15/06/2016 08:57 GMT+7

Anna Moi: “Khi viết, tôi không có quốc tịch!”

BẢO TUỆ LAM
BẢO TUỆ LAM

TTO - Trong cuộc trao đổi văn chương chiều 13-6 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), nhà văn Anna Moi - người có 8 tập sách được xuất bản từ các nhà xuất bản danh tiếng của Pháp - đã mang lại cho người nghe nhiều 
cảm xúc.

Nhà văn Anna Moi trong cuộc trò chuyện với độc giả Hà Nội chiều 13-6   - Ảnh: Linh Nguyễn
Nhà văn Anna Moi trong cuộc trò chuyện với độc giả Hà Nội chiều 13-6 - Ảnh: Linh Nguyễn

Sinh năm 1955 tại Sài Gòn, Anna Moi tên thật là Trần Thiên Nga, vốn là người đam mê nghệ thuật. Bà được học đủ cầm kỳ thi họa. Qua nhiều biến cố thăng trầm, bắt đầu từ một bài thơ viết năm 16 tuổi, cho tới sau hơn 20 năm Anna Moi mới bắt đầu viết trở lại.

Chúng ta sinh ra không thể là một nhà văn ngay được, bạn cần phải có tố chất và nếu tố chất ấy không được bồi đắp, nó có thể mai một. Và ngược lại, nếu gặp đủ nhân duyên, nó sẽ bất chấp tất cả mà tồn tại và bùng cháy ngay cả khi bạn chưa chuẩn bị - người phụ nữ này tin vậy từ chính cuộc đời mình.

Theo học lịch sử tại Trường đại học Nanterre, sau 20 năm lăn lộn ở Paris, thậm chí Anna Moi đã trở thành một nhà thiết kế thời trang với phong cách, chất liệu đậm chất... Việt Nam. Bà mở một cửa hiệu thời trang mang tên Anna Moi.

Thời trang, cũng như văn chương, đều là những công việc tìm tòi chất liệu sáng tạo, nhưng ngọn lửa văn chương vẫn cháy trong mình Anna Moi. Và bà nhớ thời điểm đó là năm 1992, khi bà quay lại Việt Nam.

“Lúc đó, Việt Nam giống như trong ký ức thơ bé của tôi. Bao nhiêu cảm xúc ùa lại, bủa vây, thôi thúc tôi phải viết. Đó là những mùi hương, những xúc giác, vị giác, cảm giác thân thương của tình cảm con người mang lại cho tôi” - Anna Moi nhớ lại.

Anna Moi kể: “Tôi vốn từng học nhạc, học đàn piano và tôi nghĩ mình không thể hát được bởi giọng tôi vốn trầm chứ không cao, tôi rất thiếu tự tin vì điều đó. Cho tới khi tôi gặp một ca sĩ người Ý, anh đã dạy tôi cách lấy hơi, ngâm nhả đúng cách. Khi tôi hát được cũng là lúc tôi bàng hoàng nhận ra: mình đã hát được rồi thì tại sao lại không thể viết được? Chẳng có cái gì là không thể, phải không? Điều đó đã thay đổi ý nghĩ của tôi”.

Kể về những giấc mơ tuổi thơ, về những nhà văn mình mơ ước trở thành, trong câu chuyện của nữ nhà văn có một thời điểm gây chấn động.

Đó là năm 2000, Anna Moi cùng con trai đi chơi, run rủi thế nào hai mẹ con tới thăm Côn Đảo. Khi biết ở đây còn có hệ thống di tích nhà tù, bà định rút lui nhưng không được, bởi muốn về phải có trực thăng. Và bà đã miễn cưỡng đi thăm nhà tù Côn Đảo.

Côn Đảo đánh mạnh vào tâm trí bà, bà đã thật sự gục ngã và bị thôi thúc muốn viết cái gì đó về vùng đất ấy. Nhưng viết gì, chọn mình đứng ở vị trí nào để không giống ai, không nhàm chán hay không phải là lý thuyết về một cuộc chiến?

Câu hỏi cứ day dứt mãi đến ngày bà gặp hai nữ tù nhân ở Côn Đảo, họ kể cho bà nghe với một giọng bình thản như đó là những ngày tháng tối tăm nhất họ đã vượt qua và bây giờ, họ đã vượt qua được nó một cách dũng cảm. Tiểu thuyết Riz Noir (Lúa đen) ra đời từ đó.

“Tôi không muốn viết một cách bằng phẳng, theo trình tự, mà tôi chọn cách viết đặc biệt, kết thúc tự người đọc có thể kết nối và suy luận theo cách riêng của mình. Tôi chịu ảnh hưởng của nhà văn Tonni Morrison”.

Chọn cách đứng ở vị trí một trong hai nữ tù nhân Côn Đảo để thể hiện, Anna Moi tái hiện cách mà những người nữ tù cảm nhận cuộc sống, nhìn bầu trời qua cửa sổ buồng tù, ngửi mùi hạt điều đâu đây hay nỗi sợ trước khi bị gọi lên thẩm vấn chứ không phải lúc bị tra tấn...

Theo tiến sĩ Manuel Bengoechea, Anna Moi “đã cống hiến cho độc giả những nhân vật được thực hiện không chỉ qua các nét khắc họa thông thường, mà bằng các xúc giác, thính giác, vị giác. Đọc tác phẩm của Anna Moi, các giác quan của bạn được đánh thức”.

Còn để trả lời câu hỏi thế rốt cuộc Anna Moi là ai, người Việt hay Pháp, bà là nhà thiết kế thời trang hay nhà văn, Anna Moi đã rất hóm hỉnh trả lời: “Khi viết, tôi là người không có quốc tịch, tôi chỉ là một nghệ sĩ mà thôi!”

Bên cạnh ba tập truyện ngắn, tiểu luận, Anna Moi đã xuất bản ở Pháp ba cuốn tiểu thuyết: Violon, Rapaces Riz Noir. Tiểu thuyết mới nhất của bà Le Venin du papillon (Nọc bướm) sẽ được Nhà xuất bản Gallimard ấn hành vào tháng 1-2017.

BẢO TUỆ LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên