27/07/2012 05:40 GMT+7

Anh và em cúi đầu trước cỏ

PHƯƠNG TRÀ thực hiện
PHƯƠNG TRÀ thực hiện

TT - Khi người lính lặng im tan vào đấtLà cuộc đời chảy tiếp những dòng sông...

Nhà thơ - đại tá Nguyễn Hữu Quý đã viết như vậy về sự hi sinh của người lính.

7e8wU2Jm.jpgPhóng to

Nhà thơ - đại tá Nguyễn Hữu Quý - Ảnh: Phương Trà

Từ miền quê chang chang nắng cát, từ cuối dòng sông Gianh "phía lở phía bồi/bến mưa bến nắng, bến vơi bến đầy", Nguyễn Hữu Quý trở thành lính Trường Sơn. Anh đã chứng kiến bao đồng chí, đồng đội ngã xuống, bao bà mẹ mòn mỏi chờ con ra trận trở về. Và anh viết. Những bài thơ, trường ca về người lính, về liệt sĩ, thương binh được nhà thơ - đại tá Nguyễn Hữu Quý viết bằng sự tri ân, bằng nước mắt thấu cảm nên đọng lại rất lâu trong lòng người đọc. Như...

Anh và em cúi đầu trước cỏVạn chiến binh không mộ lẫn vào xanh...

(Những hồi chuông màu đỏ).

Nhà thơ - đại tá Nguyễn Hữu Quý đang công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Anh đã xuất bản nhiều tập thơ, trong đó hầu hết viết về người lính: Mười nghìn khát vọng, Huệ trắng, Làng đảo, Im lặng trên cao; các trường ca: Sinh ở cuối dòng sông, Vạn lý Trường Sơn; các bút ký: Dưới tán cây bồ đề, Cầu vồng Hiền Lương...

* Anh đã xuất bản nhiều tập thơ, trường ca, trong đó có rất nhiều tác phẩm đầy xúc động về những người lính đã ngã xuống, những bà mẹ có con ra trận mãi mãi không trở về. Bên cạnh trải nghiệm của một người lính Trường Sơn, còn điều gì thôi thúc để anh bật lên những bài thơ rưng rưng, ám ảnh như thế?

- Tôi là một người con của quê hương Quảng Bình, một vùng đất đã hứng chịu nhiều đạn bom trong những năm chống Mỹ, một vùng đất trải qua biết bao hi sinh, mất mát song cũng rất anh dũng, can trường. Chiến tranh ám ảnh tôi, dù khi máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc tôi còn là một đứa trẻ, còn đi học. Nhưng cảnh tang thương mất mát, sự khốc liệt của chiến tranh và sự quật cường của người dân quê tôi trong cuộc chiến ấy đã dội vào tôi, để lại những ký ức không thể nào quên. Tôi cảm nhận chiến tranh từ những hình ảnh cụ thể của quê hương mình, từ những đau thương, xót xa của gia đình mình.

Năm 1968 mẹ tôi chết vì bom Mỹ. Nỗi đau ấy còn mãi trong tâm thức tôi. Và đấy là một phần những hi sinh mất mát mà tôi cảm nhận được. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta phải nén lại nỗi đau và viết những vần thơ, những lời ca hùng tráng cổ vũ, động viên cả dân tộc ra trận. Sau cuộc chiến, chúng ta có những tác phẩm với góc nhìn rộng hơn, sâu hơn, nhiều tầng nấc hơn và không thể không đề cập đến sự hi sinh mất mát.

* Tôi tin rằng khi đọc tập thơ Những hồi chuông màu đỏ của anh, không ít người đã rơi nước mắt với bài Tấm vé tàu Thống Nhất dành cho cha có những câu:

Tấm vé tàu con mua cho chacũng bình thường như bao tấm vé khácChỉ khácnó không bị xé đi một góc khi cha bước lên tàuSuất cơm kèm theo dành cho khách vẫn còn nguyênVà, ngồi thay cha trên ghế mềm là chiếc balô đựng hài cốt!...

Từ xúc cảm nào mà anh viết bài thơ này?

- Năm 2008, tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội mở trại sáng tác tại TP.HCM, tôi được nghe câu chuyện từ một người bạn văn kể lại: có một đôi vợ chồng trẻ từ Bắc vào Nam tìm hài cốt cha mình. Sau khi tìm được, đôi vợ chồng trẻ đặt hài cốt vào trong balô của cha. Ðó là chiếc balô từng gắn bó với người cha trong chiến tranh, sau đó được gửi về gia đình cùng tờ giấy báo tử.

Ðôi vợ chồng trẻ đưa hài cốt cha trở về Bắc trên chuyến tàu Thống Nhất và họ đã mua ba tấm vé, hai tấm dành cho người còn sống và một tấm vé dành cho người đã hi sinh. Tôi nghe câu chuyện và xúc động vô cùng. Tôi nghĩ khi đó tấm vé tàu Thống Nhất không còn là tấm vé bình thường nữa mà nó như một tấm chứng minh thư của người lính trở về.

PHƯƠNG TRÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên