12/08/2009 05:12 GMT+7

Áo tứ thân trên... trống đồng Ngọc Lũ!

H.L.
H.L.

TT - Áo tứ thân trên trống đống Ngọc Lũ? Phát hiện mới chăng? Như vậy là áo tứ thân của phụ nữ VN đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm? Vâng, đó là phát hiện mới nhưng là phát hiện mới của thí sinh P.H.M. trong đêm chung kết 7-8 cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình năm 2009.

P.H.M. còn phát hiện thêm là giấy dó làm tranh dân gian Đông Hồ (vốn có nhiều thông tin trên mạng - NV) được... “ấy”... (từ dùng của thí sinh) một lớp điệp và màu vàng cũng làm từ hoa điệp.

EiSUvRAW.jpgPhóng to
Đêm chung kết đầu tiên cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình - Ảnh: Công ty Cát Tiên Sa cung cấp
Vòng chung kết cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình 2009 (do HTV cùng công ty Cát Tiên Sa phối hợp thực hiện) diễn ra trong năm đêm 5, 7, 8, 12 và 20-8. Ngoài ra sẽ có một đêm giao lưu giữa thí sinh và khán giả vào ngày 15-8. Tất cả các đêm thi này đều được THTT trên kênh HTV9 lúc 20g30.

Để giúp các thí sinh chuẩn bị tốt và đảm bảo tính chất “an toàn” cho chương trình nên 12 thí sinh đều được bốc thăm trước đề thi để chuẩn bị.

Trong vòng chung kết đêm 7-8 vừa qua, không chỉ P.H.M. có “phát hiện mới” về văn hóa VN mà nhiều thí sinh khác cũng công bố những bất ngờ - chắc chắn sẽ khiến các nhà sử học, khảo cổ học, văn hóa học phải giật mình. Trong phần ứng diễn về cây tre, thí sinh T.D.H. quả quyết Ngô Quyền đã đóng cọc tre xuống lòng sông Bạch Đằng để đuổi thuyền giặc. Có lẽ những chiếc cọc gỗ lim dài hàng mấy mét được vót nhọn, bịt sắt đang nằm trong bảo tàng cũng sẽ phải... kinh ngạc.

Thí sinh N.T.B.N. cũng gây ngạc nhiên khi nói rằng nhà sàn (trong ảnh minh họa là hình nhà dài Ê Đê được chụp ở Bảo tàng Dân tộc học VN) là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa hát ví (điệu hát truyền thống của xứ Nghệ).

Người dẫn chương trình truyền hình không phải là nhà hùng biện, nhưng trước hết phải chuyển tải kiến thức chính xác, chân thật. Không rõ do kiến thức nền tảng về văn hóa, lịch sử chưa được bồi đắp hay do quên bài nên thí sinh có thể rất hùng hồn diễn xuất với những vật dụng quen thuộc hằng ngày (xe đạp, nón bảo hiểm...) nhưng khi nói về các vật dụng khác - biểu tượng, di vật của lịch sử, văn hóa thì sa vào lan man, thông tin sai lệch và ngô nghê; dù theo thông tin bên lề cuộc thi được phát trên HTV, họ đã có một thời gian khá dài tập dượt kịch bản với ban tổ chức. Phải chăng khi không được nói những gì do chính mình tư duy dễ trở thành cái máy nói và hậu quả là có nhiều phát hiện mới đáng kinh ngạc?!

Ban tổ chức cũng có lý khi cho rằng đó là kịch bản riêng của cuộc thi. Nhưng liệu có ổn không khi phần thi ứng diễn với đồ vật thí sinh cũng được biết trước để tập dượt. Ngay cả phần thi ứng xử với ban chủ khảo (được coi là điểm nhấn để phát hiện thí sinh vượt trội có khả năng giải quyết tình huống, thể hiện kỹ năng giao tiếp) cũng được tập trước. Một thí sinh lọt vào vòng chung kết năm 2008 cho biết: phần ứng xử với ban chủ khảo, thí sinh sẽ được biết trước câu hỏi, được tự đưa ra đáp án, nhưng ban tổ chức sẽ hướng dẫn và hướng thí sinh trả lời nếu thấy phần trả lời của thí sinh chưa ổn. “Tập hết mà” - thí sinh này cho biết thêm.

Cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình đã bước sang tuổi thứ 6. Còn nhớ năm trước, một thành viên ban tổ chức nói rằng mong muốn qua cuộc thi sẽ phát hiện những người dẫn chương trình có cá tính, vừa nói giỏi vừa hiểu biết nhiều, có khả năng biên tập, làm chủ chương trình của mình, chứ không phải chỉ biết thuộc bài. Với những thực tế này liệu có tìm được?

H.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên