết quả thi không cao. Theo ông Bùi Đức Hiền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, trong số 8.367 thí sinh dự thi khối A và gần 600 thí sinh dự thi khối D (năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh khối D), có hơn 50% thí sinh đạt điểm tổng ba môn thi từ 10,0 trở lên.
Ở phía Nam, hàng loạt trường tốp giữa, tốp dưới có mặt bằng điểm thi năm nay rất thấp, nhất là ở khối A và khối C. Kết quả thi của Trường ĐH Trà Vinh chỉ có 22/1.401 thí sinh dự thi khối A được điểm từ 13 trở lên. Nhiều ngành trường không có thí sinh nào đạt mức 13 điểm. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu của trường năm nay là... 3.000, riêng hệ ĐH lên đến 2.000. Theo thống kê của Trường ĐH Sài Gòn, khối C chỉ có 432/2.294 thí sinh đạt từ 14 điểm trở lên. Ở khối B cũng chỉ có 373/2.169 thí sinh đạt từ 14 điểm trở lên. Với mặt bằng điểm thi thấp hơn hẳn so với năm ngoái, trường đang dự kiến điểm chuẩn một số ngành phải thấp hơn và dành chỉ tiêu cho NV2.
Điểm chuẩn khối C, D sẽ giảm
Ở khối A và B không chỉ giảm điểm chuẩn, không ít trường mùa tuyển sinh năm nay sẽ phải xác định điểm chuẩn ở mức thấp nhất có thể, tùy điểm sàn của Bộ
GD-ĐT. Đối với khối C và D, mặt bằng điểm thi của nhiều trường có biến động, kết quả thi thấp hơn. Tương ứng với điều này, điểm chuẩn của hầu hết các trường khối C và D được dự báo sẽ giảm so với năm trước. Chỉ có một số ngành trong các trường đa ngành và một vài trường sẽ duy trì được mức điểm chuẩn bằng năm 2010.
Chính vì vậy, hầu hết các trường tốp giữa ở cả bốn khối thi năm nay đều đã xác định phải dành một tỉ lệ tương đối để xét tuyển NV2. Còn các trường tốp dưới, dù có tổ chức thi, năm nay vẫn phải trông cậy gần như hoàn toàn vào nguồn tuyển NV2, NV3.
Nguồn tuyển NV2 sẽ từ số thí sinh không trúng tuyển các trường tốp đầu và tốp hai. Nếu mức điểm sàn tiếp tục được duy trì như năm 2010, xét về số lượng thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển năm nay có thể vẫn duy trì được tỉ lệ giữa nguồn tuyển so với chỉ tiêu như mọi năm. Nhưng trên thực tế, nguồn tuyển của các trường tốp dưới vốn đã khát thí sinh có thể sẽ càng eo hẹp hơn.
Trước hết, nhóm trường tốp giữa năm nay có nhiều trường phải xác định điểm chuẩn thấp hơn năm trước, tiến đến sát điểm sàn. Nhiều trường “tận dụng” tối đa nguồn thí sinh bằng cách cho chuyển đổi ngành. Vì vậy, nguồn tuyển còn lại từ các trường này sẽ rất ít, đặt các trường tốp dưới vào thế cực kỳ khó khăn bởi số thí sinh nằm trong nguồn tuyển NV2 năm nay phần lớn sẽ là thí sinh không trúng tuyển vào các trường tốp đầu.
Nhưng theo thống kê nguồn thí sinh trúng tuyển NV2 của nhiều trường những năm trước cho thấy thí sinh không trúng tuyển các trường tốp đầu không hề “ngó ngàng” đến các trường tốp dưới, nhất là trường ngoài công lập. Từ thực tế này, có thể nhìn thấy trước cái khó của các trường tốp dưới và cả một số trường tốp giữa phải trông cậy nhiều vào NV2, NV3.
Bỏ điểm sàn hoặc xác định điểm sàn thấp Đó là nội dung kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam gửi Bộ GD-ĐT ngày 3-8. Trong bản kiến nghị, hiệp hội đánh giá kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay nói chung thấp hơn năm trước. Với kết quả này có thể trên thực tế vẫn không gây khó cho các trường ĐH thuộc tốp trên, nhưng với các trường thuộc tốp giữa và tốp dưới, trong đó có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường của địa phương sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có của nhiều trường. Hiệp hội này kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét một trong hai phương án. Phương án 1: giao cho các trường ĐH, CĐ căn cứ vào chỉ tiêu được phân, vào khả năng nguồn tuyển, vào yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình bộ duyệt. Phương án 2: chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường. Hiệp hội cũng chính thức đề nghị Bộ GD-ĐT nhanh chóng nghiên cứu để sớm đổi mới thi, tuyển sinh cho phù hợp điều kiện mới, tiến tới bỏ “điểm sàn chung”. Khối y, dược có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhất Theo thống kê của Bộ GD-ĐT được công bố ngày 3-8, cả nước có 327 thí sinh đạt 28 điểm trở lên trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong đó, khối ngành y, dược chiếm tỉ lệ cao nhất 56% với 183 thí sinh, khối ngành ngoại thương 18% với 59 thí sinh, khối khoa học công nghệ 13% với 42 thí sinh, khối tài chính - ngân hàng - kinh tế 12% với 38 thí sinh, khối sư phạm 0,9% với 3 thí sinh, khối nông nghiệp 0,6% với 2 thí sinh. Có 35 thí sinh đạt điểm từ 28 trở lên ở cả hai khối thi. Cùng ngày, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn. Trong đó, điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Y dược TP.HCM dự kiến là y đa khoa 26,5 (điểm chuẩn hệ ngoài ngân sách 24,5), răng hàm mặt 25 (23,5), dược học 26 (25), y học cổ truyền 21,5 (20), y học dự phòng 20,5 (19,5), điều dưỡng 19,5 (18), y tế công cộng 17, xét nghiệm 21,5 (20), vật lý trị liệu 20 (19), kỹ thuật hình ảnh 21 (20), kỹ thuật phục hình răng 23 (21), hộ sinh 20 (18,5) và gây mê hồi sức 21,5 (19,5). Các trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), ĐH Hoa Sen, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng đã công bố điểm chuẩn dự kiến (mời xem chi tiết trên tuoitre.vn). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận