09/01/2015 11:52 GMT+7

Áp dụng luật rất khôi hài trong vụ án ở Sóc Trăng

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Đó là đánh giá của ông Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi nói về một vụ án được đình chỉ điều tra ở Sóc Trăng.

Hai thanh niên bị bắt oan trong vụ án giết người xảy ra tại ấp Lâm Dồ (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã được  giải oan - Ảnh: Lê Dân
Hai thanh niên bị bắt oan trong vụ án giết người xảy ra tại ấp Lâm Dồ (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã được giải oan - Ảnh: Lê Dân

Trong khi đó, đại diện Viện kiểm sát cho rằng xem báo cáo bảy vụ án đình chỉ điều tra thì đến sáu vụ vận dụng sai luật.

Ngày 8-1, đoàn giám sát của Quốc hội đã giám sát tình hình oan sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại tại tỉnh Sóc Trăng - địa phương vừa xảy ra một số vụ oan sai mà báo chí phản ánh.

Báo cáo về thực trạng gây oan người vô tội trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, đặc biệt là vụ “bảy ông Chấn ở Sóc Trăng” (vụ bắt oan bảy thanh niên ở huyện Trần Đề trong vụ án giết người giữa năm 2013 - PV), Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng nguyên nhân do “sơ suất, chủ quan, nóng vội”.

“Điều tra viên giỏi chứ không yếu kém”

Làm sai thì thản nhiên, bồi thường thì... chậm

Đánh giá về việc bồi thường oan sai, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng đó là câu chuyện rất bức xúc, rất “nóng”. “Cán bộ ta ăn lương từ thuế của dân, làm sai thì thản nhiên và bồi thường thì chậm. Đương nhiên việc bồi thường phải theo quy định, nhưng việc trì hoãn bồi thường thì thể hiện thái độ của ta. Oan sai đối với một con người không chỉ người đó bị ảnh hưởng mà là cả gia đình, cả dòng họ của họ nữa” - ông Quyền băn khoăn.

Báo cáo với đoàn giám sát, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết tính từ cuối năm 2011 đến tháng 9-2014 đã đình chỉ điều tra 40 vụ án với 52 bị can.

Từ năm 2012 đến 2014, lực lượng điều tra thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong hoạt động điều tra, tuy nhiên trong quá trình phá án năm 2014 có trường hợp bắt oan bảy người trong vụ án giết người ở huyện Trần Đề.

Các trường hợp khác không xảy ra oan sai mà cơ quan điều tra đình chỉ điều tra theo yêu cầu của viện kiểm sát cùng cấp.

Công an tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết toàn tỉnh có 154 điều tra viên (có 90 điều tra viên sơ cấp), đa số có trình độ đại học, có kinh nghiệm...

Tuy nhiên trình độ, năng lực các điều tra viên không đồng đều, một số mới được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm, năng lực hạn chế.

Đại biểu Trần Khắc Tâm, ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng nguyên nhân dẫn đến oan sai do chủ quan, nóng vội là chưa thuyết phục, mà “phải chăng trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật của điều tra viên còn hạn chế?”.

Riêng vụ “bảy ông Chấn ở Sóc Trăng”, ông Tâm cho rằng các điều tra viên điều tra vụ án này rất giỏi, không yếu kém vì “đã xây dựng kịch bản, hướng dẫn người ta vô kịch bản để từ vô tội trở thành có tội thì sao mà kém được”.

Từ vụ án này, ông Tâm đề nghị đoàn giám sát “cho kiểm tra hết các vụ án khác mà có hai điều tra viên điều tra vụ “bảy ông Chấn ở Sóc Trăng” tham gia xem họ có bị oan không”.

Ngoài ra ông Tâm cũng đề nghị ngoài trường hợp ông Phạm Văn Lé (đã được đình chỉ điều tra) ở thị xã Vĩnh Châu không có trong báo cáo, đề nghị Công an tỉnh Sóc Trăng rà soát lại “xem còn oan sai nào chưa thống kê không”.

Ông Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trưởng đoàn giám sát, yêu cầu đối với 40 vụ án với 52 bị can được đình chỉ điều tra, Công an Sóc Trăng phải “cung cấp cho chúng tôi kết luận điều tra, căn cứ đình chỉ và nhận định về việc đình chỉ điều tra”.

Anh Trần Văn Đở (phải) và anh Thạch Mươl - hai trong bảy nạn nhân bị bắt oan trong vụ án giết người xảy ra tại ấp Lâm Dồ (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) - đã được giải oan - Ảnh: Lê Dân
Anh Trần Văn Đở (phải) và anh Thạch Mươl - hai trong bảy nạn nhân bị bắt oan trong vụ án giết người xảy ra tại ấp Lâm Dồ (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) - đã được giải oan - Ảnh: Lê Dân

Gây tổn hại sức khỏe 1% cũng bị khởi tố

Phát biểu về trường hợp đình chỉ điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng đối với một bị can mắc bệnh tâm thần nhưng lại áp dụng theo khoản 1, điều 25 Bộ luật hình sự (hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội), ông Nguyễn Đình Quyền đánh giá “áp dụng rất khôi hài”. Ông cho rằng: “Bị can bệnh tâm thần thì sao mà đình chỉ theo điều này được”.

Một vụ án khác được đình chỉ điều tra áp dụng theo khoản 1 điều 25 cũng đã được ông Nguyễn Mạnh Cường, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, băn khoăn vì hành vi vi phạm giao thông gây chết người nhưng lại được đình chỉ vì không còn nguy hiểm cho xã hội (vụ Văn Kim Ngọc, khởi tố bị can ngày 30-9-2011).

“Có thay đổi thường là do tình hình mới khiến hành vi đó không còn nguy hiểm nữa, chứ hành vi vi phạm giao thông thì trước hay sau đâu có thay đổi gì” - ông Cường nói. Tương tự, ông Hoàng Công Huấn - phó vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) - cũng cho rằng dù chưa có hồ sơ nhưng xem qua báo cáo 7 vụ án đình chỉ điều tra theo điều 25 Bộ luật hình sự, ông thấy chỉ có một vụ là có căn cứ, còn lại có dấu hiệu được vận dụng sai, trong đó ông Huấn có nêu trường hợp cố ý gây thương tích gây tổn hại sức khỏe tỉ lệ 1% cũng bị khởi tố.

“Viện kiểm sát có trách nhiệm rất lớn trong việc phê chuẩn lệnh khởi tố bị can” - ông Huấn nêu quan điểm.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên