26/02/2015 10:47 GMT+7

​“Ăn tết” trong bệnh viện

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TT - Ngày tết, ai chẳng muốn được quây quần trong vòng tay gia đình. Vậy mà đùng một cái, tai nạn đau thương trên đường đã ập đến nhà tôi.

Những ngày phải “đón xuân” trong bệnh viện, chúng tôi mới thật sự hiểu gánh nặng tai nạn giao thông khủng khiếp đến mức nào...

Chị tôi nằm đó, cả gia đình cũng không còn tết - Ảnh Quốc Minh

1. Sáng 29 tết, chị tôi chuẩn bị gần xong mâm cúng cuối năm. Sực nhớ còn thiếu chút đồ cúng, chị tôi lại đon đả ra chợ. Nhà gần cầu Thị Nghè (Q.1, TP.HCM), chị nhận việc đi chợ mỗi ngày. Cuối năm, con trai được nghỉ học, xin chở mẹ.

Chị gật đầu, không quên nhắc nhở: “Cẩn thận, chầm chậm thôi”. Người con bật cười: “Mẹ an tâm, đi có chút xíu đường, mà mới sáng sớm chẳng ai say xỉn, lái xe nguy hiểm gì đâu”.

8g30 sáng, chiếc xe máy chở hai mẹ con chầm chậm lăn bánh về phía chợ. Con trai chị chạy đúng phần đường xe máy của mình. Bất ngờ chiếc taxi từ phía trong lao ra đường như ép văng xe mẹ con chị ra ngoài.

Người con giảm ga, rà thắng, nhường đường cho taxi lên trước. Nhưng đúng lúc ấy một chiếc xe buýt từ phía sau lại lao lên, lấn sang phải vào phần đường xe máy. Hai mẹ con chị lọt vào đúng kẽ giữa của hai chiếc xe lớn đang giành đường...

Không thể lách trái hay phải, con trai chị bậm môi đạp thắng nhưng không còn kịp nữa. Tay lái bên trái của cậu bị hông xe buýt ép đụng. Chiếc xe máy loạng choạng đổ ra đường. Cậu té lăn mấy vòng, chưa kịp nhận thức cơn đau từ những vết trầy xướt trên người thì đã nghe tiếng mẹ thét lên. Cậu nhìn lại thấy chân trái mẹ mình đã kẹt dưới bánh sau xe buýt.

2. Bánh xe buýt lăn qua. Chị tôi xanh xám, cố gắng rút chân lại nhưng không thể được nữa. Phần xương từ đầu gối trở xuống bị gãy làm mấy đoạn. Da thịt lóc ra, lòi cả xương. Người đi đường hét lên. Tài xế xe buýt dừng xe. Họ bế chị lên taxi, lấy nilông bọc phần chân gần như đã gãy lìa lủng lẳng của chị để máu khỏi ướt xe!

8g37. Đồng hồ nhà tôi như đứng lại. Mọi người chết lặng khi điện thoại dồn dập, đứa con đi cùng báo mẹ mình đã bị xe buýt cán. Tất cả quên hết tết nhất. Mọi người cuống cuồng lao đến Bệnh viện Gia Định. Chị tôi đang nằm lịm ở phòng cấp cứu.

Đoạn chân trái từ đầu gối trở xuống nát bấy, máu đỏ vẫn loang đẫm. Chị đau đớn lắm, nhưng vẫn cố gượng hỏi đứa con có sao không. Đến khi biết con chỉ bị trầy xước, chị mới nhắm nghiền mắt, lẩm bẩm dặn người nhà cầu xin bác sĩ cố giữ chân cho mình. Đây là điều mọi người đã lo sợ ngay từ lúc mới nhận tin chị bị tai nạn.

Ít phút sau, nhân viên y tế đẩy chị vào phòng mổ cấp cứu. Cánh cửa đóng lại, lạnh băng, rờn rợn. Đồng hồ chỉ qua một giờ, hai giờ, rồi gần ba giờ... Những người bên ngoài đã không kìm được tiếng nghẹn. Cuối cùng, ba giờ mà như dài hơn cả ngày trôi qua.

Tên chị cũng xuất hiện trên màn hình báo đã chuyển ra phòng hồi sức. Một điều dưỡng ra báo: chân đã được mổ, khoan xương để nẹp cố định. Người nhà tạm thở ra, như vậy đến giờ này chị vẫn còn chân.

3. Chiều muộn, chị được chuyển sang phòng chấn thương chỉnh hình. Cả nhà ùa lại. Gần cả ngày rồi mọi người mới được gặp chị. Trên băng đẩy, chị nằm rũ với chân trái bị băng trắng xóa. Những thanh kim loại lạnh lẽo được nẹp bên ngoài, máu tứa đỏ cả những đoạn khoan thẳng vào xương.

Chị xanh rũ, mắt nhắm nghiền, thều thào kể: “Chỉ gây mê phần dưới, bác sĩ xẻ thịt, khoan, đục gì đều biết hết. Sợ lắm! Họ còn nói phần da thịt bị bánh xe lóc mất nhiều quá, nặng lắm”.

Tôi tìm bác sĩ hỏi tình hình. Ông cho biết phần xương của chị đã được nẹp, nhưng lo nhất là phần mềm bị mất quá nặng, rất dễ nhiễm trùng. Chị sẽ phải đối mặt với nhiều lần phẫu thuật nữa, thời gian nằm viện không tính hàng tuần mà phải hàng tháng...

Mới ngày 29 cuối năm nhưng cả gia đình tôi đã không còn tết nữa. Tất cả sinh hoạt đều đảo lộn vì phải chăm sóc chị nằm một chỗ. Mọi người cố đùa “ăn tết bệnh viện” để chị đỡ buồn, nhưng ai cũng thắt ruột gan khi nghe chị rên đau.

Bác sĩ cho thuốc giảm đau, chị nằm thiêm thiếp một lát. Vừa hết thuốc, cơn đau khủng khiếp lại buốt xé. Các con chị mới sẩy mẹ đã buồn ngơ ngác. Một đứa ở nhà nội, đứa bé hơn phải về nhà ngoại để cha có thời gian chăm sóc mẹ. Nhìn chúng thẫn thờ, người lớn phải quay mặt đi để giấu ánh mắt mình.

Mọi người cố làm chị khuây khỏa, nhưng làm sao có thể an lòng được khi từng ngày xuân trôi qua trong bệnh viện lạnh lẽo. Hôm đầu tài xế, chủ xe buýt còn “quan tâm” tìm đến bệnh viện. Nhưng khi năn nỉ, thương lượng tạm ổn chẳng còn thấy họ đâu nữa.

Chị tôi đang đau, vẫn thương người: “Họ có con cái. Họ cũng phải ăn tết chứ”. Nhưng vài người nhà chưa nguôi cơn giận: “Họ có hiểu được rằng trước bánh xe của mình là sinh mạng con người không? Lương tâm họ ở đâu?”.

Tôi ngồi nhìn chị đau đớn mà thấy mình như đau theo. Lương tâm người cầm lái ở đâu? Ai trả lời được câu hỏi này? Chị tôi phải nằm liệt hàng tháng trời, mà đặc biệt là chưa biết phục hồi ra sao. Nếp nhà rối tung, con nhỏ thiếu người đưa đi học, cháu bé không ai chăm, cha chồng ốm đau sẽ thế nào. Rồi gánh nặng tài chính oằn vai người chồng vốn thu nhập ít ỏi. 

Nhưng dù sao trong rủi cũng có cái may. Sau tai nạn chị tôi vẫn còn đó, vẫn còn được nhìn thấy nhau để gia đình yêu thương, sẻ chia dù khó khăn thế nào. Ở ngoài kia biết bao hoàn cảnh còn tận cùng bi thương hơn chị tôi.

Từ hoàn cảnh chính mình mà tôi ám ảnh con số mười mấy ngàn người tử vong và hàng chục ngàn người bị thương vì tai nạn giao thông mỗi năm.

Chỉ trong chín ngày tết vừa rồi mà đã có đến hơn 300 người mất mạng trên đường. Nhìn chị đau một, gia đình tôi khổ một, lại quặn nghĩ đến hàng ngàn gia đình còn đau đớn, khốn cùng hơn mình rất nhiều. Sau mỗi sinh mạng mất đi hay phải mang thương tật là gánh nặng khủng khiếp đeo đẳng suốt đời với bao gia đình, bao trẻ thơ.

 

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên