Lao động nhập cư đang làm công việc IT tại Anh. An ninh mạng là một trong những lĩnh vực đang thiếu nhân lực - Ảnh: personneltoday.com
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Anh phụ trách di trú, Seema Malhotra, ngày 21-8 cho biết yêu cầu về thị thực làm việc đối với lao động có tay nghề trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin (IT) có thể sẽ được thắt chặt như một phần của nỗ lực thúc đẩy "nhân tài trong nước".
Trong một bài viết đăng trên tờ The Telegraph, bà Seema Malhotra cho biết, trong thời gian dài, hai lĩnh vực này đã tuyển dụng ồ ạt lao động nước ngoài trong khi lẽ ra nên thu hút "nguồn nhân tài trong nước ngày càng tăng".
Trước đó, ngày 7-8, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper đã yêu cầu Ủy ban cố vấn di cư (MAC) điều tra xem liệu các công ty kỹ thuật và IT, chiếm tới 1/6 tổng số thị thực lao động nước ngoài có tay nghề, có thể giảm phụ thuộc vào lao động nhập cư để mang lại cơ hội cho lao động trong nước.
Bình luận của bà Malhotra được đưa ra khi Bộ Nội vụ ngày 22-5 dự kiến công bố số liệu cho thấy thị thực dành cho lao động có tay nghề và sinh viên đã giảm 1/3 trong năm qua sau hàng loạt biện pháp nhằm giảm nhập cư, trong đó có nâng mức lương và hạn chế số lượng người phụ thuộc của người xin thị thực.
Theo phân tích của tờ the Telegraph, tại Anh, số lượng đơn xin thị thực du học và làm việc, gồm cả người phụ thuộc, đã giảm từ 541.200 trong 7 tháng đầu năm ngoái xuống còn 353.300 trong cùng kỳ năm nay.
Lượng di cư ròng tại Anh (số người đến trừ số người rời Anh) đạt mức cao kỷ lục 764.000 vào cuối năm 2022 trước khi giảm xuống mức 685.000 vào cuối năm 2023.
Sau khi lên nắm quyền, Công đảng đã áp dụng hầu hết các biện pháp giảm nhập cư của đảng Bảo thủ đưa ra, song bà Malhotra cho biết những hạn chế này chỉ là giải pháp tạm thời cho một vấn đề lớn hơn nhiều mà chính phủ không thể tiếp tục bỏ qua.
Bà cho rằng thách thức thực sự đối với nền kinh tế và hệ thống nhập cư là giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến nhiều doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động quốc tế, đó là tình trạng thiếu hụt kỹ năng cơ bản tại quê nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận