Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, điểm sạt lở ở cạnh cầu Trung Hà có chiều dài khoảng 300m, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 30 hộ dân khu 13, khu 14, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, Phú Thọ.
Trước đó, Tuổi Trẻ có phóng sự ảnh "Lời cảnh báo từ những dòng sông" (đăng ngày 6-7) phản ánh câu chuyện sông Đáy, sông Nhuệ và 4 dòng sông nội đô Hà Nội gồm Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng.
Trong khi đó lòng dẫn của sông Đà, sông Hồng bị tụt sâu khiến tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp, cuốn trôi không ít diện tích đất bãi bồi, nứt nhà dân.
Đáng lo ngại hơn khi lòng dẫn của sông Đà, sông Hồng bị tụt sẽ khiến các dòng sông nhánh, kênh thủy lợi ở miền Bắc khó có thể "hồi sinh" vì ô nhiễm gia tăng do không có nước tạo dòng chảy.
Chiều 14-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông - cho biết khi phát hiện tình trạng sạt lở đất bãi ở xã Dân Quyền, đơn vị này đã báo cáo lên UBND tỉnh Phú Thọ để xin ý kiến. Đến thời điểm hiện tại UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thi công xây dựng công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Đà.
"Về chức năng, kỹ thuật, UBND huyện Tam Nông không có phương tiện đo đạc đánh giá tụt lòng dẫn của sông Đà do đâu. Còn về diện tích chuối bị trôi xuống sông Đà có được bồi thường hay không còn phải xác định lại diện tích đất canh tác mà người dân trồng có nằm trong bìa đỏ được giao", ông Hùng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước tình trạng sạt lở có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai với sự cố sạt lở bờ sông Đà thuộc địa phận xã Dân Quyền, huyện Tam Nông.
UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai ngay dự án kè bờ bằng đá hộc để chống sạt lở, bảo vệ tài sản cho người dân và bảo vệ trụ T13 cầu Trung Hà. Dự án với tổng kinh phí khoảng 14,5 tỉ đồng, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu hoàn thành trước 30-10.
Thêm hình ảnh khắc phục sạt lở dưới chân cầu Trung Hà:
Xói lở cầu Trung Hà do đâu?
Trong văn bản số 21 (ngày 8-1) gửi Sở Giao thông vận tải Phú Thọ, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin việc lòng sông dưới chân cầu Trung Hà bị xói lở và hạ thấp lòng dẫn hệ thống sông Hồng - Thái Bình trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp.
Bởi theo Cục Thủy lợi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bị xói lở, hạ thấp lòng dòng sông thuộc hệ thống sông Hồng - Thái Bình, trong đó có cầu Trung Hà, là do việc khai thác cát.
"Chính quyền và nhân dân trong khu vực rất hoang mang, lo lắng"
Trước đó như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, trong văn bản số 1355 báo cáo bí thư Thành ủy (ngày 15-5), chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng diễn ra công khai, tấp nập.
"Hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất ngày đêm. Các tàu thuyền vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động. Tình trạng hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy… Chính quyền và nhân dân trong khu vực rất hoang mang, lo lắng", nội dung văn bản số 1355 nêu.
Hơn một tháng sau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn ký văn bản số 2467 (ngày 21-6) tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản của một doanh nghiệp đối với mỏ cát ở lòng sông Đà để theo dõi, đánh giá.
Trong khi đó, ngày 1-7, thông tin tới Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết theo báo cáo số 13 ngày 6-2-2024 của UBND tỉnh Phú Thọ gửi đơn vị này, địa bàn tỉnh Phú Thọ có 25 giấy phép khai thác cát trên sông Hồng còn hiệu lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận