16/07/2016 15:26 GMT+7

Ảnh chứa tranh Trừu tượng là ngụy tạo

DIÊN VỸ
DIÊN VỸ

TTO - Tấm ảnh cũ do ông Jean-François Hubert (Pháp) công bố có bức tranh Trừu tượng ký tên Tạ Tỵ (mà họa sĩ Thành Chương nói do chính ông vẽ chứ không phải Tạ Tỵ) là ảnh giả mạo.

Ảnh nguyên gốc (trái) và ảnh ghép bức tranh lên cánh cửa phía sau (phải).

Ngày 15-7, ông Jean-François Hubert (Pháp, chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong) đưa ra bức ảnh cũ chụp bốn nhân vật: họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm và ông Trần Quý Thịnh với đằng sau có bức tranh nhìn rõ cả chữ ký của Tạ Tỵ, dán trên cánh cửa gỗ, giống y chang bức tranh Trừu tượng ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) và nói rằng “Tấm ảnh này được chụp ở Hà Nội năm 1972” nhằm chứng minh bức tranh Trừu tượng của họa sĩ Tạ Tỵ.

Tuy nhiên, trang facebook Nghệ Thuật Xưa đưa lên một bức ảnh gốc chụp bốn nhân vật: họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm và ông Trần Quý Thịnh hoàn toàn không có bức tranh dán trên cánh cửa gỗ, cho thấy tấm ảnh mà ông Jean-François Hubert công bố là... sản phẩm photoshop, ngụy tạo rõ rệt bằng cách ghép thêm bức tranh Trừu tượng vào cánh cửa gỗ.

Đồng thời trên facebook của họa sĩ Lê Huy Tiếp ngày 15-7 cũng đăng bức ảnh gốc này (chưa được ghép thêm bức tranh). Họa sĩ Lê Huy Tiếp cho hay ông nhận bức ảnh này từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Họa sĩ Thành Chương xem bức tranh Trừu tượng được ký tên tác giả Tạ Tỵ ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Theo ông Thành Chương, bức tranh này là của ông vẽ theo phong cách lập thể - Ảnh: HỮU KHOA
Họa sĩ Thành Chương xem bức tranh Trừu tượng được ký tên tác giả Tạ Tỵ ở triển lãm - Ảnh: HỮU KHOA

Trước đó, dư luận xôn xao khi họa sĩ Thành Chương khẳng định bức tranh Trừu tượng được cho là của Tạ Tỵ (khổ 47 x 56cm, có chữ ký “Tạ Tỵ 52” ở góc trái) đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là tranh do chính ông vẽ theo phong cách lập thể (sáng tác từ năm 1970 - 1972).

Ngày 15-7, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và họa sĩ Thành Chương có mời ông Vũ Xuân Chung - người sưu tập 17 bức tranh được triển lãm, đến bảo tàng để cùng gặp gỡ, trao đổi nhưng ông Chung không đến.

Ông Jean François Hubert chính là người bán cho ông Vũ Xuân Chung toàn bộ 17 bức tranh đang được triển lãm tại Những bức tranh trở về từ châu Âu.

Cuộc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 10-7 đến 21-7 gồm 17 tác phẩm được giới thiệu là của các họa sĩ thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 1945) nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung dấy lên các nghi vấn liên quan đến phòng tranh. 

Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã yêu cầu bảo tàng phải lập hội đồng giám định tranh để sớm trả lời công luận.

Xem 17 bức tranh triển lãm TẠI ĐÂY

DIÊN VỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên