27/11/2015 18:34 GMT+7

Anne Paceo: Chơi trống giúp tôi sống lại những ngày thơ ấu ở châu Phi

BÌNH MINH thực hiện
BÌNH MINH thực hiện

TTO - Tay trống nữ người Pháp Anne Paceo từng trình diễn tại Hà Nội năm 2011 và tại TP.HCM vào năm 2014. Lần này, cô sẽ tiếp tục mang đến cho khán giả những giai điệu đặc sắc trong buổi biểu diễn vào ngày 27-11 tại TP.HCM và 28-11 tại Hà Nội.

Tay trống nữ người Pháp Anne Paceo (trái) trò chuyện cùng Antonin Tri Hoang - thành viên chơi saxophone trong ban nhạc để chuẩn bị cho buổi biểu diễn tối 27-11 tại Nhạc viện TP.HCM - Ảnh: Bình Minh

Nữ nghệ sĩ có cuộc trò chuyện ngắn với Tuổi Trẻ.

* Là một tay trống nữ, chị thấy có gì khác biệt hay vấp phải khó khăn gì so với những tay trống nam?

- Tại Pháp, không nhiều phụ nữ chơi trống bởi mọi người thường quan niệm đây là nhạc cụ dành cho nam giới, với những động tác mạnh bạo. Đôi khi thậm chí những đồng nghiệp nam cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm với những tay trống nữ. Họ thấy khó chấp nhận việc một cô gái chơi loại nhạc cụ vốn chỉ dành cho họ.

Tuy nhiên, là một tay trống nữ, tôi có cách tiếp cận với nhạc cụ này một cách mới mẻ và khác biệt hơn. Tôi không tập trung vào kỹ thuật hay cường độ, mà chú ý đến những giai điệu và tìm cách cảm nhận âm nhạc hết mức có thể.

* Trong gia đình, ai là người đã nuôi dưỡng ước mơ chơi trống của chị?

- Không ai cả. Mẹ tôi là họa sĩ, còn cha tôi chơi guitar rất dở (cười). Từ lúc mới sinh đến năm 3 tuổi, tôi sống tại châu Phi, nơi có rất nhiều người chơi trống. Lúc quay trở về Pháp, tôi nhớ nơi ấy da diết, nhớ cái mùi hơi đất hăng hăng mỗi ngày trời mưa, nhớ mùi bơ mà người dân bản địa hay bôi lên da để giữ ẩm.

Đó chỉ là những ký ức và cảm xúc của một đứa trẻ lên ba. Nhưng tôi nghĩ, chơi trống sẽ khiến tôi có thể sống lại những ngày thơ ấu ở châu Phi. Vì thế, khi lên 10 tuổi, tôi nói với mẹ là mình muốn chơi trống.

* Ấn tượng của chị về TP.HCM?

- Thành phố lớn, nhiều năng lượng, tôi rất thích không khí thành phố, những người bán hàng rong. Mọi người ở đây rất thân thiện.

Ngày hôm qua khi vừa đặt chân đến, chúng tôi đã được thưởng thức bữa tối ngon tuyệt với gỏi cuốn và bánh xèo. Cả nhóm rất thích món ăn Việt Nam và muốn được thử nhiều món hơn.

* Vậy từ đó đến nay, chị có quay lại châu Phi để biểu diễn lần nào chưa?

- Tôi trở lại châu Phi vào năm 2010. Lúc ấy tôi thấy như mình được quay về căn nhà thân thương, vô cùng hạnh phúc và xúc động. Đáng tiếc là tôi không thể liên lạc được với những người bạn năm xưa.

* Khi chị nói với cha mẹ mình chị muốn trở thành tay trống, họ có phản đối gì không?

- Năm mẹ tôi 18 tuổi, bà nói với gia đình rằng mình muốn trở thành một họa sĩ nhưng không được chấp thuận. Ông bà tôi cho rằng họa sĩ không phải là một nghề nghiệp đúng nghĩa và muốn mẹ tôi trở thành giáo viên. Vì vậy, khi biết tôi muốn trở thành tay trống, mẹ nói rằng tôi hãy cứ đi theo sự lựa chọn của mình.

Tôi nhớ mãi lời mẹ dạy, rằng trong cuộc sống hãy làm công việc mình thích, vì điều đó khiến ta hạnh phúc. Và mẹ đã hết lòng thúc đẩy ước mơ của tôi, giúp tôi chọn trường học, ủng hộ và chỉ dẫn tôi từng chút một. Tôi thấy mình rất may mắn và hạnh phúc.

* Yếu tố nào ảnh hưởng nhiều nhất đến âm nhạc của chị?

- Tôi lấy cảm hứng từ những con người mình gặp và những vùng đất mà tôi đi qua. Năm 2011 sau khi biểu diễn tại Hà Nội, tôi đã sáng tác ca khúc Little Buddha”(tạm dịch: Bức tượng Phật nhỏ). Trước khi sang Việt Nam, cô em gái có nhờ tôi mua về một bức tượng Phật. Tôi đã rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội chỉ để tìm mua một bức tượng đẹp cho em mình. Kỷ niệm ấy đã giúp tôi viết nên tác phẩm âm nhạc.

Khi đến một đất nước, tôi rất thích gặp gỡ các nghệ sĩ tại đó. Hy vọng lần này tôi có thể kết nối với các nghệ sĩ hoặc nhạc sĩ Việt Nam để cùng thực hiện một dự án âm nhạc.

* Trong sự nghiệp chơi trống của mình, kỷ niệm nào với chị là đáng nhớ nhất?

- Đó là vào tháng một năm nay, chúng tôi đang ghi âm cho đĩa nhạc thứ tư tại một thành phố phía Nam nước Pháp. Trong ngày thu thứ hai thì tòa soạn báo Charlie Hebdo bị tấn công. Tại Pháp, chúng tôi rất trân trọng các nhà báo, và sự hài hước, châm biếm trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Khi những giá trị đó bị tàn phá, chúng tôi cảm thấy suy sụp và thất vọng. Cuối cùng, phần lớn các ca khúc trong dĩa nhạc thứ tư của nhóm đều toát lên nỗi buồn. 

* Chị có điều gì để nói với khán giả TP.HCM trước buổi hòa nhạc đêm nay?

- Tôi hy vọng khán giả sẽ đón nhận các tác phẩm âm nhạc của nhóm và muốn chúng tôi đến vào lần sau. Thực sự tôi rất mong có dịp quay lại TP.HCM.

Ban nhạc 4 thành viên của Anne Paceo sẽ biểu diễn tại TP.HCM ngày 27-11 và tại Hà Nội ngày 28-11, trong khuôn khổ Liên hoan âm nhạc châu Âu 2015.

Trong chương trình này, Anne sẽ giới thiệu một số tác phẩm trong album thứ ba mang tên Yôkaï và một số bài mới do cô sáng tác.

Trong tiếng Nhật, Yôkaï tượng trưng cho những thứ liên quan đến linh hồn và thần thánh. Anne cho biết các tác phẩm trong album này khiến người nghe không chỉ cảm nhận được âm nhạc mà còn như đang được chu du ở những vùng đất lạ.

BÌNH MINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên